Ở hai đầu sông của phố

XUÂN KHÁNH 29/07/2018 10:22

Thành phố có hai đầu sông, là nếp nghĩ của tôi như thế, về phố cổ Hội An vẫn đang thăng trầm bên dòng sông Hoài lững lờ trôi.

Yên bình góc sông gần bến đò Thuận Tình. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Yên bình góc sông gần bến đò Thuận Tình. Ảnh: XUÂN KHÁNH

1. Đầu sông… đầu tiên, là nơi phố đón nước từ thượng nguồn, và hai thái cực trái ngược lưu đọng mãi trong ký ức của tôi, là lũ và những ngày nóng oi bức. Nhân cái sự mấy hôm nay có mưa, bất giác nhớ lũ tháng 11 năm ngoái. Đợt ấy mưa to, thủy điện xả lũ, lại thêm giai đoạn triều cường dâng, nước không thoát được, cứ dập dềnh. Theo thuyền anh em cứu hộ, đến đoạn gần chỗ chợ cá ở phường Thanh Hà, những nóc nhà đã chìm trong biển nước. Nhác trông qua bên kia bờ, Cẩm Kim và Triêm Tây (xã Điện Phương - Điện Bàn) cũng mênh mông là nước. Triêm Tây gần như hứng trọn nước từ đầu nguồn dội xuống, đất bị ngoạm đi ít nhiều, rồi “ăn” theo triền sông về phía Cẩm Kim, làm hư luôn đường dẫn và mố cầu nối Cẩm Kim với Duy Phước (Duy Xuyên). Hôm bữa qua lại, thấy chỗ Triêm Tây người ta đang hì hục đóng cọc tre ven sông, rồi trồng cây đước, để làm kè mềm với hy vọng cứu đất Triêm Tây, mà giữ được Triêm Tây, thì Cẩm Kim may ra mới an toàn được.

Nhắc chuyện lũ, chợt nghĩ, trong những ngày như thế, mới thấy tình người hiện hữu, rất đẹp đẽ. Nhớ hôm sáng ngày 6.11 năm ngoái, sau khi đi cứu hộ những người dân còn mắc kẹt, thuyền đi vào những con hẻm nhỏ. Rồi dừng trước một căn nhà đã ngập quá nửa tầng dưới, anh Võ Tiến Trung - Trưởng Công an phường Thanh Hà xuống thuyền, dò dẫm trong nước để tiến vào ngôi nhà ấy. Bấy giờ tôi mới biết, đó là nhà anh, còn người phụ nữ đang đứng trong nước ngập hơn nửa người, là vợ anh, còn ở trên gác lửng, các con anh đứng nhìn xuống, vẫy tay reo mừng “ba về, ba về”. Anh Trung trở về nhà, sau mấy hôm cùng cộng sự của mình đi di tản, cứu hộ dân trong lũ.

Ven bờ đầu-sông-đầu-tiên, có mấy quán nước dưới chân cầu Cẩm Kim, trở thành nơi lý tưởng để trốn mình trong đợt nắng nóng kinh khủng vừa rồi. Nhưng cũng không lý tưởng mấy, vì ồn. “Tránh nóng rứa thôi, chớ ngủ trưa không được mô” - ông Nguyễn Tiến Hoàng (phường Cẩm Phô), nói. Là ông đang nói về những thanh âm khó chịu trên cầu Cẩm Kim. Cầu được làm bằng sắt, ban đầu không có những thanh dẹt đan ngang dọc, xe cộ lưu thông dễ bị trượt bánh, không ít tai nạn đã xảy ra. Dân phản ánh, chính quyền cho hàn thêm những thanh dẹt ngang dọc, thì giảm hẳn ngã xe. Nhưng được thời gian, thì mối hàn bung ra, tạo nên âm thanh khó chịu mỗi khi xe chạy qua. Không phủ nhận lợi ích từ cây cầu sắt này, nhưng sẽ đẹp hơn, nếu bằng cách nào đó, chiếc cầu không còn phát ra những tiếng “ầm ầm” khó chịu như hiện tại.

