Bến đục

KHƯƠNG QUỲNH 15/10/2019 16:04

Tôi sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện ngồi bên hông chợ đầu mối nặng mùi rau củ thối rữa để ăn bánh khọt nếu một hôm không phát hiện ra người phụ nữ tóc lốm đốm bạc đang phồng má thổi bếp lò kia là nhỏ Mơ Tổng thống học cùng hồi cấp một.

Thấy tôi hét lên: “Ê Mơ Tổng thống?”, nó ngẩng mặt lên, cười nhăn nhở: “Ôi giời ơi! Xấu hổ”. Tôi tưởng nó lấy chồng xa, ai ngờ lại dạt về đây bán bánh khọt. Đứa con gái lớn của nó, mắt đen láy, chằm chằm nhòm miệng bảy người khách, hễ người ta đưa đũa gắp miếng bánh cuối cùng, con bé lại nhanh nhảu: “Cô ăn dĩa nữa nha”. Bé con gái nhỏ 7 tuổi rưỡi ngồi chơi với đứa út 5 tuổi. Mơ chỉ vào cái bụng đang lùm lùm: “Bé đó làm gì đã út”.

Chúng tôi gọi nó là Mơ Tổng thống từ thuở học lớp 5. Có lần, trong giờ sinh hoạt lớp, cô giáo bảo từng đứa đứng lên nói về ước mơ của mình. Nhỏ Mơ giơ tay, nhoài người lên phía trước nói như sợ ai cướp lời: “Thưa cô, lớn lên em sẽ làm Tổng thống Mỹ”. Gương mặt nó sốt sắng như thể nếu không cương quyết, người khác sẽ “tranh cử” mất giấc mơ đó.

Mơ sống với ba, má mất từ hồi nó nhỏ xíu. Thực ra, Mơ chỉ muốn trở thành một người như ba. Ông vốn là trưởng thôn mẫn cán, chiều nào cũng đội mũ cối, dong chiếc xe đạp cà tàng khắp xóm, nhìn khắc khổ nhưng nhiều người nể. Đến năm Mơ vừa qua 14 tuổi thì ba nó mất vì đau ruột thừa. Từ đó, Mơ phải sống với bà thím. Bà nuôi nó học tới lớp 12, đợi nó vừa qua 18 tuổi 1 ngày đã gả cưới cho lão Thật thô kệch, cục mịch và ế vợ ở tỉnh bên.

Càng lớn giấc mơ của nó lại càng bị người này người kia mặc cả. Đến khi lấy chồng, giấc mơ bị tụt hạng thảm hại, nó chỉ ước chồng đừng táng vợ như cơm bữa, ước gì ổng đừng bắt “chiều” hoài để kiếm thằng con trai.

Thấy nó trẻ mà đẻ nhiều, người ta bầu Mơ ra làm ở Hội phụ nữ, được đi tập huấn và tuyên truyền cho các cặp vợ chồng trong xóm về kế hoạch hóa gia đình, thỉnh thoảng có đôi nào chuẩn bị bỏ nhau lại tham gia đội hòa giải. Mơ có vẻ tự hào với công việc ấy vì như thể đang sống với giấc mơ từ thuở nhỏ. Nhiều hôm thức trắng đêm soạn bài phát biểu chỉ để đọc cho vài chị phụ nữ trong xóm nghe.

Nhưng đến khi mang bầu đứa thứ tư, nó mắc cỡ với xóm làng nên tự thôi việc, mặt lúc nào cũng rầu rĩ như thuở mới bị ép cưới chồng. Lão Thật thì luôn háo hức giục vợ đi siêu âm coi trai hay gái. Cho đến hôm Mơ lững thững về nhà thông báo ngắn gọn: “Lại con gái”, lão lẳng lặng lôi rượu ra uống ừng ực. Mơ xách túi, dắt con ra khỏi cửa, lão cũng chẳng buồn giữ lại, chỉ hậm hực: “Thứ đàn bà không biết đẻ”. Mơ bỏ chồng nhẹ tênh, chỉ nặng cái bụng bầu và 3 đứa nhỏ, đứa đòi sữa, đứa đòi cơm.

Khi nó trở về quê, bà thím già và có lẽ cũng đã lẫn. Đêm nào, bà cũng đốt vía, huơ huơ tờ giấy đang cháy phừng phừng quanh đứa cháu để xua đuổi những điềm xui xẻo. Một lần nữa, Mơ dắt con ra bậc cửa. Lần này, nó thuê một căn phòng nhỏ lụp xụp giữa xóm lao động nghèo. Nhờ đó, mấy chị trong xóm gợi ý nó ra hông chợ bán bánh khọt.

Những ngày đầu, sợ con ra chợ dầm mưa dãi nắng, nó để cả 3 đứa trong phòng, khóa ngoài. Cho đến khi bé lớn bị ngã gãy chân, Mơ mới mang các con ra chợ. Nó thà nhìn bọn trẻ lủi thủi nhặt rau củ thối chơi đồ hàng còn hơn lúc nào cũng vội vã trở về nhà, sờ bụng từng đứa coi còn ấm không.

Chiều hôm nay, má con Mơ bán xong sớm. Cứ thế, mẹ xách cái bếp lò nặng nhất, bé lớn xách xô đựng bột, đứa nhỏ dắt đứa út thủng thẳng dong về phòng trọ. Tôi nhìn từ phía sau, thấy đôi vai bạn mình thõng xuống. Ánh nắng cuối ngày dội ngược vào mái tóc trông lơ thơ, khô khốc. “Thì đời tao xong rồi, chỉ lo cho đời chúng nó, ráng sao phận nữ nhi mười hai bến nước cũng tự lội, chứ để người ta đẩy vô bến đục, quờ quạng đến hết đời”. Nó nói, khi nhân tiện không có ai nhìn vào đôi mắt.

KHƯƠNG QUỲNH