Sống chậm trong những ngày tự cách ly
(QNO) - Dù đã rất chủ động và cẩn thận chuẩn bị tất tần tật từ đồ ăn thức uống đến nước sát khuẩn, khẩu trang… để làm việc trong mùa Covid-19, hạn chế đi lại, tiếp xúc, nhưng đến ngày cuối cùng của đợt công tác, cả hội đồng chấm thi THPT Quảng Nam đều bàng hoàng trước tin chẳng lành: thầy giáo tham gia coi thi tốt nghiệp đã là F0, nhiều người thành F1, và tôi bất đắc dĩ thành F2.
Bỗng dưng tôi có cảm giác loạn nhịp, khó thở và khan cổ (!). Những ánh mắt nhìn nhau lo lắng trên bao gương mặt đeo khẩu trang gần kín. Bàng hoàng hơn là lúc xe của ngành y tế chở y bác sĩ trong trang phục bảo hộ kín mít vào sân trường để lấy mẫu xét nghiệm cho toàn thể hội đồng chấm thi. Mọi người lặng im lo hoàn thành nốt những khâu cuối cùng của đợt chấm thi mà lòng dâng lên bao cảm xúc lẫn lộn: âu lo, rồi tự trấn an, hy vọng…
Nỗi ám ảnh thường trực gây lo lắng là từ “dương tính”. Trong miên man cảm giác ấy, tôi nghĩ nếu chẳng may mình dương tính, bao nhiêu bác sĩ và nhân viên y tế sẽ vất vả vì mình. Nhìn những bác sĩ trong trang phục bảo hộ, mồ hôi đọng hết trên gương và tấm chắn lấy mẫu xét nghiệm cho mình, trong tôi dâng lên lòng xúc động và cảm phục vô hạn. Rồi con mình, gia đình mình có bị lây nhiễm không? Hoàn toàn không thể trả lời được. Rối bời nhớ lại lịch trình mình trong hai tuần qua. Dù hạn chế đi lại đến mức thấp nhất, tôi cũng tham gia đến hai đợt chấm thi, tiếp xúc với hàng trăm người...
Về nhà, tôi được cán bộ y tế địa phương hướng dẫn việc tự cách ly để đảm bảo an toàn nhất. Và tôi bắt đầu mười bốn ngày không bước ra ngoài trên căn gác của riêng mình. Mỗi sớm thức dậy, tôi âm thầm mừng theo bản tin về số lượng ca nhiễm mới giảm dần; có hôm không có ca nào. Chúng tôi - các F2, nhắn tin hỏi thăm tình hình các F1 và nhắn tin chào ngày mới trong hội F2. Đã qua cảm giác âu lo hôm nào, từ thông báo “tất cả F1, F2 đều đã âm tính lần một”. Tôi tự nhủ “bình tĩnh sống” và tuân thủ triệt để quy định cách ly.
Mười bốn ngày cách là cơ hội để mình sống chậm. Tôi không có thời gian để buồn vì còn một mớ sách chưa đọc/đọc lại, còn những ý tưởng mới ghi nhớ mà chưa kịp viết, còn những ê a của mấy bài tiếng Anh vỡ lòng... Và quan trọng hơn, tôi thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người: mình mới chỉ là F2.
Tôi chỉ thấm thía hơn những câu hát “từng ngày chôn chân nhớ phố lang thang” hay “một ngày thấy mặt trời, thấy mặt người lòng đã thấy vui”. Ngày ở nhà sẽ không dài vì tự mình biết lấp đầy các khoảng trống. Chỉ hơi cùn chân vì không được đi đâu. Mong mười bốn ngày sẽ qua mau, mong cho mọi người đều âm tính và bình an vui khỏe vượt qua đại dịch. Ngạc nhiên nhất là, tôi chẳng còn nghe rát họng hay khó thở, tim đã hết thình thịch như bữa nọ. Tinh thần đúng là quan trọng số một trong việc phòng chữa bệnh hay nhìn nhận cuộc sống.
Những ngày tự cách ly, tôi nhận được biết bao nhiêu cuộc gọi, tin nhắn của bạn bè, người thân. Thêm nữa, những bó rau, những sản vật quê nhà ăm ắp chân tình được gửi đến nhà. Cảm động không kể xiết. Những ân cần thương yêu cho tôi thêm niềm tin vào cuộc sống.
“Rồi sẽ ổn cả thôi”. Tôi tin vào điều đó và tin vào cách điều hành phòng chống dịch bệnh của các cấp chính quyền. Tôi càng xúc động hơn khi đọc những bài báo về các “chiến binh áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch hay nghĩa cử cao đẹp của nhân dân cả nước hướng về Quảng Nam - Đà Nẵng, đặc biệt nhất là sản vật do đồng bào Nam Trà My gửi xuống miền xuôi. Tình người xứ Quảng sao mà chân chất, mộc mạc và chân tình quá đỗi. Ấm lòng.
Tôi biết ngoài kia, mùa thu đã giăng giăng sương mờ trên khắp nẻo. Tôi biết ngoài kia, dọc con đường tôi thường đi bộ mỗi sớm, hoa lá vẫn xanh tươi soi mình xuống lòng sông Tiên xanh ngắt. Tôi biết ngoài kia, đám huệ mưa đang thi nhau bung nở hồng hết một khoảng sân nhà. Và tôi biết, trong hai tuần, những hẹn hò chỉ tạm khép lại, hy vọng dịch bệnh sẽ lắng dần cho mùa khai trường và năm học mới với bao yêu thương.