Những "đầu tiên" trong đời dạy học
Chiều nọ, một thằng bạn được gọi đi dạy trước tôi vài tháng đến nhà hỏi: “Sao mày không đi nhận quyết định?”. Tôi trố mắt: “Quyết định là cái gì?”. “Ơ cái thằng này, ở nhà đánh vật với đất cày riết rồi đui điếc hả? Đó là một cái tờ công lệnh cho mày được đi dạy học đó!”.
Lớp học miền núi. Ảnh: XUÂN PHÚ |
Tôi mừng rơn: “Vậy à? Nhận ở đâu?”. “Ra Phòng Tổ chức cán bộ Ty Giáo dục tỉnh, số 17 đường Lê Thánh Tôn, gặp ông Chi, à thầy Chi. Nhớ ăn mặc giản dị, nói năng khiêm tốn!”. Thằng bạn tôi làm một tràng có vẻ sành sỏi rồi ra về. Còn tôi thì tức tốc đón xe đò ra thành phố, trong lòng vẫn còn băn khoăn với những từ ngữ mới nghe lần đầu: “Quyết định”, “Công lệnh”, “Phòng Tổ chức cán bộ”. Âm hưởng của chúng nghe vừa nghiêm trọng vừa lạ lẫm làm sao!
Bữa cúng “Cô Bác” cho tôi lên đường “thi hành quyết định”, cha tôi vừa rưng rưng nước mắt vừa dặn dò: “Con lên chợ Tiên Phước tìm gặp mấy người Co, người Ca dong đi... bán trầu rồi theo họ về Trà My. Xa lắm đó con. Hồi trước cha đi dân công mất hơn 5 ngày mới tới”. Tôi diện chiếc quần Jean ống loe, chân xỏ đôi giày da vàng, mắt đeo kính nâu, tay xách chiếc va li hộp, tất cả đều đã cũ và là “tàn tích” của một thời sinh viên đi học xa nhà. Tôi nhìn cha ứa nước mắt rồi đi.
Thời đó từ Tam Kỳ lên Trà My mỗi ngày chỉ có một chuyến xe đò vào lúc mờ sáng. Tôi bị trễ nửa tiếng nên đành phải đón xe đi Tiên Phước. Quãng đường chỉ có 24km nhưng chiếc xe Dodge già nua ba cầu ọc ạch mãi hơn 9h sáng mới tới bến xe Tiên Kỳ. Lúc này tuyến Tiên Phước - Trà My cũng đã hết chuyến. Tôi ngồi bó gối bên đường nhìn về phương tây thăm thẳm mà lòng hoang mang vô vọng. May thay khi tôi vẫy tay hú họa thì một chiếc xe Ben chở vật liệu xây dựng đã dừng lại. Bác tài xế có lẽ thuộc hạng thâm niên nhìn tôi trong giây lát rồi hất hàm: “Giáo viên mới hả? Lên đi!”. Cuối cùng tôi cũng đến được xã Tiên Trà mà nay là thị trấn Trà My. Trước mắt tôi là quang cảnh một thung lũng đang trong giai đoạn hình thành huyện lỵ. Chỉ có một xóm chợ lèo tèo vài chục ngôi nhà tranh tre tạm bợ, một vài con đường đất đỏ vừa được san ủi, năm ba lán trại cơ quan nằm chơ vơ trên những ngọn đồi. Tôi rút tờ “Quyết định” ra xem lại: “... Phan Văn Minh, giáo viên cấp hai, chuyên môn Văn - Sử Địa, đến nhận công tác tại trường Bổ túc văn hóa huyện Trà My...”. Tôi đang lớ ngớ nhìn quanh, không biết cái ngôi trường Bổ túc văn hóa (BTVH) nằm ở đâu thì bất ngờ nghe tiếng gọi: “Minh, vào đây!”. Hóa ra là thằng Sĩ cùng học một khóa sư phạm cấp tốc với tôi ở Quy Nhơn. Hắn đang ngồi trong một quán nước. Tôi ngạc nhiên: “Mày cũng lên đây à?”. “Cà phê nghen!”. Hắn gọi thêm một phin đen. Tôi không ngờ nơi đây cũng có cà phê, một loại thức uống đậm chất “tiểu tư sản” theo cách nhìn vào thời đó. “Không những vậy mà sẽ là “đồng liêu” với mày ở trường BTVH” - Thằng Sĩ tiếp lời. Hỏi ra mới biết hắn được cơ quan cử xuống Tiên Trà đón tôi bởi đường lên trường còn xa lắm.
Tôi theo Sĩ đi bộ khoảng 5 cây số đường núi mới tới cơ quan. Vậy mà hắn bảo tuần nào cũng xuống Tiên Trà uống cà phê, tán gẫu với mấy giáo viên từ các xã vùng cao lâu lâu “xuống phố”. Lần đầu tiên đứng giữa sân một ngôi trường toàn mái tranh vách nứa, tôi nhìn quanh ngơ ngác. Vừa lúc hết giờ nghỉ trưa, học viên từ trong các lán trại nội trú chạy ào ra “xem” tôi. Họ nhìn tôi từ đầu tới chân rồi hỏi Sĩ với giọng lơ lớ: “Thầy mới hả thầy?”. Anh Thủy hiệu phó từ văn phòng ra kéo tay tôi: “Minh hả? Vào đây!”. Tôi theo anh đi vào và trình “Quyết định”. Anh cười bảo: “Được rồi! Nhưng việc đầu tiên là cậu phải để anh hớt cái mái tóc kia cái đã!”. Tôi “dạ dạ” đưa tay vuốt gáy. Quả thực tóc tôi khi đó đã dài phủ cổ. Lại còn cái quần loe, đôi giày vàng, đôi kính đen và chiếc va li, trông tôi chắc chẳng giống ai trong ngôi trường nằm sâu giữa góc rừng này.
Hai ngày sau tôi lên lớp buổi đầu tiên. Đó là lớp Một C. Thực chất đây là lớp vỡ lòng dành cho những thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số chưa được xóa mù chữ. Các lớp khác đã đủ giáo viên, riêng lớp này trước đây do một giáo viên dạy kiêm nhiệm. Thực tình tôi mù tịt về quy trình dạy một bài học vần phải như thế nào. Hơn nữa hầu hết học viên vốn được “chiêu sinh” từ các buôn làng đều đã “tái mù” tiếng Kinh sau khi các cơ quan ở chiến khu rút hết về dưới xuôi. Vậy nên bài học hôm đó chỉ có bốn chữ “Lá cờ Tổ quốc” mà cả thầy và trò phải loay hoay cả buổi vẫn chưa xong...
Nhưng dù sao đó cũng là ký ức về lần đầu tiên tôi đứng trên bục giảng. Và sự nghiệp dạy học hơn nửa đời người của tôi đã được bắt đầu như thế: Dạy đánh vần cho một lớp vỡ lòng.
PHAN VĂN MINH