Tri thức từ tấm lòng
(QNO) - Cuộc sống thật thú vị, nếu ai đó không được đi xa, không được đọc nhiều, xem nhiều thì ngay những chuyện trong xóm ngoài làng vẫn là những quyển sách, cuốn phim rút ra điều hay chuyện dở, nhiều khi có giá trị tựa những truyện xưa tích cũ được truyền lưu. Ở quê tôi cũng vậy, những câu chuyện trong cuộc sống thường nhật khiến nhiều người ngẫm suy.
1. Trước hết là chuyện đứa trai út của bà mẹ làm nghề “quét chợ” - cái từ mà người trong làng luôn gọi theo việc mà người phụ nữ ấy làm bằng tình cảm yêu thương chứ không có ý coi thường. Người con út này đã học xong đại học và đi làm được vài năm nay. Chuyện sẽ là bình thường, nếu bà mẹ làm nghề vệ sinh cho ngôi chợ xã này có chồng con đàng hoàng tử tế. Và bà cũng không muốn giấu giếm về tình cảnh cuộc đời...
Gần 40 năm trước, từ một miền quê nghèo vùng cát, khi còn son trẻ, bà mẹ ấy đến quê tôi nuôi đẻ thuê cho một phụ nữ trong làng. Lần lữa ở đây, một người đàn ông đâu đó đã có gia đình lại phải lòng bà. Biết mình đã “có vốn” với người đàn ông mà sau đó bà không còn gặp lại, mừng vì biết phận mình khó có ước mơ nào hơn nữa, bà hăm hở xin đất dựng túp lều gần chợ để sinh con và kiếm sống. Đứa trai đầu được dăm ba tuổi, thấy bà quá khó khổ, ai cũng tưởng bà sẽ không còn tơ tưởng đến… chuyện đàn ông. Vậy mà hỡi ơi, thêm một người đàn ông từ một làng xa lại phải lòng bà. Và bà lại sinh thêm đứa nữa, lại bám vào ngôi chợ quê xoay xở từng bữa nuôi con.
Và rồi, người mẹ ấy lại trải lòng với hai người đàn ông có gia đình khác, để cho ra đời tiếp hai đứa con mà cũng như hai đứa trước, hễ bà đặt con vào dạ là họ đã “cao chạy xa bay”. Còn bà cũng không hề tiết lộ gốc gác những người cha của chúng để khỏi làm tổn thương gia đình họ.
Những đứa con lớn dần lên. Và “chuyện lạ” nơi mái nhà khó nghèo của bà bắt đầu được làng trên xóm dưới biết đến. Đó là chuyện chúng yêu thương mẹ, thuận hòa, đùm bọc nhau hết mực. Đứa lớn bồng ẳm, chăm sóc đứa nhỏ; lớn lần lên, từng đứa tập đi làm thuê phụ mẹ để cùng đùm túm, chia nhau từng miếng cơm tấm áo mà sống. Chỉ qua cái chữ cấp một, nhưng ba đứa con đầu của bà (hai trai, một gái) - nói như dân làng là “được trời thương”, mỗi đứa đều có gia đình, nhà cửa riêng tư. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khổ, nhưng ba anh chị luôn dồn sức cố nuôi đứa em út vào đại học.
2. Người quê tôi cũng thán phục chuyện bà mẹ tuổi 45 vào Sài Gòn giúp việc nhà cho người ta để nuôi đứa con trai nay đã qua đại học và đang chuẩn bị đi học ở nước ngoài. Người chồng đã ngang nhiên bỏ mẹ con chị để sống với người phụ nữ góa ở làng bên khi đứa con trai còn đang học cấp 2. “Chuyện lạ” với mọi người ấy là chị không đay nghiến, không xúc phạm chồng, bởi theo chị thì “cũng là do số phận!”. Lâu lâu người chồng ghé về nhà, có cái gì chị lại sắm cho anh ta ăn, rồi anh ta đi, thấy anh gầy chị lại lo lắng dù chị cũng gầy nhom vì cực nhọc.
Chị khuyên con trai phải kính trọng, yêu thương cha. Đứa con trai chị học giỏi, lại được mẹ truyền cho tình yêu thương cha thay vì hờn trách nên luôn vui tươi, chăm chỉ học hành. Khi con trai đạt danh hiệu thủ khoa của trường huyện trong kỳ thi tuyển vào đại học, chị gửi lại cho bà con trong xóm túp lều tranh, theo con vào Sài Gòn làm người giúp việc để có tiền nuôi con ăn học. Trước ngày hai mẹ con lên đường, chị vẫn mời chồng về liên hoan, dù anh chẳng cho con đồng nào chị vẫn không lời trách móc.
Bàn tán về chuyện của hai bà mẹ mới chỉ qua cái chữ lớp hai lớp ba này, người quê tôi thường đối chiếu với những chuyện trái ngược họ đã thấy ở đời: nhiều anh em, nhiều cặp vợ chồng giàu sang, có học thức, địa vị lại rơi vào những bi kịch gia đình đau lòng, đáng tiếc. Dù kẻ nói thế này, người giải thích thế kia nhưng vẫn có điều họ đồng tình với nhau. Đó là tình yêu thương con cái, tình yêu cuộc sống; là tấm lòng độ lượng, nghĩa nhân của hai bà mẹ quê mùa, kham khó. Nó phóng chiếu, tỏa lan, truyền thụ đến con cái, làm tròn đầy cho chúng lẽ yêu thương - hành trang vào đời thiết yếu nhất cho con trẻ. Quả đúng như văn hào Victor Hugo nói: “lương tâm cũng là một thứ tri thức”.
HOÀNG MINH