Bên bếp lửa hồng
Mẹ tôi vẫn giữ thói quen dậy sớm nhóm lửa, dù anh trai tôi đã trang bị cho mẹ một gian bếp hiện đại, đầy đủ bếp ga, ấm điện, tủ đựng chén bát…
Chị dâu thường nói: “Bây giờ cuộc sống hiện đại rồi, mẹ không phải tốn thời gian nhen lửa nấu nước, nấu cơm. Mẹ để con làm, chỉ một loáng là xong hết ngay thôi mà”. Tôi hiểu ý tốt của chị dâu. Nhưng tôi cũng không phản đối mẹ. Vì với mẹ, bếp là cả một khoảng không gian ăm ắp nỗi niềm.
Ngày chúng tôi còn nhỏ, ngoài việc ruộng đồng, không gian của mẹ là cái bếp. Mẹ quần quật với bao nhiêu chuyện của nhà nông thời công điểm, vậy mà về nhà, vừa thả đôi quang gánh xuống là mẹ xắn tay vào chuyện bếp núc. Nấu ăn, nấu cháo heo, xắt khoai cho gà… Đêm về là xay lúa, giã gạo, xắt chuối độn thêm cho lũ heo cứ hở ra là đòi ăn eng éc đến inh tai. Mỗi đêm, khi học bài xong, tôi thường ngồi xem lớp lớp lát chuối cây tròn to ngả ra đều đặn theo từng nhát dao của mẹ. Nhiệm vụ của tôi là lùa phần chuối trồi lên miệng cối mỗi khi mẹ giã. Tôi cũng thường nhìn mẹ và các anh trai giã gạo nhịp chày đôi, chày ba bên ánh lửa bập bùng. Tôi nhớ mùi cám heo thơm lừng mỗi khuya, khi mẹ dùng đôi đũa bếp to khuấy đều cho nồi cám khỏi bị sít. Gian bếp này đã ghi dấu những ngày thơ khốn khó của tôi, bên sự vất vả tảo tần của mẹ.
Những mùa đông lạnh giá, sau buổi chăn bò ngoài đồng, anh em tôi thường quây quần bên bếp. Những tiếng cười và câu chuyện râm ran. Đứa phụ mẹ nấu cơm, đứa hì hục xâu những trui cua, trui cá vừa làm sạch. Cua thì chỉ cần gỡ yếm, để nguyên vỏ mới dễ trui. Cá cẩn, cá nhét thì bẻ cong từng con, xâu ngang qua hai phần thân, cá rô chỉ cần xỏ trui ngang giữa bụng. Mẹ gạt ra một nồi than hồng để chúng tôi vừa sưởi ấm, vừa nướng trui. Chỉ cần kê hai bên nồi than mấy viên gạch, gác các trui cua cá vừa xâu lên, vài phút sau, mùi thơm ngậy đã bay khắp nhà. Cá nướng chín, dầm mắm nêm hoặc nướng cho héo, sau đó kho với lá nghệ tươi, lá gừng. Sản vật vô giá này của ruộng đồng, mùa mưa là ngon nhất. Thịt cua, thịt cá đều thơm đượm mà không gắt như mùa nắng. Gương mặt mấy anh em đỏ hồng vì ấm và sung sướng. Hơi ấm của lửa, hay tình cảm gia đình bình dị mà thiêng liêng sưởi ấm tâm hồn những đứa trẻ nhà quê từ thuở bé thơ như thế đó.
Tôi nhớ cái gian bếp đơn sơ mà ấm áp. Nhớ cái kiềng ba chân đặt giữa bếp. Củi được chụm vào từ hai bên. Nấu nướng xong, bao giờ mẹ cũng giụm vào bếp gốc củi thật to, thêm ít trấu để giữ lửa. Góc bàn bếp là ống tre, đựng ống thổi lửa và mấy đôi đũa bếp: đôi để chắt nước, xới cơm, đôi để khuấy cám heo. Trên một góc bếp, mẹ thường treo chùm bắp giống, nếp giống hoặc quả mướp, quả bầu chín khô. Khói bay lên lâu ngày, quyện vào chúng màu bồ hóng. Chẳng con mọt nào dám tới để ăn những hạt giống đó. Những ảnh hình đơn sơ bỗng một ngày hiện diện trong niềm nhớ, lại trở thành ký ức thiêng liêng.
Nghĩ cũng thật lạ kỳ. Khi phải tất bật với bộn bề cuộc sống; khi nồi cơm điện, bếp ga, bếp từ trở thành vật dụng tiện lợi, con người lại nhận ra: không gì ngon bằng cơm mẹ nấu; cũng không lò nướng nào nướng thơm bằng nồi than! Cái gian bếp cũ kỹ, đơn sơ mà ấm áp vẫn luôn là “một cõi đi về” trong lắng sâu tâm khảm. Cái gian bếp gắn liền hình bóng người mẹ quê tảo tần và ngọn lửa hồng trìu mến, bình yên nơi quê nhà...
NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN