Cân đường lon sữa
Người bà con ở quê vào Sài Gòn chữa bệnh. Ba tôi gọi điện vài ba lần nhắc đi thăm. Chồng tôi biết ý nên tranh thủ về sớm, trên đường về anh gọi hỏi “mua gì không em”, tôi “xời” một tiếng rồi bảo “bỏ bì 500, một triệu cho nhanh”. Anh “ừ”, chẳng nói gì thêm nữa.
Nếu như trước đây, tôi sẽ rất đắn đo “mua gì nhỉ, cái nào thì tốt” nếu có một người nào đó ốm đau cần đi thăm. Chẳng như bây giờ, cái gì cũng “bỏ bì cho nhanh”. Chiều nay khi chồng hỏi mua gì, rồi nghe anh ừ, cái giọng pha lẫn chút buồn, tự dưng chạnh lòng.
Nhớ hồi nhỏ còn ở quê, khi đi thăm ai đó ốm đau, má tôi mua một cân đường cát trắng và một lon sữa Ông Thọ. Hình như phải ốm nặng, nằm bệnh viện huyện thì mới được chế độ thăm nom “cân đường lon sữa”, còn ốm đau vặt vãnh thì ráng ăn cháo, ăn cơm cho no là tự hết.
Tôi nhớ hai lần nhà tôi có rất nhiều đường, rất nhiều sữa đặc Ông Thọ là lúc anh Hai tôi mổ ruột thừa và má tôi gặp nạn, mất rất nhiều máu, nằm viện điều trị cả tuần liền. Bà con lối xóm đến thăm, ai cũng cân đường, lon sữa, đôi khi có một lốc nước yến, sang lắm thì có người gửi 50 ngàn đồng, cầm tay má tôi căn dặn “mua chút thịt bò nấu cháo bồi dưỡng cho nhanh lại máu”.
Trước đó, chúng tôi chỉ thấy đường tán đen. Mỗi khi tới rằm lớn má tôi mua đường tán đen về chặt nhỏ nấu chè, chị em tôi mỗi đứa nhón lấy một mẩu, gặm gặm như chuột, tận hưởng vị ngọt của mật mía tan chảy trong miệng. Mà mỗi năm thì có mấy cái rằm lớn đâu nên đường tán đen cũng hiếm, đường cát trắng thì càng quý hiếm!
Nay thì đường trắng chất cả mớ, chị em tôi pha trà đường, tha hồ làm nước chanh, bữa nào có thêm cục đá lạnh nữa thì khỏi chê, uống nước chanh liên tù tì, chả màng cơm nước. Sữa đặc thì pha với tí nước ấm, đưa lên miệng làm một hơi, vị ngọt, vị béo chạy rật rật đến tận gan ruột.
Những lúc ấy, thấy cái sự đau ốm của má, của anh Hai cũng có cái hay, được ăn đường, uống sữa đặc đã đời. Sau đó, mỗi khi thèm đường sữa quá tôi buột miệng “dạo này chả có ai ốm để có đường sữa ăn má nhỉ”. Nhớ lần đó, má tôi quơ lấy cán chổi, suýt nữa là cho tôi một phát!
Thời ấy tôi cứ đinh ninh, đi thăm ai ốm là cứ phải cân đường, lon sữa. Đường, sữa cứ như là thuốc tiên vậy, bệnh gì cũng ăn đường, uống sữa vào ắt sẽ khỏe như vâm, thuốc thang chỉ là phụ.
Tôi vào Sài Gòn học đại học, trong cái vali cũ mèm, vài bộ quần áo, cái chăn, má tôi đặt vào đó một cân đường, một lon sữa đặc, dặn: “Mới vào chưa quen, má cứ dằn cho con đường, sữa. Đi học về mà mệt thì pha nước chanh uống cho khỏe. Còn sữa đặc buổi sáng mua bánh mì về chấm, hoặc pha với nước ấm uống rồi đi học”.
Nhập học chưa được bao lâu thì nghe tin ông bác ốm, ba tôi nhắn phải lên thăm. Nhớ cân đường, lon sữa má gửi chưa dùng, tôi xách đi thăm bác. Bắt mấy chặng xe buýt mới tới được bệnh viện thì mới hay bác đã xuất viện về nhà, lại bắt thêm mấy chặng xe nữa tìm tới nhà.
Lần đầu tiên tôi mới hay, đi thăm người ốm không phải chỉ đường, sữa mà còn có sâm, yến, đủ loại trái cây nội, ngoại nhập. Chần chừ mãi tôi cũng gửi quà thăm bác rồi bắt xe buýt về lại trường.
Chừng tháng sau, má tôi vào Sài Gòn, hai má con lại bắt mấy chặng xe lên thăm bác. Trước khi về, bác gái gửi má tôi một túi quà được buộc rất kỹ. Về tới nhà trọ, má kêu tôi mở xem bác gái cho gì. Tôi cẩn thận tháo dây. Trời ơi, cân đường lon sữa còn nguyên trong cái túi ni lông hôm tôi xách lên thăm bác trai. Tôi nhớ lúc đó hai hàng nước mắt tôi lăn dài, chẳng ai đánh mà thấy thật đau!