Nẻo về
(QNO) - Tự bao giờ, tôi đã quen với hình ảnh con đường đất với hai bên toàn cỏ dại xen lẫn sắc trắng hoa xuyến chi dẫn lối về đến tận ngõ nhà ngoại. Hình như, sau những mệt nhoài vượt qua cái nắng nôi, mưa gió của ngày kiếm sống lam lũ ngoài kia, bình yên trong tôi chỉ duy nhất mỗi khi về với ngoại, cùng bà đun bếp lửa nồng đượm và nghĩ về giấc mơ màu khói chuỗi ngày ấu thơ.
Gian bếp đơn sơ, mộc mạc như chính con người của ngoại. Bếp cũ kỹ được xây bằng những viên gạch thẻ thời xưa, mái ngói nhuốm màu tro và bồ hóng đen xì nhưng vẫn đầy sức hút. Dù mùa mưa hay nắng, ngoại vẫn chuẩn bị đủ đầy cặp gióng gánh và thúng chứa chày cối, nồi niêu, xoong chảo rồi đặt gọn bên tủ gạc-măng-rê. Phía trên giàn ngói, ngoại lấy dây lát tre buộc theo hàng nào tỏi, hành, bắp, khoai. Bên dưới chỗ đặt ông kiềng luôn có nhúm trấu, nhúm rơm và bó củi để thổi cơm.
Ngày bé, mỗi khi tan học, trước khi về nhà mình tôi thường ghé nhà ngoại. Thói quen bước vào gian bếp gọi “Ngoại ơi!” và nhận về nụ cười kèm gói quà của bà như ăn sâu vào tiềm thức của tôi. Thức quà ngoại thưởng cho tôi có khi là chén thịt heo kho sả ruốc, đĩa thịt gà xé trộn rau răm, khi lại là khoai lang ngào đường bó trong tàu lá chuối, là chén chè đậu đen xanh lòng... Dù món gì, mỗi thứ ngoại mang đến cho tôi đều rất thơm ngon và chứa chan niềm hạnh phúc vô bờ.
Nhớ những ngày vừa thu hoạch vụ mùa, có lúa thơm hay bắp nếp dẻo, ngoại dành riêng một rổ và bọc bao thật kỹ để dành cho ngày mưa. Khi ấy, tôi cùng bà nhóm bếp rồi bắt chảo nhôm đổ một ít lúa thơm, dùng que cời dài đảo qua đảo lại cho đến khi có tiếng nổ lụp bụp, vỏ lúa tách ra để lộ hạt gạo bỏng trắng. Bắp nếp dẻo ngoại cũng rang lên, sau đó ngoại ngào nước đường với tép gừng rưới lên, trộn đều và múc ra chén cho tôi ăn ngay bên bếp lửa ấm nồng.
Cũng từ gian bếp đầy tình yêu thương, tôi học từ ngoại cách thổi lửa và rất nhiều công thức nấu ăn ngon. Ngoại thường mắng yêu tôi rằng, con gái đôi mươi mà chưa biết thổi lửa. Chắc chẳng ai như tôi, đun củi chưa đượm mà thổi phù một cái làm lửa lụi khi bếp chưa tàn, cơm canh chưa ngọt. Nhờ lời dạy của ngoại mà tôi bỏ luôn cái tính hấp ta hấp tấp vốn có. Tôi hiểu ra dù thổi lửa hay làm việc gì cũng nên xem kỹ vấn đề rồi từ tốn giải quyết. Như lửa trong gian bếp của ngoại, muốn nhóm lên phải thổi một làn mỏng như thổi sáo rồi dần dần trấu, củi đượm đủ hơi nóng mới xập xè bùng cháy.
Tôi nhớ như in hình ảnh ngoại chỉ lên làn khói trắng mỏng manh và dạy tôi sự gắn bó khắng khít giữa khói bếp với hạnh phúc gia đình. Ngoại bảo “vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”, cho nên sự có mặt của bất kỳ người phụ nữ nào trong gian bếp là điều cần thiết. Trách nhiệm và bổn phận từ bao đời, đàn bà phải biết giữ cho gian bếp có lửa ấm cũng như biết giữ ấm hạnh phúc gia đình. Càng lớn lên và chiêm nghiệm nhiều thêm, tôi thầm biết ơn những bài học từ gian bếp trĩu nặng tình ngoại.
Và với tôi, tự bao giờ, căn bếp của ngoại trở thành nơi nương náu ấm áp nhất mà tôi luôn muốn được trở về. Nơi đó, tôi được nép trong lòng bà, chẳng cần phải lo nghĩ ngợi bất cứ điều gì trên đời nữa. Đã gần nửa năm nay, ngoại phải chống chọi với bệnh tật ở bệnh viện, căn nhà vắng bà như rộng thênh và vắng lặng. Gian bếp đã không còn rừng rực lửa rơm và ấm nồng mùi trấu với đủ các món ăn. Hẳn vì thực tại trơ trọi ấy mà mỗi khi chọn gian bếp của ngoại là nẻo về, tôi lại nhớ bà và muốn khóc. Lúc ấy tôi hiểu, sự góp mặt của ngoại và nẻo về với những sợi khói bếp cay xè vẫn thường trực, ẩn ức mãi trong trái tim tôi!