Sông đói

PHAN VĂN MINH 01/07/2018 11:07

Những tác động tiêu cực của con người vào các dòng sông cùng với những biến đổi ngày càng khó lường của tự nhiên khiến các dòng sông trở nên “đói khát”.

Sông đói. Nguồn: Internet
Sông đói. Nguồn: Internet

Đói nước

Quê tôi có một con sông rất nhỏ, nhỏ như cái tên của nó: Ly Ly. Thực ra, ngày xưa nó đã từng có một quá khứ oanh liệt, với vai trò là một thủy lộ quan trọng từ vùng Phật viện Đồng Dương về phía biển Đông. Thời còn học phổ thông, bọn tôi vẫn thường bơi lội ở đây vào những ngày cuối tuần và mỗi mùa hè. Những ký ức xưa bên dòng sông quê sau ngót nửa thế kỷ vẫn chưa hề phai nhưng dòng chảy thì nay đã kiệt. Ly Ly “đói nước” lắm rồi! Ngay cả đến mùa mưa, nó cũng không được mấy ngày “no đủ”. Những cánh rừng tự nhiên phía thượng nguồn đã bị cạo trọc hoặc thay bằng rừng trồng nên mất khả năng điều tiết nước. Cứ mưa xong vài ngày Ly Ly lại phô bày một tấm thân đầy hục hố nham nhở, di tích của một thời kỳ dài phó mặc cho những đội xe khai thác cát tự do.

Không chỉ Ly Ly, hầu hết dòng sông trên suốt dải đất miền Trung cũng đang đói nước. Nếu ai trên đường thiên lý bắc nam vào những ngày hè, khi đi qua sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi sẽ không khỏi giật mình khi chứng kiến một lòng sông đã hóa thành sa mạc, sẽ thầm hỏi nhà thơ Tế Hanh rằng “…Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre…” (Nhớ con sông quê hương) có phải là con sông này chăng? Đi tiếp về phương nam, Sông Ba ở Phú Yên còn thê thảm hơn. Nhiều đoạn lòng sông đã biến thành đồng cỏ và cây bụi. Nó đã thực sự “chết đói” từ khi bị đập thủy điện An Khê - Kanak “vặn cổ”, bắt nó đổi dòng về hướng khác. Nhạc sĩ Nguyễn Cường, tác giả bài hát nổi tiếng “Em muốn sống bên anh trọn đời” có lẽ đang tìm một dòng sông khác để thay vào câu “Tình yêu tôi như dòng sông Ba tuôn trào, không bao giờ khô cạn, không khi nào tàn phai…”.

Đói phù sa

Đất nước ta có được hình thể đầy đặn như ngày nay là nhờ “công sức” kiến tạo của nhiều dòng sông lớn nhỏ, trong đó riêng sông Hồng và sông Cửu Long đã giữ công đầu với “sự nghiệp” bồi đắp nên hai vùng đồng bằng rộng lớn ở hai đầu đất nước. Từ hàng vạn năm nay, lượng phù sa khổng lồ của chúng không chỉ mở rộng cương thổ nước ta về phía biển mà còn là nguồn sữa ngọt cho cây trái ruộng vườn, tạo lập nên hai vùng văn hóa lúa nước đặc sắc ở hai miền nam bắc.

Nhưng trong vài chục năm gần đây, tình hình đã khác.

Các số liệu của Ủy hội sông Mê Kông cho thấy mật độ phù sa trong dòng chảy của sông Cửu Long đã giảm hơn 50% trong vòng 20 năm (1994- 2014). Và dự báo trong vài năm tới, khi 11 hồ chứa của các quốc gia ở phía thượng nguồn tiếp tục được vận hành, thì lượng phù sa đổ về vùng châu thổ thuộc Việt Nam chỉ còn lại 5%. Sông Cửu Long sẽ bước vào thời kỳ “đói phù sa” vĩnh viễn.

