Nắng tháng Chạp
(QNO) - Đông qua, xuân đến!
Sự nối tiếp của tiết mùa là một kỳ diệu của tạo hóa. Và nỗi hân hoan của muôn người là cái ấm áp đến từ những sợi nắng tinh khôi vượt qua được sự chấp tranh của cái rét buốt, gió mưa thê thiết của những ngày tháng cuối đông. Bức tranh xuân chốn đồng quê được thiên nhiên và con người phác vẽ hoàn mỹ hơn từ sự dẫn khởi của những tia nắng vàng tháng Chạp...
Thật khó nói hết niềm vui của cư dân miền đông giá khi thức dậy bỗng thấy mặt trời nhô lên trên nền xanh vời vợi. Trời nắng lại rồi! Nỗi hân hoan của bao người đồng quy ở một câu nói khi gặp nhau trên đường đi hay nơi ruộng đồng, chợ quán. Nói để chung nhau một niềm vui với bao thuận hợp cho công việc lúc cuối năm. Sau bao ngày bị màn mây che chắn, những tia nắng như trải nhanh ra để sưởi ấm không chỉ cho con người. Nắng như một dưỡng chất diệu kỳ tăng nhanh độ diệp lục cho những đồng lúa mới bén ngọn, những cánh đồng - biểu trưng của làng quê - trông như những tấm thảm xanh nũng nịu dưới gió vờn.
Nắng hong khô những biền đất cao vừa vỡ đường cày. Nắng tháng Chạp là cả một đợi chờ ngong ngóng của nhà nông vì đây là mùa trồng đậu. “Cuối năm mà chưa trồng đậu được là ăn tết không ngon!” - lời của người làm ruộng từ quyển lịch tiết mùa được người xưa truyền lại vẫn đúng với thời nay. Quả là một quang cảnh nông tang nhộn nhịp, tươi vui: trên những bãi biền, những khu đất cao ai cũng nhanh tay xuống giống các loại đậu phụng, đậu xanh. Nắng tháng Chạp như một thứ của cải với kẻ ruộng đồng. Cứ nhìn nét tươi vui của người làm ruộng từ những thửa đậu nhô mầm lên lúc cuối năm là hiểu được điều này.
Như cô gái đẹp, nắng tháng Chạp quý phái với sự e dè bởi đứng bên lề của hai tiết mùa giao hội. Và cái mỏng manh, đỏng đảnh của cái nắng bên cái mưa lạnh áp sát lưng đã làm nên nét duyên dáng của nắng hanh vàng tháng Chạp. Có được những “vi lượng” không khí được tổng hòa giữa ấm/lạnh, thuận hợp với sự phát triển tự nhiên của chúng, những chồi rau, chồi hoa trong vườn tựa như những bức tranh phô ra dưới nắng gió cuối mùa. Chưa đợi đến xuân, trăm bướm ong chưa mãn giấc đông đã kịp đến với những bông hoa hàm tiếu trong vườn. Nắng gió làm đẹp thêm hương sắc vườn. Người trồng thêm niềm vui mùa vụ chợ xuân.
Thu nhận được ơn mưa nắng thuận hợp của đất trời không chỉ có con người. Những đàn cò bay chấp chới rồi đáp xuống những bờ thửa trên đồng. Không lặng lẽ săn mồi như lúc trời mưa, chúng lên tiếng kêu đầy âm sắc như tỏ niềm vui được hong nắng. Nhưng tươi vui hơn là tiếng hót những chú chim chiền chiện. Chưa đến mùa xây tổ, chúng đã rủ nhau đến liệng trên những biền bãi của những người đang trồng đậu để vui trước niềm vui nắng ấm nơi vốn là chỗ làm tổ truyền đời của chúng. Nắng sớm cũng đánh thức những giống chim giấu giọng suốt những ngày đông giá. Thật vui với người quê làng khi đang tất bật với công việc bỗng được nghe lại tiếng chim chào mào, chất quạch tươi tắn bên vườn cây. Những tiếng chim tu hú, chim bắt cô trói cột bỗng vang lên làm làng quê dậy lên cảm xúc bởi ai ở đây cũng biết chúng đã băng cánh từ rừng sâu trở lại để làm bầu bạn với quê làng khi mùa xuân đến. Nắng đã gọi chúng về trước hạn. Và còn nhiều nữa những loài chim phấn khích cất lời ca mừng nắng cuối đông!
Tháng Chạp nắng cũng gọi về những cơn nồm hây hẩy, khúc dạo đầu của ngọn xuân phong chờ đợi. Và ngọn nồm như lại tung vào lưới của người ngư phủ khắp khơi xa lộng gần những con cá lớn cá nhỏ ngon lành. Những con lớn như chuồn, chim, ngừ, hố, những con nhỏ như trích, cơm, nục, ruốc chở nặng thuyền cho ngư dân no đầy với tết, và bữa cổ cúng xuân của người ở mọi nơi được đủ đầy vị biển.
Và quả là một niềm mong đợi tròn đầy khi những tia nắng vàng tháng Chạp kéo dài đến dăm bảy ngày tết. Còn gì vui hơn khi được du xuân dưới nắng ấm trời trong. Cả con người và muôn loài cùng phấn khích với mùa tiết êm đềm. Rồi lại mong trời mưa xuống. Những cơn mưa ngắn đầu xuân cũng là nỗi đợi chờ của những người gắn đời với đồng đất, biển khơi để làm nên vật thực cho mình và cho đời.
HUỲNH VĂN MỸ