Thầy Tâm

VŨ THỊ HUYỀN TRANG 22/11/2019 10:20

Tôi không nhớ người ta gọi là “thầy Tâm” từ bao giờ. Chỉ biết khi lớn lên thì tôi hay được tụi bạn rủ đến nhà thầy chơi. Thầy chưa một lần đứng trên bục giảng ở bất cứ trường lớp nào. Bục giảng của thầy thường ở góc sân chênh vênh, lồi lõm hoặc dưới bất cứ gốc cây nào trong mảnh vườn trồng đầy nhãn, vải, ổi, xoài. 

Lũ trẻ chúng tôi thường sang nhà thầy chơi sau khi đã hoàn thành công việc mà bố mẹ giao. Ban đầu sang nhà thầy chỉ vì những tán cây lúc lỉu đầy quả ngọt. Thầy chẳng bao giờ tiếc với lũ trẻ, chỉ nhắc lấy sào mà chọc chứ đừng trèo leo kẻo ngã. Sau này chúng tôi vì thương quý thầy mà lân la tìm đến. Thầy gọi chúng tôi là những người bạn nhỏ. Dù có lúc chúng tôi nghịch ngợm phá phách nhưng chưa bao giờ thầy nặng lời quát mắng. Ngày ấy đói, nhà thầy nghèo, cơm thường độn sắn. Những lát sắn thầy phơi trắng bong, được mang đi nghiền về làm bánh đãi chúng tôi. Mà chẳng riêng gì sắn, ở nhà thầy thứ gì cũng sạch sẽ gọn gàng. Đến cái giẻ lau bàn có khi còn sạch hơn quần áo của lũ chúng tôi đang mặc trên người. Thầy bảo “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”.

Trong nhà chẳng có quyển sách nào vậy mà thứ gì thầy cũng biết. Trong đầu thầy như chứa cả một kho ca dao, tục ngữ và biết bao câu chuyện cảm động về những người thầy từng gặp trên đời. Thầy kể về cậu bé tám tuổi đi làm thuê nuôi mẹ bị tâm thần. Kể về những bạn nhỏ miền núi khát khao cái chữ mà đường đến trường thì phải qua núi qua sông. Kể về những người thầy đầu tiên cõng chữ lên núi, chặt cây, bê đất làm lớp học. Kể về chiếc đèn đom đóm của lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi... Chúng tôi ngồi quây xung quanh thầy, im lặng nghe như nuốt lấy từng lời. Thầy dạy mà như không dạy, cứ thủ thỉ chuyện trò vậy thôi. Nhưng qua những câu chuyện đó chúng tôi thấm thía nhiều điều. Rằng làm con phải giữ tròn chữ hiếu, biết yêu thương và ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ. Rằng có biết bao nhiêu bạn nhỏ còn chịu cảnh đói khổ, cực nhọc hơn mình mà vẫn cố gắng học tập để vươn lên. Rằng chỉ cần có ý chí, nghị lực thì mọi khó khăn đều sẽ vượt qua.

Thầy không chỉ dạy chuyện chữ nghĩa và lẽ sống ở đời mà còn ân cần chỉ bảo chúng tôi biết làm những công việc thường ngày. Từ cách đan một chiếc rá đựng gạo, chiếc rổ đựng rau, cách lấy nhựa hàn dép rách quai đến cách chiết cây như thế nào, ghép cây ra làm sao. Ngay cả cách xâu chỉ luồn kim sao cho khéo, khâu vá làm sao cho đẹp mà tôi học được là nhờ thầy đã dạy cho tôi. Vợ mất sớm, một mình thầy chăm sóc mẹ già. Mọi việc trong nhà đều một tay thầy lo liệu hết. “Mấy việc khâu vá này vui lắm. Thử nghĩ mà xem, còn gì thú vị bằng việc hóa phép cho một lỗ hổng, một vết rách trên quần áo chứ”. Đường chỉ thầy khâu vừa thẳng vừa đều. Thầy phải dạy nhiều lần tôi mới học được cách giấu chỉ sao cho khéo. Không chỉ khéo khâu vá mà thầy còn nấu ăn rất ngon. Do mẹ già đau ốm nhiều năm, việc bếp núc chợ búa trong nhà một tay thầy lo liệu. Người dạy tôi kho tép đồng sao cho cứng, nấu canh rau sắn sao cho ngon, thổi xôi ngũ sắc sao cho đẹp lại không phải mẹ mà chính là thầy. Ngay cả những buồn vui đầu đời lũ trẻ chúng tôi cũng thường hay tìm đến thầy mà hồn nhiên cười khóc.

Thầy mất đã lâu. Ngồi nhà của thầy được anh em họ mạc trông coi, thỉnh thoảng có người vào ra quét dọn. Tôi vài lần về thăm nhìn giá sách của thầy đầy bụi bặm và mạng nhện mà thấy chạnh lòng. Giá sách này do những người “học trò” của thầy gom góp mà thành. Sách bây giờ đã không còn là niềm ao ước như thời của chúng tôi. Cái thời mà đêm nằm ngủ tôi thường mơ thấy mình bay giữa một bầu trời đầy sách. Bây giờ trẻ con ít có nhu cầu đọc sách. Thứ cuốn hút chúng là chiếc smartphone, trò chơi điện tử và những trào lưu trên mạng xã hội. Có phải một phần cũng bởi vì bây giờ có những người thầy rất khác với thầy Tâm của xóm nhỏ chúng tôi…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG