Vẽ rắn thêm chân

HỨA XUYÊN HUỲNH 28/10/2018 03:12

Làm phim về Thúy Kiều nhưng đạo diễn quyết xóa mọi ranh giới về không gian. Chỉ một trang đẫm sex đã khiến những trang tiểu thuyết còn lại về nhân vật thời nhà Trần trở nên lu mờ… Xem ra người nghệ sĩ phải đi trên dây mỗi khi phóng bút, đừng sa vào những “sáng tạo” phi thực tế.

Minh họa: VĂN TIN
Minh họa: VĂN TIN

Khi Thúy Kiều… làm ruộng

Một ngày nọ, khi đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ thông tin xung quanh dự án phim Thúy Kiều trong một bài phỏng vấn ngắn, nhiều người đã giãy nảy: Làm sao có thể chấp nhận một nàng Kiều không-gốc-gác?

Phim cổ trang lấy nguyên mẫu từ kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du, nhưng đạo diễn Lưu Trọng Ninh đang muốn xóa hết ranh giới. Không gian nghệ thuật chả phải Trung Quốc (theo nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân, sau này cụ Nguyễn Du cũng chép rõ là bối cảnh truyện thơ xảy ra vào năm Gia Tĩnh triều Minh), càng không phải Việt Nam, mà chỉ có không-gian-của-Truyện-Kiều. Vậy đó là “không gian” nào? Thật khó hình dung, có lẽ phải… chờ đến khi bộ phim chính thức ra rạp.

Nhưng người quan tâm đã phần nào cảm nhận về nàng Kiều trên phim, thông qua những thông tin hé lộ từ đoàn làm phim. Đấy là nàng Kiều biết làm giấy, xay bột, đi cấy đi cày… Kiều giỏi cầm - kỳ - thi - họa, thi hứng luôn dào dạt kiểu “rút trâm sẵn dắt mái đầu/ vạch da cây, vịnh bốn câu ba vần”, “tay tiên một vẩy đủ mười khúc ngâm”, “tay tiên gió táp mưa sa” mà cụ Nguyễn Du từng tóm gọn. Còn đánh đàn thì ngón nghề khỏi chê, rành âm luật, giỏi hồ cầm, tự soạn ra khúc “Bạc mệnh oán”... Có người ngồi đếm kỹ Thúy Kiều đã làm thơ tổng cộng 11 lần, đánh đàn 8 lần trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhưng vẫn quá ít so với nàng Vương Thúy Kiều trong nguyên tác Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

Mà đúng thế thật, chiêm bao sau lần chơi lễ đạp thanh về, hồn Đạm Tiên ra 10 đầu bài thì Thúy Kiều ngay tắp lự cầm bút viết luôn 10 khúc ngâm, từ “Tiếc đa tài” cho đến “Khóc tương tư”. Cả nhà gặp nạn, trong cơn mê sảng thức giấc vẫn viết đủ 8 bài “Kinh mộng giác”. Khi bị Mã Giám Sinh giở trò cưỡng bức “con ong đã tỏ đường đi lối về”, Kiều nằm một lát rồi ngồi dậy soạn đủ 9 bài “Thấy kẻ cuồng”. Ở lầu Ngưng Bích, Kiều nhớ nhung và viết ra 10 khúc “Nhỡ nhàng”…

Nhưng Kiều trong dự án phim Việt vẫn phải làm ruộng, vì theo đạo diễn Lưu Trọng Ninh, chị em Kiều có gia thế bình thường. Có điều, lời giới thiệu “gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung” mà Nguyễn Du viết đã gói ghém bên trong một đời sống an nhàn của nhà viên ngoại (trưởng giả) họ Vương, thậm chí nguyên tác ghi rõ “gia tư vào bậc phong lưu”. Thì đến nỗi gì 2 cô con gái tuyệt sắc nhà họ Vương phải lội ruộng?

Vẫn chưa rõ nàng Kiều sẽ cày cấy ra sao, lui tới bao nhiêu kỹ viện. Còn Từ Hải “năm năm hùng cứ một phương hải tần” liệu có bị suy diễn như cách người ta từng cắc cớ hỏi ca từ “Con đường xưa em đi” là… con đường nào?! Hãy nhớ lại Bụi đời Chợ Lớn: phim của đạo diễn Charlie Nguyễn chưa một ngày được phép ra rạp sau 3 lần chỉnh sửa, vì những cảnh bạo lực trở nên “xa lạ” với địa danh và không gian mà bộ phim đang vay mượn.

Tranh cãi “sex” thời Trần

Đã có một cơn “bão” chỉ trích rộ lên chừng nửa năm trước, khi tiểu thuyết Chim ưng và chàng đan sọt (tác giả Bùi Việt Sỹ, đoạt giải C sách hay Giải thưởng sách quốc gia 2018) bị đưa ra mổ xẻ.

Hẳn mọi người còn nhớ, “chim ưng” là Trần Khánh Dư, “chàng đan sọt” là Phạm Ngũ Lão, nhưng các trang viết kỳ công về 2 danh tướng triều Trần này phút chốc đã lu mờ, nhường chỗ cho những dòng mô tả bạo liệt về sinh hoạt tình dục ở trang 37. Thời nhà Trần, những chuyện bất chính trong đạo vợ chồng từ vua đến tôi đều được chép rõ, sử gia Ngô Sĩ Liên cũng nhiều lần than phiền. Đoạn chép về Nhân Tôn hoàng đế (quyển 5, kỷ nhà Trần), Đại Việt sử ký toàn thư có nhắc ý rất ngắn rằng Trần Khánh Dư “cùng với công chúa Thiên Thụy thông dâm”. Nhưng nhà văn Bùi Việt Sỹ đã hư cấu “sinh động” hơn nhiều…

Nhắc lại, chuyện thông dâm diễn ra ở thời điểm công chúa Thiên Thụy đang là vợ của Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn, con trai của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Đọc sử cũ, thấy nhân phẩm Trần Khánh Dư không tốt. Khi các vị vương khác triều Trần mất, sử gia thường dành nhiều lời bình phẩm về công trạng. Ngay như Trần Khắc Chung cũng có đến ngót 20 câu để bàn thêm, dù là để… chê. Nhưng với cái chết của “chim ưng” dưới triều vua Hiến Tôn, sử gia chỉ chép có 2 câu, đầy ý tứ: “Nhân Huệ Vương Khánh Dư chết. Năm ấy sao Huỳnh Hoặc mọc vào giới phận sao Nam Đẩu, ở đến hơn một tháng mới ra (chưa rõ là tháng nào)”.

*
*               *

Nương vào sử liệu mà hư cấu, chuyện không mới mẻ gì. Nhưng diễn đạt về đời sống tình dục ở vào thời khá buông thả như triều Trần bằng “văn phong” của thế kỷ 21, như cách mà nhà văn Bùi Việt Sỹ đã thể hiện, thì có chỗ còn gây tranh cãi. Hay như cách quẳng Thúy Kiều ra giữa một không gian nghệ thuật xa lạ, muốn Kiều gần gũi hơn với đời sống thôn dã bằng cách cho nàng đi cày cấy…, sẽ khiến nhân vật thêm ngơ ngác và tác giả đang vẽ rắn thêm chân.

Đã có bài học nhãn tiền khi seri phim “Hậu duệ mặt trời” được làm lại theo phim cùng tên của Hàn Quốc nhưng bị Bộ Quốc phòng yêu cầu chỉnh sửa những sai sót về lễ tiết, tác phong mang mặc… của quân nhân Việt Nam. Nhưng càng sửa càng rối, khi đơn vị mua bản quyền và sản xuất phim chỉ chèn thêm dòng chữ kể từ tập thứ 13: “Các nhân vật, tình huống và sự kiện trong phim đều là sản phẩm hư cấu do những người làm phim xây dựng, các đất nước trong phim là đất nước giả tưởng, mọi sự trùng hợp trong phim nếu có chỉ là ngẫu nhiên”. Làm sao “ngẫu nhiên” khi con người, cảnh vật, kể cả phục trang Việt cứ sờ sờ ra đấy?

Nghệ sĩ sáng tạo, nhưng phải có giới hạn. Tước bỏ không gian, quá lố hoặc vay mượn gượng ép… đều dễ khiến nhân vật trở nên lạc lõng.

HỨA XUYÊN HUỲNH

HỨA XUYÊN HUỲNH