Quê nhà
(QNO) - Đã hơn mười năm tôi mới được gặp người cháu họ từ Sài Gòn về ghé lại thăm. Anh ấy vốn tay trắng ra đi, tôi đã rất vui mừng khi được biết giờ anh đã cắm rể được nơi cái đô thành hiện có đến sáu – bảy triệu người này. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên qua lời anh kể là anh vẫn còn giữ hộ khẩu chính ở quê nhà dù anh có đủ điều kiện để có hộ khẩu chính ở thành phố anh đang sống bởi theo anh “làm công dân của thành phố, cháu cứ nghĩ như mình như không còn trọn là người của quê mình".
Thân ly hương nhưng lòng gởi quê nhà. Cũng cho cái ý nguyện đó, nhiều người dù ở nước ngoài vẫn giữ lại đầy đủ cái tên Việt của mình khi thay quốc tịch, hay có người lại cố sao cho mình có được hai quốc tịch để duy giữ một phần căn cốt của cố quốc cho thân trạng của mình.
Dường như đã dần trở nên là một hiện thực khá phổ biến, rằng nhiều người ly hương - cả ở ngoài nước - đều muốn "tái định cư" một lần nữa nơi quê cha khi đã xế bóng đời, đã "gác kiếm cung" sau cuộc trường chinh cho cơm áo, của tiền và cả… lợi danh. Cứ tưởng những người được giàu sang, sung sướng nơi xứ xa sẽ không còn nghĩ đến chuyện quay về sống lại chốn quê xưa, nhiều người ở quê đã rất ngạc nhiên khi thấy có người trong làng vốn đang sống ở những nơi mà không ít người mơ ước được đến bỗng lại về quê nhờ người mua đất cất nhà để đó cho ngày quy cố hương dự tính của họ. Có trải thân sống ở xứ xa mới thấy quê nhà dù có khó nghèo vẫn là “nghĩa nặng tình sâu, là nơi mình không nguôi thương nhớ” - những người tha hương khi về làng đã giải thích. Cũng ở quê mình, tôi đã thấy có người vì những sự cố, những bức xúc này nọ đã bỏ quê đi, hứa sẽ một đi không trở lại, vậy mà lúc xế bóng vẫn trối trăn con cháu mang chút di cốt của mình về cải táng ở quê.
Trong cuộc thiên di vạn dặm vào Nam của cha ông ta thời trước, biết một đi không trở lại, nhiều người đã cất bốc cả hài cốt của ông cha mình mang theo trên chiếc ghe bầu để an táng nơi mảnh đất họ chọn dừng lại khẩn hoang lập ấp hầu có cho mình chút tình tự quê nhà nơi vùng đất mới. Tách rời khỏi quê hương, nguồn cội quả là một nỗi buồn lớn của thân phận con người. Minh họa cho cái tình cảm thiêng liêng này, một nhà văn phương Tây đã rất tài tình khi kể câu chuyện một anh nhà nghèo kia đã lỡ đem đánh đổi cái bóng của mình cho bà phù thuỷ để lấy mớ bạc vàng, bỗng một ngày kia phải khổ đau, day dứt vì bị người đời xem là ma quỷ bởi anh ta đã không còn cái bóng của mình dưới nắng.
Chưa bao giờ con người trên trái đất này lại dịch chuyển, đổi thay chỗ cư trú hay nói đúng hơn là từ giã quê cha để đến những vùng miền xa lạ, cả đi đến nước ngoài cho chuyện lập nghiệp mưu sinh nhiều như thời nay. Những tiến bộ của phương tiện giao thông, liên lạc đã tạo nên chiếc cầu nối giúp người xa quê dễ trở lại thăm quê hay nắm bắt tin tức, hình ảnh nơi quê nhà đã cho họ vơi giảm khá nhiều nỗi nhớ thương, khắc khoải. Trước đây nhiều người cứ cho rằng những người xa quê khi giàu có, thành đạt sẽ quên quê nhà, phần nào đã trách móc họ nỡ chối bỏ quê nhà để đuổi theo của tiền, vật chất. Nhưng cái tình tự quê cha đất tổ, nói không ngoa, không cần phải nhiều lời theo kiểu răn dạy, bởi trong huyết quản của bất kỳ dân tộc nào cũng đều chứa sẵn. Và rõ là xã hội con người phát triển một phần nhờ chính cái tự tình được xem là "thiên bẩm" này. Ở ta, những gì mà những người con đang sống nơi phương xa góp vào cho quê nhà quả là không nhỏ. Hàng ngàn tỷ nội tệ, hàng tỷ đô la Mỹ đã được những người con xa xứ gởi về cho người thân ở quê nhà hàng năm quả là nguồn tài vật khổng lồ từ một tình tự thẳm sâu!
Và cái tình tự thẳm sâu ấy nói cho thật dễ nghe thì lại là điều rất đơn sơ, giản dị. Đã là con người thì ai lại không yêu quê hương, đất nước mình. Và tôi cũng không tỏ ý đề cao việc không nhập hộ khẩu thành phố của đứa cháu họ của mình. Có nhiều cách để một người xa quê thể hiện tình cảm với nơi nhau rốn của mình. Nhập hộ khẩu thành phố, cả nhập quốc tịch nước ngoài vẫn không phải là chối bỏ, là nhẹ đi tình quê cha đất tổ, nghĩa dân tộc đồng bào. Cuộc sống vật chất, tinh thần đi lên, thăng tiến, có lẽ nào những giá trị thuộc về đạo lý, về tình tự quê nhà lại đi xuống? Và đã là đạo lý thì không cần phải rao giảng, lên lời nhiều mà cái cần có lẽ là phải kịp tạo cơ chế thích ứng để tình tự này phát triển trong bối cảnh phát triển của xã hội.
HOÀNG MINH