Tựa dòng sông

NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNH 28/08/2019 11:25

Buổi sáng ngồi cà phê trước mặt ký túc xá trường đại học, tôi mới nhớ mùa này là mùa các em sinh viên lục tục cuốn gói đồ đạc từ quê lên phố trọ học. Có em đạp xe đạp lọc cọc, yên sau cột chặt cái va ly kềnh càng. Có em bắt xe ôm từ bến xe, ngồi sau xe người lạ nên tay ôm khư khư ba lô đặt trước bụng. Gần 10 năm trước lứa bọn tôi cũng giống như các em bây giờ. Nghĩ cũng buồn cười khi mình thấy lại chân dung đã cũ mèm của chính mình.

Các em sinh viên bây giờ năng động hơn bọn tôi khi trước, nhiều cơ hội việc làm mở rộng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thời bọn tôi đi học thì không được vậy. Giỏi lắm thì kiếm được công việc chân tay kiếm thêm thu nhập. Công việc chả mấy liên quan đến ngành học. Có đứa đi bê cà phê, có đứa đi dạy kèm hay bán hàng gì đấy. Có khi cắm mặt đi làm từ lúc đi học về cho đến tối khuya. Sáng đến lớp chỉ chực gục xuống bàn ngủ luôn một giấc mặc kệ bài vở và thầy cô. Sinh viên bây giờ năm 2, năm 3 đã biết suy nghĩ làm gì để khởi nghiệp, năm 4 ra trường đã có kinh nghiệm nghề nghiệp hoàn thiện hồ sơ xin việc. Mỗi thời một khác, giống như thời bọn tôi may mắn không còn phải bận áo rách và bụng rỗng đi học như thời bố mẹ.

Cứ nghĩ sinh viên bây giờ cái gì cũng khác bọn tôi ngày trước, nhưng ngồi trông các em lục tục ôm đồ đạc lên phố trọ học, mới thấy thực ra ai cũng có một thời đoạn như thế, bất kể thế hệ và thời cuộc. Kiểu gì đi nữa thì ngày bước ra khỏi làng mặt mũi cũng ngơ ngác phân vân, có đôi chút vui vui háo hức. Rồi bọn tôi giữ chút ngơ ngác đó đi suốt những năm tháng đại học. Hết ngơ ngác với thành phố lạ thì lại ngơ ngác trước ngưỡng cửa cuộc đời, giữa bể rộng kiến thức và những trải nghiệm đời thực. Và giữa những vấp ngã đầu đời, lúc nào cũng đem niềm háo hức của cái thời đoạn ấy vực mình dậy, để còn có sức mà “trôi” đi tiếp.

Ở cái tuổi ấy người ta luôn nghĩ đúng là đúng, sai là sai, người ta sẵn sàng làm vì sự háo hức chứ không làm bằng cơm (mặc dù vẫn thường xuyên nhịn đói). Đến tuổi trưởng thành nhiều việc ngỡ đúng hóa ra là sai, cái sai của người hóa ra lại là cái sai của mình, niềm háo hức cũng đánh rơi đâu mất, nên đôi khi như mặt sông lặng tờ, không biết nên trôi tiếp hay đứng lại, mặc kệ những ồn ào và náo động trong lòng.

Nếu mỗi người là một dòng sông, thì có lẽ chỉ có thời đoạn đứng trước ngưỡng trưởng thành mới có thể thấy rõ dòng chảy anh đang chọn. Trước thời đoạn đó ai cũng ở trong dòng chảy bố mẹ, dòng chảy bao bọc của gia đình và quê hương. Và sau đó, khi anh đã trưởng thành và trở nên cằn cỗi, anh không còn ngơ ngác và háo hức như sông chảy, ngoài sự nhiệt huyết và xôn xao, anh đã biết đến sự yên lặng và khôn khéo. Chưa bàn đến tốt và xấu, nhưng lúc anh yên lặng, nghĩa là dòng sông anh đã hòa mình vào dòng chảy của nhiều người. Anh khôn khéo như nhiều người, vì anh mong sự thành công như nhiều người.

Dòng chảy tuổi thơ có ngôi làng, có mái nhà và mẹ già. Dòng chảy trưởng thành có thành công và tính toán, có mục tiêu nhà xe cơm áo và ước muốn thoát khỏi mái nhà ẩm dột khi trời mưa. Ở ngưỡng trưởng thành anh có cả hai, ngồi ở giảng đường anh nhớ mẹ già ở quê, thương quê nghèo “chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai”, thương “ruộng khô có những ông già rách vai”, thương “tiếng o nghèo thở dài” (Phạm Duy) giữa đêm thanh vắng. Ở ngưỡng trưởng thành anh vịn đó để đứng dậy, để dòng sông mình cứ hồn nhiên chảy mãi.

Ở tuổi trưởng thành người ta có thể chọn đi tiếp hoặc dừng lại, chiến thắng hay chiến bại, nhưng ở ngưỡng cửa trưởng thành, bọn chúng tôi cũng như các em sinh viên bây giờ, đã luôn chọn bước tiếp, như con sông trôi đi. Tựa dòng sông, và mình cứ chảy. Kệ “trời mây” bên ngoài, ở trong mỗi người đều có dòng sông đang chảy, và cứ chảy.

NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNH