Giọt sương trên lá

LÊ NGUYÊN 27/09/2018 07:54

(QNO) - Tôi muốn nằm thêm chút nữa trong buổi sáng cuối tuần rất bình yên ở ngôi nhà của ba mẹ trong xóm nhỏ xứ La Chong. Nằm để tận hưởng âm thanh quen thuộc trong tiếng đi lại rất khẽ của ba, nằm để mường tượng tiếng cọ nồi nấu cơm sáng của mẹ, tiếng chổi đưa sau hè của một ai đó nữa thức dậy trước mình...

Nằm đó, lẫn trong tiếng gà đòi ăn bữa sáng, tiếng những con vật nuôi có thể gọi tên cùng âm thanh lao xao muôn loại côn trùng trú ngụ quanh nhà. Lần nào cũng vậy, tôi thường thức giấc trễ tràng trong một ngày mới chốn quê nhà không chút vướng víu lo toan, tất bật giờ học, giờ làm mỗi ngày cùng con nhỏ. Và dường như, luôn luôn có cái gì đó rưng rưng lòng tôi hệt thuở còn thơ khi cuối cùng cũng phải uể oải rời chăn chiếu trong tiếng mẹ càm ràm cái tội ngủ muộn.

Khác với lệ thường, hôm nay tôi thức dậy sớm hơn mọi bận. Rất có thể lỗi tại cái loa phát thanh gắn ở nhà sinh hoạt cộng đồng đã phát ra thứ tiếng quá to để chào buổi sáng. Âm thanh đó, lấn át hết thảy mọi thứ êm đềm tôi thường được nhận và may thay chỉ ồn ả mươi mười phút rồi ngưng hẳn. Tín hiệu ồn ào không đem lại cho tôi một ý nghĩa nào nhưng khiến tôi tỉnh táo đến không muốn nằm lười lĩnh nữa.

Khoảng sân trước nhà trong tầm lờ mờ sáng bỗng làm tôi nhớ lại quãng thời gian hơn hai mươi năm trước, mấy anh em tôi phải thức dậy khi gà gáy canh ba để chuẩn bị đến trường. Tuổi thơ chúng tôi là những bước chân trải dài trên bao quãng đồng làng, nơi đặc sệt những con đường bùn đất vào mùa mưa. Và trên con đường ấy có biết bao giọt sương sớm đã đồng hành cùng những bàn chân bé nhỏ miệt mài. Sáng sớm hôm nay, bên vệ đường làng quen thuộc, tôi lại nhìn thấy những giọt sương đẹp đẽ chưa tan!

Lộ thảo đầu phô.

Tôi chưa đủ sự hiểu biết để thâm ngộ đời người “thân như chớp bóng” nhưng nhất định, giọt sương long lanh trên trùng trùng cỏ dại sớm nay đã cho tôi niềm vui sướng cùng tốt tươi vạn mộc. Niềm vui của “đứa con đi hoang trở về ngôi nhà cũ” trong một trích đoạn Thiền luận nào đó từ D.Suzuki mà tôi không thể nào lần hồi chính xác.

Có buổi sáng nào nơi trung du thâm u này sương không vội tan trên cỏ lá? Có gánh gồng nào người nông dân ngược xuôi chuyến chợ miền quê không đi cùng cỏ cây ấp ủ nâng niu? Quanh tôi, sương vẫn giăng mù mịt cả núi rừng, từ con đường làng nhìn lên đỉnh Đá Vách, tôi thấy một màu sương trắng tinh khôi như thể tự ngàn xưa trong một ngày mới bắt đầu. Và sớm nay tôi mới nhận ra một điều đơn giản rằng, dù tôi có dậy sớm hơn bao nhiêu chăng nữa thì thành phố nhỏ nơi tôi đang sống vẫn hiếm khi đọng lại một giọt sương.

Trên con đường làng nay đã bốn bề bê tông phẳng phiu, tôi hồi tưởng miên man bao tháng ngày đi học. Trong những sớm mùa đông lạnh ngắt, dù trời không mưa nhưng khi nào đến lớp, học trò bờ nam sông Tiên vẫn ướt đẫm mù sương khi băng qua đường đèo Cây Gạo.

Có những ngày xe đạp không dắt được trên quãng sình lầy, đám học trò nhỏ vừa đi vừa lấy nhánh cây quơ quơ vạt cỏ bên đường như một trò vui vô tư lự. Giờ đây, khi tận hưởng vẻ đẹp của vô vàn những giọt sương nhỏ, tôi vẫn nghe như tiếng cười đùa rộn rã trẻ thơ cùng Cẩm Trang, Phi Hoàng, Hòa, Vũ… Những bạn nhỏ của tôi đang trú ngụ giữa thành phố ken người chật ních dù tha thiết hoài hương đến mấy cũng sẽ khó tìm thấy mối liên hệ nào nhỏ nhoi để tư lự một giọt sương.

Giọt sương trên ngọn cỏ là có thể là công án thượng thừa để bày tỏ một triết lý nhân sinh. Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô (cây cối mùa xuân tươi tốt, mùa thu héo tàn - Vạn Hạnh thiền sư) chắc chắn không con mắt trần gian nào không nhìn thấy. Nhưng nhìn và chấp nhận một giọt sương tan dần trên ngọn cỏ dưới ánh mặt trời giữa mải miết mưu sinh thì ắt hẳn, có khi, cả cuộc đời chưa thưởng trọn một nguồn vui.

LÊ NGUYÊN

LÊ NGUYÊN