Cây khế sau nhà
Phía sau nhà là mảnh vườn hình tam giác nho nhỏ, nơi có một cây khế sum sê cành lá. Ngăn cách khuôn viên nhà và mảnh vườn là bức tường đá ong cao ngang vai. Khi sửa nhà, tôi cắt bức tường ấy ra làm một cái cổng hai cánh để ra vào cho thuận tiện. Từ đó, đứng trong nhà có thể nhìn ra mảnh vườn bên cạnh con đường nhỏ. Nắng sớm gió chiều tự nhiên cũng theo đó vào nhà. Má tôi thường ra thềm cửa ngồi nhặt rau, rửa chén. Ba cũng có đất để trồng một vạt rau và dăm gốc chanh, vài cây ớt. Nhất là cây khế được dịp khoe tán lá xanh mát, những chùm bông tím ngát, những chùm trái xanh non hay đôi quả khế chín vàng lịm trái mùa. Vậy là cái cổng ngõ sau như một cái khung tranh, dù rằng, bức tranh ấy là cảnh quê mộc mạc nhưng sống động vô cùng.
Ở quê, khế là cây ăn quả không hiếm, nhưng nó góp vào hồn quê dưới nhiều dạng thức khác nhau. Những trái khế làm quà cho con trẻ, làm chua cho nồi canh tấm cá lóc đồng mẹ nấu. Khế còn đi vào thơ ca, từ những bài tập đọc đầu đời tôi đã thuộc: “Cây khế đầu hè/ Tỏa đầy bóng mát/ Một cành cúi sát/ Qua cửa chấn song/ Như đang ghé trông/ Em ngồi em viết...” (Võ Quảng). Rồi lớn lên một chút, tôi đã biết: “Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày/ Quê hương là đường đi học/ Con về rợp bướm vàng bay...” (Đỗ Trung Quân). Đến qua tuổi thiếu niên, trở thành chàng trai sức dài vai rộng, tập tành yêu đương tôi cũng đã cảm nhận được những niềm vui nỗi buồn dễ thương qua hình ảnh cây khế: “Từ khi em đi rồi/ Vườn tôi thành lặng lẽ/ Biết bao giờ trở lại/ Cánh chim em ngày nào/ Lòng tôi hoa khế rụng/ Xuống nỗi buồn nôn nao” (Nguyễn Nhật Ánh). Cả trong những ngày yêu dấu mê say, tôi vô tình được nghe những câu thơ của Phạm Công Thiện: “Mưa chiều thứ Bảy tôi về muộn/ Cây khế đồi cao trổ hết bông”. Nỗi cô đơn như đông cứng lại đến mức có thể chạm vào được rồi tan ra tới cuối chân trời cũng không sao thoát ra ngoài được.
Nhà tôi còn có một cây khế khác, mọc bên cạnh cái giếng trong vườn. Lúc tôi còn bé thơ, cây khế cũng nhỏ xíu, rồi chẳng biết từ khi nào cây khế lớn nhanh như thổi, tán lá xòe rộng che rợp cả một góc giếng thơi. Tôi thích ngắm nhìn cây khế thay đổi mỗi mùa mỗi sắc. Tôi hết ngước mặt ngắm cây khế, lại nhìn bóng nó in soi nơi giếng nước trong veo. Mỗi trưa hè, khi bạn cùng trang lứa vui chơi chạy nhảy đã đời, tôi lại về nhà trèo lên cây khế, chọn một cái chạc ba ngồi nhẩn nha đọc sách... Lớn lên, đi học đại học ở Sài Gòn hoa lệ, nhớ quê tôi lại vội bắt xe về quê để thăm nhà và... ngắm nhìn cây khế bên cạnh giếng thơi! Thời gian ở nhà chỉ có vài ba ngày, ngoài việc đi thăm bạn bè, tôi thường hay ngồi ngắm nhìn cây khế để tìm lại tuổi thơ. Và tôi bật thốt thành lời: “Sáng thức giấc giữa hương thơm đồng nội/ Gió mơn man lướt qua mộng yên lành/ Bướm mặc sức say mùa vui trảy hội/ Lá khế vàng xao động mặt ao xanh”.
Sau này, khi hàng xóm làm nhà, ba má tôi đồng ý cho họ một ít đất, cây khế bị chặt đi. Không còn cây khế tôi tiếc ngẩn ngơ. Nhưng sau này tôi hiểu là tình làng xóm còn quý hơn. Cây khế không còn nữa, nhưng vòm lá của nó còn rập rờn xanh mát và bầy chim vẫn kéo về hót líu lo trong ký ức tôi...
LÊ TRƯỜNG AN