Cu Tô bên kia đại dương
(Xuân Canh Tý) - Bảy Thảo là bạn của tôi. Một ngày cuối tuần, tôi và chị được mời đến dùng bữa tại nhà một người bạn. Đang cuộc vui, mọi người cùng nâng ly thì Bảy Thảo bỗng bỏ đũa ngẩn người, mắt chăm chăm nhìn về chiếc cầu thang gỗ. Chị đưa tay áo lên dụi mắt, giọng nghèn nghẹn: “Nhớ thằng bé quá! Giờ này bên ấy…”. Chị bỏ lửng câu nói, có lẽ vì biết nếu kể thêm thì thế nào rồi mình cũng khóc.
Thằng bé chính là cu Tô, đứa cháu nội 7 tuổi của Bảy Thảo vừa cùng ba mẹ định cư ở nước ngoài. Ngày còn ở chung nhà nội, thằng bé vẫn thường quấn quýt bên bà, lúc ra vườn, khi vào chợ hay ở những cuộc vui với bằng hữu thân tình. Với căn nhà mà chị cùng bè bạn đang họp mặt hàn huyên, cu Tô từng nhiều lần theo chân bà nội đến vui đùa. Ở đó, lần nào cũng vậy, vừa bước vào cửa, thằng bé thoăn thoắt trèo lên chiếc cầu thang gỗ rồi ngồi xuống với tư thế nghịch ngợm để đòi bà nội chụp ảnh cho mình.
Chiếc cầu thang nhà bạn ngày cuối tuần đã khiến bữa trưa đang ngon miệng của bạn tôi bị bỏ dở giữa chừng vì bà nội nhớ cháu nơi xa. Tôi hình dung nhiều lần trong ngày, giữa bữa ăn, trong giấc ngủ, lúc dạo phố hay khi ra chợ, Bảy Thảo hẳn thường ngẩn ngơ, thất thần vì nhớ cháu. Tựa chiếc cầu thang gỗ kia ở nhà người quen, biết bao đồ vật, nơi chốn còn nóng ấm dấu vết đứa cháu. Sáng sáng mở mắt bước ra khỏi phòng trong căn nhà thân quen từng ríu rít tiếng con trẻ, chị hẳn bị vây bủa giày vò đến quay quắt bởi nỗi nhớ cháu nhớ con.
“Nội đừng dời chú gấu bông của con đi đâu hết nghen. Để yên đó rồi con sẽ về với nội. Khi nào nhớ con, nội cứ nhìn gấu cười…”. Cu Tô từng nũng nịu dặn bà nội như thế trước lúc lên xe rời nhà. Trong các cuộc điện thoại sau đó từ bên kia bán cầu, thằng bé cũng nhắc đi nhắc lại như thế với bà mình, rằng nội chớ buồn vì thế nào cu Tô cũng trở về để bà cháu lại cùng đi chợ, xuống phố như ngày xưa. Bảy Thảo kể về đứa cháu với giọng nghẹn ngào, mắt hướng ra khoảng trời ngoài khung cửa. Chị hình dung giờ này thằng bé vác ba lô vào siêu thị hoặc đang ngồi xe buýt đến trường mà lòng chẳng vui vì nhớ nhà nhớ nội. Cứ nghĩ cháu buồn thì chị chẳng yên lòng. Chị lo cháu mình với tâm hồn trắng trong thơ dại và bản tính nhạy cảm sẽ khó hòa nhập môi trường mới dù lần nào chuyện trò qua điện thoại thằng bé cũng bảo với bà nội rằng “con vui lắm, con chẳng buồn đâu”.
“Bà nhớ chú lắm đó, chiều nào bà cũng ra ngõ đứng khóc” - lời thằng Năm, đứa cháu họ thua tôi hai tuổi - kể với tôi khi nó theo ông nó vào khám bệnh gặp tôi ở bệnh viện. Tôi lúc đó 9 tuổi, vì tai nạn phải điều trị dài ngày ở Bệnh viện Đà Nẵng cách ngôi làng nhỏ quê mình hơn 50 cây số. Mẹ tôi lúc ấy vừa sinh em tôi, đành nhờ người bác theo chăm sóc tôi ở bệnh viện. Nhớ mẹ, nhớ em, chiều nào tôi cũng chống nạng ra trước hành lang bệnh viện nhìn trời mây, lòng rười rượi hướng về cái làng nhỏ bên sông Vu Gia. Thời đó phương tiện đi lại khó khăn, mỗi ngày chỉ vài chuyến xe đò từ Đà Nẵng ì ạch lên quê tôi. Hình dung mẹ ở nhà cũng buồn vì nhớ mình, nhiều đêm tôi không ngủ được.
Lời kể vô tư của đứa cháu khiến tôi xốn xang, nước mắt chảy dài. Vậy là đúng như mình hình dung, mẹ đâu thể yên tâm khi xa tôi, dù biết bên tôi bấy giờ có bàn tay chăm sóc tận tình của người bác họ. Mẹ cứ khóc hoài vì biết tôi buồn.
“Năm ơi, Năm về kể với bà rằng mình ở ngoài này vui lắm, tối ngày cứ cười đùa hát hò luôn miệng. Mình không buồn bao giờ đâu nghe!”. Lần ấy, tôi đã dặn Năm như thế trước ngày hắn trở về làng.
Gần 60 năm rồi, tôi vẫn nhớ giọng nài nỉ của mình trước khuôn mặt thơ ngây thật thà của đứa cháu họ. Cũng chừng ấy thời gian, mỗi lần nhớ lại khoảnh khắc buồn thương của thời thơ ấu ấy, tôi không thể lý giải được vì sao hồi đó mình biết nói dối ngon lành như thế, lại còn xúi người khác cùng nói dối với mình. Phải chăng lòng thương mẹ, nỗi lo mẹ phải khổ tâm vì buồn nhớ đã thúc giục tôi nói những lời ấy một cách hồn nhiên, vô thức? Tình thương và nỗi lo ấy trở thành bản năng phản xạ, khiến thằng bé tôi 9 tuổi thốt lên những lời ấy. Và tôi tin đứa trẻ nào ở vào tình cảnh của tôi lúc bấy giờ cũng dễ dàng nói lời gan ruột ấy những mong mẹ thôi héo mòn vì buồn nhớ.
Tình tự huyết thống luôn thiêng liêng nên cháu cứ nhớ, cứ mong được gần gụi ông bà và ông bà luôn thương cháu; nên mẹ lo lắng cho con nơi xa còn con thì khắc khoải sợ người thân héo hon vì vắng bóng mình bên cạnh. Như cu Tô bây giờ bên kia bờ đại dương ngày ngày ngồi trong lớp mà mắt thỉnh thoảng trông ra cửa sổ ngóng về căn nhà cũ ở quê nhà, đêm về cứ nhắc chú gấu bông thay mình đùa vui với nội. Còn bà nội của nó thì chỉ một mùi hương nhẹ thoảng qua, một vết sướt trên thớ gỗ cầu thang cũng dễ khiến bật khóc vì nhớ cháu.
Những buồn nhớ rồi cũng lùi vào ký ức hoặc giảm độ khắc khoải, ray rứt. Nhưng trong tôi, cậu bé ngày ấy chiều chiều ra hành lang phố thị ngóng về làng xa có mẹ có em thì mãi còn đó, tựa hôm qua.