Một chuyện tình
Đã hơn 45 năm trôi qua, chỉ mong được gặp lại tri kỷ, dù chỉ một lần thôi cũng đủ mãn nguyện, nhưng cuộc đời không như mơ với bà Gisela, người New Zealand quốc tịch Đức. Ở tuổi xế chiều, miền ký ức về người bạn Việt xưa lại ùa về, buộc bà lại phải đi đến nơi, đến nước mà người xưa của bà sinh sống. Cuộc tìm kiếm của bà không ngừng nghỉ vì bà biết quỹ thời gian của mình không còn nhiều. Nếu không sẽ lại lỡ mất…
Bóng chiều đổ dài dưới sải chân, in hằn trên bóng nhà phố cổ, chỉ còn một ít vạt nắng hanh hao trên mặt đường. Bà Gisela cầm chặt trên tay mình xấp thơ, thư, nhạc, ảnh… đã úa màu, là thứ bà xem là kỷ vật vô giá, cất giữ suốt gần nửa thế kỷ qua. Và chính vì những thứ vô giá này mà hơn 40 năm qua bà đã lặn lội khắp năm châu, bốn bể tìm kiếm chủ nhân của nó.
Những trang thư, thơ viết tay, đã úa vàng theo thời gian của người bạn thanh niên Việt Nam thuở trước, một thời nghiên cứu sinh cùng trường tại Đức để lại chỗ bà. Từ châu Âu, Mỹ, châu Á và Việt Nam, nơi nào, nước nào có dịp tới là bà cũng dò hỏi, tìm kiếm cái tên “Vương Vân”, chàng sinh viên Việt Nam xuất sắc, lại hào hoa, từng là nghiên cứu sinh tại làng Kirchhellen, TP.Bottrop, Tây Đức cũ. Hai người gặp nhau ngày 18.12.1959. Lúc đó Vương Vân học trước Gisela hai năm. Đặc biệt bà còn giữ bức thư viết tay nét chữ rất đẹp, viết từ năm 1959 tại Sài Gòn, cho biết thông tin: Vương Vân, sinh ngày 26.2, Mậu Dần, tại Kiến An, cư ngụ tại số nhà 19/4, đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn. Trong thư có nhiều lời nguyện thề. Và hình như chàng thanh niên Vương Vân này mồ côi thì phải, bởi có đoạn: “Cháu xin nguyện luôn tu tâm, dưỡng tính để xứng đáng với nguyện vọng cậu mợ…”.
Ở tuổi 80, nếp nhăn hiện đầy trên khuôn mặt, nhưng vẫn toát ra nét xinh đẹp, ánh mắt xanh đậm lấp lánh của bà Gisela như chứa bao hy vọng dù rất mơ hồ, xa xăm. Tới đâu bà cũng đưa những bức ảnh, tên người đó ra dò hỏi tông tích người đàn ông “tri kỷ” của mình. Người đã biệt tăm khi cả hai đều cùng ra trường. Và cũng từ đó kỷ niệm chỉ là những trang giấy được gói lại, vùi chôn qua bao mùa lạnh giá, nhưng tình vẫn ấm như thuở ban đầu. Chính vì vậy mà bà Gisela luôn khắc khoải, đi tìm ròng rã. Từ Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hội An… ở đâu nổi tiếng là bà đến tìm. “Vì người ấy hồi trước học rất giỏi, giỏi nhất trường ở bên Đức, nếu về sống tại Việt Nam thì chắc chắn sẽ không ở những vùng quê” - bà Gisela phán đoán. “Trước kia, lúc chưa về hưu, mỗi năm tôi dành thời gian 3 tháng đi tìm. Sau khi nghỉ hưu thì tăng lên 6 tháng. Khoảng 10 năm gần đây tôi đi gần hết thời gian, chủ yếu tại Việt Nam, chỉ mong tìm gặp lại người ấy” - bà nói.
Sau cuộc chia tay giữa bà với chàng trai Vương Vân, bà muốn sang Việt Nam để tìm, nhưng chiến tranh ác liệt, hai miền chia cắt, bà đành chờ. “Tôi đã chờ và mòn mỏi đợi anh Vân đến 10 năm, chấp nhận sống trong cô đơn. Hàng ngày tôi chỉ trông nhận được tin anh. Những bức thư tôi viết và gửi anh theo địa chỉ cũ, nhưng không thấy hồi âm, chìm trong tuyệt vọng. Để vượt qua sự nghiệt ngã của số phận, tôi rời quê hương, chuyển tới New Zealand sinh sống, mong rằng mình sẽ quên được quá khứ” - bà Gisela tâm sự.
“Mãi nhiều năm sau, tôi gặp được chồng tôi ngày nay, anh ấy rất tuyệt vời, rộng lượng và thông cảm cùng chia sẻ với tôi. Anh không phản đối chuyện tôi đi tìm Vương Vân, ngược lại anh ủng hộ tôi. Các năm trước, anh cùng tôi đi tìm bạn “cũ” của vợ, nhưng thời gian gần đây, do sức khỏe không cho phép, nên tôi đi một mình”. Trước khi rời Hội An về nước, bà Gisela nhắn lại: “Tôi luôn hy vọng sẽ gặp lại tri kỷ, nếu không có điều kiện, nhờ anh cất giữ giúp tôi tất cả kỷ vật này. Biết đâu sẽ gặp lại và trao cho anh Vân”.
MINH QUÂN