Những phiến đá tuổi thơ
Ngoại tuổi ngũ tuần, anh Hai tôi quay trở lại với niềm đam mê chụp ảnh thời còn trai trẻ. Nhiều bức ảnh ghi lại những góc ngõ, quanh những con đường làng, vài bông hoa dại ven đường hay hàng chè tàu đẹp bình yên trong xóm nhỏ. Có lẽ, Lộc Yên quê tôi đã gợi cho anh một cảm hứng diệu kỳ khi từng ngôi nhà, từng con suối, từng khuôn đất mang một vẻ đẹp riêng thuần khiết của làng cổ hiếm thấy ở xứ Tiên. Ở nơi này, chúng tôi đã lớn lên từ hương thơm bình dị của núi rừng, từ rất nhiều thức trái cây đặc sản hồ tiêu, lòn bon, dâu đất… mà mùi vị vẫn thoảng trên đầu lưỡi mỗi khi nhớ về...
Bức ảnh hôm qua anh Hai tôi ghi lại trước nhà cô Nhung không hiểu sao lại khiến tôi bồi hồi xúc động lạ thường. Nhà cô Nhung ngay trước mặt nhà tôi, chỉ cách một đám ruộng có cái tên cực kỳ khác biệt so với những đám Thùng, đám Đìa, đám Dài, đám Mít…: đám Nhà Thờ. Và bên kia bờ của đám ruộng mang dòng tên riêng biệt, thế giới tuổi thơ tôi ở đó. Ngôi nhà với dấu ấn “địa chủ” từ đời cụ Cửu Dung còn lại trầm mặc với phong thủy tiền thủy, hậu sơn - một địa thế đẹp cho những ngôi nhà cổ dọc triền đồi. Quanh ngôi nhà mái phủ âm dương toàn được trang trí bằng đá: đá trên thềm sân, đá trước ngõ, đá ngoài ao trước ao sau. Cả cái giếng Vừng huyền thoại với độ sâu chỉ chừng hơn một mét cũng được đào giữa những tảng đá đã cung cấp nguồn nước không bao giờ vơi cho cả làng tôi vào những ngày hè nắng rát, khi gần như tất cả những cái giếng khác đều cạn khô. Và rêu. Cứ xanh trong tâm tưởng tôi cho đến bây giờ...
Tôi đã lớn lên cùng ngôi nhà cổ đó mà cũng không hiểu vì sao, dường như đã có một tình láng giềng quá lớn của gia chủ với một đứa trẻ cảnh nhà thiếu thốn cơm sắn độn khoai? Tôi đã ăn biết bao nhiêu bữa cơm ở ngôi nhà đó, biết bao nhiêu buổi tối cắp sách ngủ qua đêm cùng chị Nhỏ, chị Lớn trên tấm phản mít mát thơm. Có biết bao nhiêu lần tôi đã thưởng thức món mỳ Quảng làm từ bánh xèo mà đến giờ vẫn chưa thể tìm thấy ở bất kỳ đâu khác. Bức hình của anh Hai tôi đã khiến lớp lớp ký ức “từ thăm thẳm lãng quên” bừng dậy thảng thốt.
Vào lớp 6 với tôi chính là vào tuổi… được chăn bò. Con bò Ô tôi tự đặt tên theo một câu chuyện nào đấy đã được đứa trẻ lên mười chăm bẵm hết mực trong những tháng ngày trung học. Cứ mỗi buổi sáng, chị em tôi lại mỗi đứa một con bò le te chạy qua nhà cô Nhung kêu cả Tý, Lớn, Nhỏ lùa bò lên núi. Nhà cô Nhung là “hũ gạo Thạch Sanh” của xứ nhỏ La Chong nhưng con cái trong nhà cũng phải chăn bò, trồng bắp, tỉa đậu, nhổ khoai chẳng khác gì những đứa trẻ khác. Có lẽ vì thế mà chúng tôi đã cùng thở một bầu không khí, đã ăn những trái bồ quân và cuộc chơi không màng tới chữ giàu nghèo… Rất có thể vì chúng tôi được sinh ra đồng trang lứa nên người mẹ xóm giềng đã để cho tôi giờ đây được nương nhờ cả vùng trời ký ức tuổi thơ. Và bức hình trước mắt tôi, cảnh từng bậc thềm đá trước ngõ ngôi nhà thân thương hiện lên rõ nét từng chi tiết một, riêng chỉ có những cây cam sành đã không còn nữa. Những cây cam ấy, cùng với bao nhiêu thức ngon bí mật trong khu vườn tuổi thơ đã nuôi dưỡng chúng tôi lớn lên hồn nhiên như cây như cỏ. Biết bao viên đá nhỏ đá to ngày ngày in dấu những bàn chân quanh quẩn nhỏ xíu, nhẻm đen mà chưa từng cần đến một giây phút ước mơ rộng rãi hơn chốn đồng làng.
Bây giờ, nhà ba mẹ tôi vẫn cách ngôi nhà cổ một đám ruộng Nhà Thờ. Nhưng chị Nhỏ đã lấy chồng, Tý, Lớn, Vũ hơn mười năm nay đều đã vào định cư ở trong Nam. Ngôi nhà vắng tiếng cười của nhiều đứa trẻ nhưng chủ nhân vẫn duy trì nếp sống cũ xưa rất mực. Lòng tôi bỗng trỗi dậy nỗi ước ao một ngày tôi tự nhiên chạy ào qua ngôi nhà ấy, ngồi giữa bậc phong rêu của những viên đá nhỏ, nghe thơm lừng mùi mỳ Quảng bánh xèo từ mái bếp tro bay...
NGUYỄN THỊ THANH THẢO