2. Bữa nọ học đòi, rủ bạn xuôi tuyến từ đầu-sông-đầu-tiên xuống đầu sông cuối cùng, là chỗ bến Thuận Tình. Đò ngang qua phố, phố im lìm dáng đứng. Náo nhiệt một tí, là đoạn ngang qua chợ. Rồi vừa nhú qua khỏi cầu Cẩm Nam, thấy mảng xi măng trơ trẽn giữa dòng. Đó là cồn Gami, nơi vừa rồi ồn ào với vở diễn thực cảnh “Ký ức Hội An”, mà nghe nói đơn vị sản xuất đã chỉnh sửa nội dung. Nhưng còn những công trình mọc lên trên cồn này, vẫn còn đấy, và theo nhận định của nhiều chuyên gia, nó là mối nguy cho hai bên bờ sông khi lũ về. Xuôi thêm tí nữa, thì đến bến đò Thuận Tình, hai thằng tấp vào, kéo ghế gọi ly cà phê.

So với đầu sông trên kia, thì đầu sông này yên ắng hơn và cảnh đẹp hơn, khi mà trước mặt có rất nhiều chiếc rớ màu vàng nhạt đang được căng lên. Phía bên trong là quán cà phê, những người đàn ông, theo cách họ nói chuyện, có vẻ rất thân mật. Họ nói đủ thứ từ trên trời đến dưới đất, rồi rủ nhau… đánh bài kiếm kèo nhậu vào buổi chiều. Cà phê chỗ này, tôi có thói quen xách bàn ghế ra ngồi tận mép sông, để được tận hưởng cái thong thả của sông nước. Như mọi khi, tôi gặp Mừng, hành nghề chở khách du lịch bằng ô tô. “Hôm qua có cuốc chở khách Tây đi Mỹ Sơn, được 8 “xị” (800.000 đồng)” - anh bắt đầu câu chuyện. Tôi gật gù: “Rứa ngon rồi”. Mừng tỏ vẻ cáu: “Ngon khỉ á. Về mới biết, là con nhỏ lễ tân khách sạn báo giá cho khách một củ rưỡi (1,5 triệu đồng) lận đó”. Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, Mừng tiếp: “Mình chở khách đi cực khổ, lại phải xăng xe này nọ mới được 8 “xị”, hắn ở nhà hô một phát được 7 “xị”, khỏe re”.

Té ra là vậy. Và câu chuyện này, hay đại loại thế, ở đây, tôi dễ dàng nghe thấy. Cánh chạy xe như Mừng, nhiều khi ngồi kể cho nhau, cũng chỉ là cách để dễ dàng… nuốt trôi đi hậm hực, chứ hầu như không có cách nào để giải quyết tối ưu. “Vì mình bị phụ thuộc mà, khách hỏi dịch vụ, lễ tân lắc đầu, hoặc chỉ người khác, thì mình còn đói… meo mỏ nữa” - Mừng giải thích, rồi lơi thêm câu hỏi: “Nhưng cũng “ăn” vừa phải thôi chứ, hè?”. Rồi cúi đầu châm điếu thuốc, khói bay mịt mù.

Ngó ra phía trước mặt, thấy mấy chiếc thuyền kayak đang ngược hướng tôi nhìn, trên thuyền chở toàn là rác. Đó là hoạt động của một tour vớt rác bằng phương thức chèo thuyền kayak. Ban đầu tôi thấy lạ với hình thức du lịch này, nhưng ngồi đây riết rồi quen, rồi thỉnh thoảng tham gia vài ba chuyến, thấy cũng hay hay. Còn những lúc rảnh, nhiều khi một mình, tôi ngồi nơi một trong hai đầu sông của phố, với ly cà phê, bỏ hồn lững lờ theo sóng nước… Hội An phố quá nổi tiếng, nhưng những ngóc ngách của nó, những mảng màu sáng tối, đâu dễ mấy ai rẽ rành!

XUÂN KHÁNH

XUÂN KHÁNH