Đồng hương

LÊ THÍ 24/03/2019 06:05

Đồng hương là những người cùng sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng, có thể là cùng huyện, tỉnh. Cao hơn có thể là cùng một “bọc” theo nghĩa đồng bào. Nhưng đặc biệt có khi là của những người có cùng một phương… hoài niệm!

Toàn cảnh thành phố Norwich, Anh.
Toàn cảnh thành phố Norwich, Anh.

Đối với người Việt ra sinh sống ở nước ngoài, đồng hương không còn là những người cùng sinh ra và lớn lên ở một làng hay một huyện, tỉnh nữa mà là tất cả những người Việt Nam. Và như vậy đồng hương lại theo nghĩa rộng hơn là đồng bào, những người có gốc gác từ cái bọc của Âu Cơ trong truyền thuyết về Lạc Long Quân – Âu Cơ và trăm trứng trăm con, gắn liền chủ yếu với yếu tố chủng tộc và lịch sử. Như vậy càng đi xa chữ đồng hương càng được mở rộng và càng có ý nghĩa.

Tôi sang Anh chơi theo lời mời của con gái và sống ở đây hơn 3 tháng. Một bữa con gái đi dạy về vừa cười vừa bảo: hôm nay con đãi ba món đặc biệt. Vừa nói vừa lôi trong ba lô ra 5 cây nem và 2 chiếc bánh chưng to bự chảng. Nó bảo mấy bữa trước khi làm việc với bà trưởng khoa, bà có khoe một người trợ lý nghiên cứu là một sinh viên năm cuối và là người Việt Nam. Từ đó hai chị em trở nên thân thiết. Con gái khoe, cậu sinh viên rất dễ thương, nói tiếng Việt rất sành sỏi và mang một “tâm hồn Việt” mặc dù sinh ra ở Anh. Ba mẹ cháu gốc người Phú Yên ra đi khỏi Việt Nam từ thập niên 80 hiện sống ở London. Cuối tuần cậu về nhà có kể chuyện trường và cho biết có một cô giáo là người Việt Nam mới sang làm giảng viên. Bà mẹ vui mừng đi siêu thị mua nếp, thịt về làm bánh chưng và nem bảo con mang lên tặng cô giáo đồng hương vì nghĩ “chắc cô giáo mới qua nên nhớ nhà và thèm món ăn Việt”. Thế mới biết đối với người Việt Nam tình đồng hương quý như thế nào. Tôi vốn nhạy cảm, nghe con gái kể chuyện lòng cứ… rưng rưng!

Đến Anh, tôi sống ở thành phố Norwich, một thành phố nhỏ dễ thương ở vùng đông nam. Norwich chỉ có khoảng 250.000 dân, thành phố của những ngôi giáo đường và những con dốc. Không như London hay Birmingham, Norwich tương đối ít người châu Á và đặc biệt là rất ít người Việt Nam. Hàng ngày tôi phải đưa các cháu đi học bằng xe bus qua 5 trạm để đến trường, cách nhà độ 3,5km. Xe dừng ở trạm thứ 3, luôn thấy có một phụ nữ người châu Á đưa đứa con trai độ 11 tuổi đi học.

Thường thường trên xe chỉ toàn người châu Âu thêm vài người châu Phi và vài người Ấn Độ. Nhận ra nhau là người châu Á chúng tôi rất vui mừng nhưng xe đông nên chúng tôi cũng chỉ chào nhau bằng ánh mắt và nụ cười. Ngày nào cũng vậy và chỉ khác nhau là khẩu độ của đôi mắt và nụ cười. Cả hai chúng tôi đều không thể (và có lẽ cũng không… dám) thân mật hơn vì xe đông người và có thể sợ thất vọng nếu lỡ ra không phải là đồng hương của nhau! Cứ giữ khoảng cách như vậy để  luôn thấy ấm lòng vì ảo tưởng trên xe có… đồng hương!

Đến cuối tháng thứ ba, khi sắp về nước, tôi đánh bạo đứng gần cửa để được gặp và chủ động làm quen cũng là để chào từ biệt. Đây là đọan đối thoại của hai người (dĩ nhiên bằng ngôn ngữ trung gian - tiếng Anh):

- Chào buổi sáng đồng hương!

- Chào buổi sáng bạn thân, bạn đến từ đâu vậy?

- Cám ơn, mình đến từ… châu Á! (nói như vậy để kéo dài thêm niềm hy vọng!).

- Biết rồi,  tôi cũng vậy và tôi là người Đài Loan.

- Ồ thế à. Cám ơn. Thế mà lâu nay tôi cứ nghĩ là “đồng hương”, tôi là người Việt Nam.

- Không sao, chúng ta là “đồng hương châu Á”. Chúng ta có cả một hoài niệm về… phương  Đông!

- Ô, đúng vậy. Tôi xin lỗi. Chúng ta là đồng hương!

Xe đến trạm dừng, hai “đồng hương châu Á” chia tay, chúc nhau ở lại và ra về đều sức khỏe và hạnh phúc sau cái bắt tay thật chặt!

Lần này, cô bạn người Đài Loan đã dạy cho tôi một nghĩa rộng hơn về chữ đồng hương. Trên đường trở về tôi cảm thấy ấm lòng giữa nước Anh lạnh giá! Tất cả chỉ cần là… tấm lòng thao thiết hướng về một “cố hương” đã xa vời thì chắc chắn là… đồng hương của nhau!

LÊ THÍ

LÊ THÍ