Thực ra, tác hại của hiện tượng này lâu nay đã hiển hiện. Đó là chuyện sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn liên tiếp xảy ra vô phương cứu chữa; là chuyện đất đai ngày càng nghèo dinh dưỡng. Đã vậy, chính chúng ta lại “tiếp sức” cho quá trình đó tiến nhanh hơn với việc hút kiệt phù sa tầng đáy, đắp đê bao ngăn mặn khiến phù sa không vào “trú ngụ” được trong ruộng vườn, tàu bè quẫy sóng đêm ngày không cho phù sa “yên nghỉ”, bồi lắng… Sông càng “đói” thì sông càng “ăn” tợn, nghĩa là những bãi bờ mà sông đã từng cho chúng ta “vay” xưa nay bây giờ sẽ đòi lại, mà đòi rất nhanh. Theo Cục Viễn thám quốc gia thuộc Bộ TN&MT, mỗi năm mũi Cà Mau sụt lún 2cm và bị biển “ngoạm” mất 40m. “Mũi Cà Mau mảnh đất tươi non/ Mấy trăm đời lấn luôn ra biển…” (Mũi Cà Mau - Xuân Diệu). Nay thì thời kỳ lấn ra biển đã kết thúc và đang bắt đầu giai đoạn biển lấn vô. Cộng với nước biển dâng, không rõ Cà Mau sẽ tồn tại trên bản đồ được bao năm nữa?

Còn đối với dòng chảy sông Hồng, tuy mật độ phù sa chưa đến mức báo động, nhưng theo các kết quả quan trắc thì nước đã trong hơn, không còn đỏ như cái tên nó mang. Chỉ e rằng nếu nay mai siêu dự án “Thủy lộ xuyên Á dọc sông Hồng” được phê duyệt với 6 đập thủy điện cắt ngang thì dòng sông đầy ắp huyền sử này có còn “no đủ”? Và gương mặt của vùng đồng bằng Bắc Bộ khi ấy sẽ ra sao?

Đói cá

Thời còn dạy học trên một thị trấn miền núi, mỗi lần rủ nhau ra sông tắm giặt chúng tôi thường mang về rất nhiều cá tôm cho chị nuôi ở nhà ăn tập thể. Nước sông hồi đó trong vắt với vô số các loài cá, ốc, tôm càng… Chỉ cần lặn xuống với một chiếc “súng” bắn thép, lúc ngoi lên thế nào cũng xiên được một chú cá niên, cá sộc. Thậm chí chỉ bằng tay không cũng bắt được cá bống, cá lấu nhút nhát nấp trong kẽ đá. Nhưng nay hỏi các đồng nghiệp trên ấy thì họ nhún vai lắc đầu: “Cá tôm đâu còn thầy! Nước sông bây giờ như thuốc độc”.

Nước ta có khoảng 2.500 con sông. Đó là một nguồn  nuôi dưỡng thủy sản khổng lồ từ lâu đời vốn là kế sinh nhai của hàng triệu gia đình. Nhưng bây giờ nhiều dòng sông đã vắng bóng những con thuyền đánh cá, có chăng là chỉ ở trong các hồ chứa. Đêm đêm trên sông không còn nghe tiếng hò hụi, tiếng khua dầm đuổi cá. Ở miền Tây Nam Bộ, ngày xưa đến mùa nước nổi cá linh về đặc nước đến mức có khi phải đem làm phân bón. Nhưng nay nó lại trở thành của hiếm, thành đặc sản. Một lần đi chơi ở rừng quốc gia U Minh thượng, cả bọn rủ nhau đi câu cả buổi mà gom lại chưa đủ cho một nồi canh chua. Sông rạch ngày càng “đói cá”.

Đó là ba “nạn đói” mà các dòng sông đang đối mặt, nếu không kể thêm một hiện trạng nữa là “đói phong cảnh”. Ở vùng đồng bằng, ngày càng khó tìm được một khúc sông gợi nên mỹ cảm. Sạt lở, rác thải, thủy điện, khai thác khoáng sản… đang tàn phá gương mặt thiên nhiên hai bên bờ lưu vực, nơi mà từ ngàn xưa vốn là nguồn cảm hứng vô tận cho những tâm hồn nghệ sĩ.

PHAN VĂN MINH

PHAN VĂN MINH