May mà, may quá (!?)
Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng một chiều đầu tháng Năm. Cơn mưa trái mùa dai dẳng mấy hôm liền đã làm không khí phòng bệnh dịu đi một chút và hình như cũng làm người ta tâm trạng, nhiều tiếng thở dài hơn mọi khi.
Bạn vừa trở về từ phòng hậu phẫu sau một ca phẫu thuật cắt vú bên phải để khống chế không cho mầm bệnh ung thư di căn. Và lập tức bạn nhận được nhiều lời chúc mừng của những người cùng phòng đồng cảnh ngộ. “Chúc mừng em đã phẫu thuật thành công!” - một người nói kèm tiếng thở dài. “May mà chị mới chỉ bị cắt vú bên trái chứ như bạn em bị cắt vú bên phải, thế là tay phải gần như bị liệt, không còn lái xe máy được nữa, chúc mừng chị!”…
Nghe ứa nước mắt khi thấy bạn vẫn chưa hoàn hồn sau khi bị cắt đi một phần cơ thể, mếu máo, khó nhọc nói lời cảm ơn từng người.
Và thế là chuyện của suốt buổi chiều hôm ấy của chúng tôi xoay quanh chủ đề “may mà”. Một chị bị ung thư cổ tử cung, nhìn bạn nói “may mà phát hiện sớm và cắt vú, chứ để lan xuống tử cung như chị thì khổ lắm”. Một chị khác cũng ung thư cổ tư cung, nhìn qua chị “khổ lắm” nói “chị còn may hơn em là mới hóa trị có 2 lần, chứ như em đã vô thuốc đến lần thứ 5, giờ đầu phải đội tóc giả và mỗi lần vô thuốc là cơ thể đau đớn như thể chết đi sống lại”.
Một chị bị ung thư phổi, nhìn qua chị “chết đi sống lại” thở dài, nói “em vẫn còn may là mới vô thuốc có 5 lần chứ như chị đây sắp chuẩn bị vô đợt thứ 7. Mà chị cũng thấy mình may mắn là đến giờ vẫn còn sống để hàng ngày gặp mặt chồng con chứ như bà hàng xóm, cũng phát hiện ung thư cùng lần với chị, nhưng hôm qua đã đám đưa kèn thổi rồi…”.
Một chị lôi trong hành lý ra tờ báo cũ có bản tin viết về bệnh ung thư ở Việt Nam, đọc lớn cho cả phòng nghe. Đại khái, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ chết do ung thư ở Việt Nam là 110 ca/100.000 người, đứng top 2 thế giới, chỉ sau nước Úc. Và tại Việt Nam, thống kê cho thấy các ca mắc ung thư ngày càng có xu hướng tăng lên. Từ con số 68.000 ca mắc ung thư năm 2000 đã tăng lên 126.000 năm 2010 và đến thời điểm này đã vượt qua 190.000 ca…
Nghe báo xong một chị thở dài, bảo “Việt Nam dù sao vẫn còn may hơn nước Úc. Mà Việt Nam từ môi trường cho đến thức ăn chứa nhiều độc tố thì tỷ lệ ung thư cao đã đành. Nhưng còn Úc là một trong những đất nước phát triển, y tế hiện đại thì cớ làm sao tỷ lệ người chết do ung thư lại dẫn đầu thế giới?”. Cả phòng nhìn nhau ngơ ngác không ai có câu trả lời. Có lẽ, ung thư, như người Việt mình hay nói với nhau, trời kêu ai nấy dạ.
Gần cuối ngày tôi với bạn mới có chút riêng tư sau khi những người đồng cảnh ngộ tản đi vì tạm hết chuyện để buôn. Tôi còn chưa kịp “may quá” để an ủi bạn thì cô ấy đã chủ động “may vào nằm ở đây em mới thấm thía câu nói của một cựu Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, rằng khi bạn có sức khỏe thì bạn có hàng ngàn mong muốn khác nhau. Nhưng khi bạn đổ bệnh sắp chết thì bạn chỉ có một mong muốn duy nhất đó là sức khỏe! Trước đây khi nghe câu này em hiểu nhưng không cảm được”.
Im lặng nhìn ra màn mưa một lúc, bạn bỗng thở dài bảo vào đây, nhìn vết thương của mình em mới thấy mọi bon chen, tranh đấu ngoài kia thật vô vị. “Trong này mọi người yêu thương và lo lắng cho nhau lắm vì cùng cảnh ngộ và ai cũng có cảm giác là bỗng dưng cuộc sống rất ngắn ngủi. Nhưng hay nhất là vào đây, không ai hỏi cũng chẳng ai quan tâm người đối diện làm nghề gì, thân phận và địa vị xã hội ra sao, giàu có hay nghèo khó… Suốt ngày tụi em chỉ nói chuyện với nhau quanh chủ đề “may quá” chứ không nói thêm điều gì khác…”.