Lỗi hẹn cùng... Thủ Thiệm

LÊ TRÂM 31/12/2018 02:52

Tôi từng viết bài: Đi, là chết trong lòng một ít, nhại nghĩa từ câu thơ Partir, c’est mourir un peu của Edmond Haraucourt, rằng trước quá trình đô thị hóa nhiều khi quá vội vàng đã làm mất đi những nét đẹp của thiên nhiên và di tích quý giá. Bây giờ, lại thêm những chỗ… chưa kịp đi, đã mất. Lần này thì lỗi hẹn cùng một vùng sông nước nghe nói đã từng rất đẹp. Và lỗi hẹn với cả… Thủ Thiệm (!).

Mộ mới Thủ Thiệm ở đồi Đất Đỏ. Ảnh: LÊ TRÂM
Mộ mới Thủ Thiệm ở đồi Đất Đỏ. Ảnh: LÊ TRÂM

1. Đó là cái bến nước An ở xứ Bình Đình, làng An Hòa, quê Thủ Thiệm. Một Thủ Thiệm “chất ngất ngạo khí” đã để lại cho Quảng Nam bao nhiêu giai thoại, những câu chuyện dân gian, những bài học cho bao thế hệ. “Thủ Thiệm ở Chợ Được”, “Thủ Thiệm và …”, cãi kiểu “Giam đầu chức không giam đít” vân vân… Những câu chuyện chỉ có ông “mới thành chuyện”.

Có vẻ như vì cái sự trễ hẹn quá đáng của tôi nên hôm ấy trời “trừng phạt” hay tiếp tục “thử thách” tôi bằng một cơn mưa như cầm chĩnh đổ. Hết chín mươi phần trăm là muốn bỏ chuyến đi, mười phần trăm còn lại biến thành ý định ghé một quán cà phê đầu cầu Tam Kỳ chờ ngớt mưa. Trời vẫn không chịu thua, cuối cùng đành phải đội mưa mà đi, bởi, sợ lỡ chuyến này lại tiếp tục… lỡ chuyến khác.

Qua khỏi km1.000 trên quốc lộ (con số quá đặc biệt trên đường thiên lý) khoảng 8km, tới chợ Kỳ Chánh, rẽ về hướng biển theo con đường đi Tam Hòa, qua khỏi cầu, đi đúng 1km sẽ thấy cột số khá đặc biệt. Là đường về bến đò Tam Hòa - quê hương của Thủ Thiệm, một người đặc biệt của Quảng Nam xứ. Có lẽ, người làm cái mốc này sợ dân quê Thủ Thiệm… cãi nên mới kê rõ cái khoảng cách chuẩn đến từng mét như thế này: QL – TH, phía dưới ghi:  BẾN ĐÒ/ 4,172km. Nghĩa là chính xác luôn con số 172m, là đến bến đò Tam Hòa đi qua phía Tam Tiến. Hỏi người dân bên đường, lối nào tới mộ Thủ Thiệm, ai cũng bảo đi khi mô hết đường là tới quê ông. Rứa là đi riết đến tận bến đò.

Cô chủ quán nơi bến đò chỉ ngôi nhà gần đó bảo là nhà của cháu ông Thủ nhưng giờ người đi vắng hết rồi. Tôi gọi ly cà phê ngồi ngắm sông. Mới thấy sự “hợp lý” của cảnh sông nước hữu tình nơi đây khi sinh ra một người đặc biệt như Thủ Thiệm. Những chuyến đò vẫn cần mẫn đưa người qua bên tê sông. Qua rồi trở lại. Nơi ấy là xã Tam Tiến, chắc xưa kia ông đã nhiều lần qua lại bến sông này. Và chắc chắn đã để lại tiếng cười của mình trên khắp làng xóm và trên cả bến sông, trên những chuyến đò như thế này. Những câu chuyện còn lưu lại, những câu chuyện đã trôi mất theo thời gian.

2. Cô chủ quán bảo, chú cứ ngồi chơi, tí nữa chồng cháu về sẽ đưa chú ra thăm mộ cụ! Anh chồng về, hướng dẫn thật chi tiết đường lên mộ cụ Thủ Thiệm, cả câu chuyện mộ cụ chuyển từ thôn Hòa Bình, quê cụ, lên táng ở thôn khác. Tôi đón nhà thơ Nguyễn Kim Thịnh từ Chu Lai ra và cùng lên khu mộ mới. Lại một cú nhầm đường! Chúng tôi lần quần, chạy men theo những con đường cát chật hẹp còn sót lại quanh các hồ nuôi tôm gần sông, cảm giác chẳng khác lần tìm đường ra khu mộ Cá Ông hồi đi Tam Hải! Thức lại cái cảm giác vùng đất này đang bị “chèn ép” bởi sự phát triển một cách tự do kèm theo một nỗi bất an mơ hồ.

Hóa ra con đường vào khu mộ mới của Thủ Thiệm khang trang hơn nhiều. Chúng tôi chạy qua mấy con dốc là đến một đồi cát nhỏ. Mộ cụ ở đấy, rộng rãi, thoáng đãng trên đồi Đất Đỏ cao ráo thuộc thôn Hòa Xuân. Hóa ra anh bạn đi cùng cũng thuộc một chi trong họ Nguyễn Tấn Núi Thành của cụ Nguyễn Tấn Nhơn (tên thật của Thủ Thiệm). Ngoại trừ ngôi mộ ghép bằng đá granite làm sẵn phổ biến như bao ngôi mộ khác, mọi thứ ở đây đều khang trang, đẹp đẽ. Nhưng, giá như có một thiết kế khác cho ngôi mộ có lẽ mọi sự sẽ hoàn chỉnh hơn nhiều - ý nghĩ này chợt đến khi chúng tôi về bến sông nơi có ngôi mộ cũ của cụ. Đó là một ngôi mộ đẹp cả quy mô lẫn kiểu dáng, nép dưới tán lá rậm rạp nằm ven con đường nhỏ dẫn ra bến sông. Nếu không vì sự đe dọa sạt lở gây ra từ sông Trường Giang có lẽ nơi đây mới thực sự dành cho cụ. Có một sự gần gũi, thân thiết với con sông, với con người, với cuộc sống đang miệt mài diễn ra xung quanh. Có lẽ Thủ Thiệm muốn điều ấy nhiều hơn, như tiếng cười của cụ từng cất lên một cách sảng khoái hồi ở… Chợ Được năm nào!

Chạy loanh quanh hết thôn Hòa Bình sang xóm Chùa. Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Cầu cống, đường sá hoàn chỉnh hơn. Nhà cửa khang trang, những đầm tôm nối nhau như dự báo cho sự sung túc. Cái vùng cuối xã Tam Hòa nhìn ra mênh mông sông nước này đã có sự thay đổi đáng kể. Thế nhưng lòng vẫn cứ tha thiết muốn giữ lại một ít hiền hòa của vùng sông nước cũ, nơi đã sinh ra một con người đặc biệt như Thủ Thiệm. Giá như ngôi mộ cũ được tu sửa “vừa phải” để lưu dấu một thời Thủ Thiệm từng sống thì hay biết nhường nào!

LÊ TRÂM

LÊ TRÂM