Những ngày sống chậm
Mấy đứa em ở Sài Gòn cứ điện thoại chừng chừng, dặn dò “Anh coi chừng mẹ giúp tụi em nha, đừng để mẹ đi đâu. Chính phủ khuyến cáo người từ 60 tuổi trở lên nên ở nhà thời gian này, huống gì mẹ mình đã tuổi cao sức yếu, nguy hiểm rình rập”.
Mẹ tôi tuy tuổi cao, nhưng còn minh mẫn, vẫn cập nhật thời sự mỗi ngày, không chỉ vì “chưa từng chứng kiến trong đời về một sự hủy diệt kinh khủng vì dịch bệnh”, mà mẹ lo cho mấy đứa con gái lập nghiệp phương xa.
Cuối mỗi ngày, mẹ thường bảo tôi gọi video để nhìn mặt từng đứa, hỏi han từng đứa, rồi dặn dò nào là hạn chế ra ngoài, nhớ đeo khẩu trang, nhớ rửa tay, và mua thêm thức ăn cất vào tủ lạnh. Mấy đứa em tôi hài hước, rằng, mấy hũ mắm, mấy cân đậu phụng, bao gạo thơm mẹ gửi vào, là thực phẩm dự phòng chủ lực, đói sao được mà mẹ lo!
Mẹ tôi không lo sao được khi tình hình dịch bệnh “trong nớ” chứa chất nhiều nguy cơ, chỉ cần người dân lơ là, không chấp hành mệnh lệnh, thành phố sẽ mất kiểm soát ngay. Chưa lúc nào người thân lo lắng cho nhau như lúc này, bởi ai cũng ý thức tốc độ lây lan chóng mặt của một loại virus “giết người hàng loạt”.
Mẹ tôi đòi kêu các em về quê… lánh nạn. Rằng, bà sẽ “nhốt” các con trong ngôi nhà thơ ấu, trong mảnh vườn toàn mùng tơi, rau muống, rau dền, mà tuổi thơ các con gắn bó. Mẹ sợ những đứa con gái vốn ít biết lo xa, rồi thành phố đóng cửa, các con xoay sở ra sao.
Mẹ tôi là thế, lúc nào cũng lo xa, những nỗi lo có lý của mẹ đã gồng gánh gia đình đi qua một thời gian khó. Các em tôi thì ngược lại. Các em tự tin, đã tin là mãnh liệt. Có lẽ thời đại của mẹ và chúng tôi khác nhau. Chúng tôi được tiếp nhận tin tức mỗi ngày, được khuyến cáo, được làm theo chỉ dẫn, đặc biệt có thực phẩm quê nhà tiếp tế, cần gì phải lo (tôi trấn an mẹ như thế).
Dịch vẫn đang hoành hành khắp địa cầu. Mẹ thì vẫn cứ lo, một nỗi lo chính đáng, thực tế, rất đàn bà, cứ hũ gạo đầy và tủ lạnh đầy là được. Tôi chỉ cho mẹ thấy, thằng Tính gom cá đồng, lươn đồng, mỗi tuần hai lần chuyển vào thành phố; bé Hà chế biến thức thực phẩm quê, chủ yếu cung cấp vào thành phố, và còn rất nhiều “mối” khác nữa.
Các cô gái của mẹ chỉ cần ngồi nhà “nhấp chuột”, là thức ăn đủ đầy, chưa kể lãnh đạo cam kết không để người dân thiếu lương thực thực phẩm… Nhưng, làm mẹ bao giờ cũng thế, dù mẹ có trăm tuổi, nỗi mong trước nhất là con cái ấm no.
Chưa bao giờ tôi thấy mẹ tỉnh táo như những ngày này. Hôm qua mẹ nói, trong nớ bây giờ vắng hoe, mọi dịch vụ dường như đóng cửa. Hôm nay mẹ nói, trong nớ đã tính tới kịch bản xấu nhất là phong tỏa thành phố. Đủ thấy mẹ minh mẫn và lo lắng biết nhường nào.
Tôi nói với các em, hãy làm cho mẹ tin, một niềm tin cụ thể chứ đừng bông đùa, thậm chí nói dối để mẹ đỡ lo cũng được. Nói là làm. Chiều nay em gái út gọi về khoe mua thức ăn đầy tủ lạnh, có thể ăn suốt tháng, không cần đi chợ. Em kế tôi thì khoe mới thay tủ lạnh mới, to hơn, để dự trữ thức ăn mùa dịch. Nghe thế, mẹ cười mãn nguyện: “có rứa chớ”. Một lời nói dối mang lại sự an tâm cho người thân, tôi dặn các em không cần bứt rứt.
Những ngày này, chúng tôi bắt đầu sống chậm, nghĩ về đất nước, về gia đình, làm những gì mình thích, và mong chờ dịch bệnh chóng qua.