Thầy tôi
Những năm tám mươi của thế kỷ trước, ở một vùng núi đường đi lại lổn nhổn đá cục vá ổ gà, nhà tranh buồn như cổ tích, thì ngôi trường mái ngói cấp III có tuổi khai sinh thời kháng chiến quả là uy nghi bệ vệ. Những học sinh từ cổng trường bước ra sáng láng như biểu tượng của một nhà trí thức. Ấy vậy mà tôi đã thi đỗ vào trường, Trường THPT Quế Sơn. Và, cuộc đời tôi, vui và buồn, thất bại và thành công… như được an bài từ một người thầy dạy văn: thầy Trương Vũ Thiên An.
Hơn hai mươi năm tuổi nghề, bao nhiêu khóa học trò đã đến và đi, vậy mà mỗi khi nhớ lại những giờ văn hai mươi năm trước, bây giờ cũng như bao giờ, lòng cứ mênh mang như sách vở. Sách, niềm hân hoan đầu tiên là sách. Đứa trẻ nghiện sách là tôi cứ như trong mơ lạc vào thế giới kỳ bí xây bằng sách. Ngày ấy giá mỗi bộ sách như “Đất vỡ hoang” (M.Solokhov ), “Bà Bô-va-ry” (G.Flaubert) hay “Nhà thờ Đức Bà “(V.Hugo) giá bằng hai tháng lương của thầy. Lên lớp, thầy dỗ dành lũ tôi: thầy có sách mới, hay lắm, đọc đi! Quê thầy ở thành phố, mỗi năm mùa khai giảng thầy đến trường với những bộ quần áo mới, đẹp hết biết. Rồi dần dần chúng biến đi, nấp sau những trang sách. Mỗi lúc từ trong sách bước ra, lũ tôi lại rưng rưng tiếc bộ đồ tây, tiếc chiếc áo ấm, hay cái áo măng-tô thầy còn mới mặc hôm qua. Tôi đã lặn lội từ làng quê sang Nga, sang Pháp, rồi sang Mỹ với cánh buồm thầy căng bằng khát vọng hay vá víu bằng tình yêu nghề như thế đó. Để mở ra cho chúng tôi những chân trời mới, thầy đã âm thầm đóng lại những cửa nhỏ đời mình.
Khai tâm, nghệ thuật làm thầy là nghệ thuật khai tâm. Mỗi giờ thầy lên lớp là mỗi giờ lũ tôi thấy từng trang sách mới lại. Bài thơ Thần là của Nhân dân, do một kẻ sĩ chấp bút, Lý Thường Kiệt chỉ là người thừa hưởng thành quả mà nhân dân đồng thuận dâng tặng. Bình Ngô Đại Cáo là do Ức Trai tiên sinh viết mà không phải là Thừa chỉ Nguyễn Trãi, ta không thấy bóng dáng triều đại mà chỉ thấy tầm vóc Nhân dân… Dĩ nhiên những phát kiến ấy bao giờ cũng được đưa ra nửa đùa nửa thật, hú gọi lũ tôi bình luận…
Tìm lửa, thầy rất biết cách dồn bọn tôi vào chân tường để mỗi đứa bằng tri thức riêng mình mà bật lại bằng phản xạ tự vệ, thầy gọi là tìm lửa. Thầy luôn tìm lửa ở những phát kiến kinh người:
- Ngủ thì không phải là thức giả!
- Bao giờ cũng là đã trễ rồi và bao giờ cũng vẫn là chưa trễ!
- Sống hay vẫn sống!
Cứ thế, từng trang sách mở ra, từng đáp án mở ra, từng cuộc đời mở ra. Những năm trung học khép lại bằng thành quả ngọt ngào - hơn nửa lớp đỗ vào đại học. Năm 1986 ở một vùng quê trung du - một kỳ tích làm dậy cả một vùng huyện nhỏ.
Ngày tôi đến chào thầy để vào trường đại học, thầy đã đứng nghiêm bắt tay tôi trang trọng: Chào đồng nghiệp tương lai của thầy!
Tôi đã theo dáng thầy ngày đó lớn lên. Đã hân hoan giấc bay làm người nghĩa hiệp. Đã học thầy đốt lửa làm người cho chữ. Đã rưng rưng buồn vui khi mời gọi lũ học trò nhỏ làm người. Và đã biết ngả đời dâu bể. Đôi lúc thối chí ngã lòng, lại vịn vào lời thầy mà đứng dậy, rằng “chức vụ làm người khó nhất là phải làm người đứng đắn!”...