Tản mạn tiếng ve
Mấy tuần nay tiếng ve đã râm ran khắp nơi. Trên những tàn cây vùng ngoại ô, và trên cả những hàng cây trên phố. Mùa hè đang đến. Nói đến mùa hè thì ta thường nói đến hoa phượng và tiếng ve. Một sắc, một thanh, biểu tượng của mùa hè. Nhất là đối với tuổi học trò. Nhưng hoa phượng thì có nơi có, nơi không, còn tiếng ve thì hầu như ta có thể nghe thấy khắp mọi nơi. Chỗ nào có cây là có tiếng ve. Nhiều nơi tiếng ve inh ỏi đến mức người ta không thể nói chuyện được với nhau.
Minh họa: VĂN TIN |
Hồi bé, tôi thường cùng bạn bè đi bắt ve để chơi. Cách bắt rất đơn giản mà lại vô cùng hiệu quả. Chúng tôi dùng một chiếc cần trúc, như loại cần câu cá. Phần ngọn của cần càng mềm càng tốt vì có độ rung. Tại đầu cần, chúng tôi bôi một chút mủ cao su, xin từ một tiệm đóng giày dép. Thế là mỗi trưa nắng, chúng tôi lần mò theo các tán cây để bắt ve. Hễ thấy chú ve nào đang đậu trên cây, nhẹ nhàng đến gần, đưa đầu cần ra, chỉ cần nó chạm vào con ve là xong. Chú ve đã trở thành tù binh của lũ trẻ chúng tôi. Trong cái thị trấn Tam Kỳ nghèo nàn của thập niên 60 thuở đó, con ve đã là niềm vui rất lớn đối với lũ trẻ chúng tôi rồi.
Rồi bài thơ ngụ ngôn Ve Và Kiến của La Fontaine qua bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh cũng ghi sâu vào ký ức học trò:
Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Một miếng cũng chẳng còn
Ruồi bọ không một con
Vác miệng chịu khúm núm
Sang chị Kiến hàng xóm
Xin cùng chị cho vay
Dăm ba hạt qua ngày
Từ nay sang tháng hạ
Em lại xin đem trả
Trước thu, thề đất trời!
Xin đủ cả vốn lời
Tính Kiến ghét vay cậy
Thói ấy chẳng hề chi
Nắng ráo chú làm gì?
Kiến hỏi Ve như vậy
Ve rằng: Luôn đêm ngày
Tôi hát, thiệt gì bác!
Kiến rằng: Xưa chú hát
Nay thử múa coi đây.
Rồi con ve cũng bị chế giễu trong truyện ngụ ngôn của Ê-Dốp (Aesop). Vào mùa đông, trời mưa hoài, kho thực phẩm của lũ kiến bị ẩm ướt. Đến ngày nắng ráo, cả tổ kiến đang lui cui lo sấy khô kho thực phẩm thì một con ve từ đâu bay tới xin lũ kiến một ít thức ăn vì quá đói. Kiến hỏi: “Thế trong suốt cả hè qua bạn làm gì mà không lo đi tìm thức ăn để dự trữ cho mùa đông?”. Ve đáp : “Tôi bận rộn với chuyện ca hát suốt cả ngày nên không còn thời gian nữa”. Kiến cười chế nhạo: “Nếu bạn dành cả mùa hè để ca hát thì hãy dành mùa đông để nhảy múa đi”.
Tiếng hát đáng yêu của chú ve trong mùa hè đã bị câu chuyện ngụ ngôn dùng để răn đe những người không chịu lo làm ăn, tích lũy khi có điều kiện thuận lợi!
Trong truyện ngụ ngôn Trung Quốc thì hình ảnh con ve lại khác. Một con ve sầu đang uống sương, không biết có một con bọ ngựa ở phía sau đang chuẩn bị bắt nó. Nhưng con bọ ngựa lại không hay là có một con chim sẻ ở phía sau cũng đang chục mổ nó. Rồi con chim sẻ lại không biết rằng có một người thợ săn đang cầm cung chuẩn bị bắn nó. Ý nói nếu chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không tỉnh táo xét đến cái họa ẩn nấp phía sau thì dễ rơi vào tình cảnh hiểm nguy.
Trong 36 kế của Tôn Tử, có kế “Kim thiền thoát xác” (con ve sầu vàng lột xác). Con ve sầu sau khi lột xác thì chỉ còn lại cái vỏ, chứ không phải là bản thân con ve. Kế này dùng cho tình huống nguy cấp, dùng một hình tượng ngụy trang để gạt đối phương, rồi lén tẩu thoát khỏi vòng nguy hiểm.
Thơ Việt Nam ít nói đến tiếng ve như trong thi ca Trung Quốc. Người Trung Quốc xưa kia xem con ve như là biểu tượng của sự thanh cao, bởi ve đậu thì chỉ chọn cành cao, ăn thì chỉ là ăn gió uống sương, không ăn những loại thực phẩm như con người, kiểu như những người theo đạo tu tiên. Bởi vậy, tính cách của ve được dùng để biểu hiện cho phẩm hạnh cao khiết của con người. Trương Trào, trong U mộng ảnh, nói “Con ve là Di, Tề trong loài trùng.” Bá Di và Thúc Tề là hai nhân vật tượng trưng cho phẩm cách thanh cao trong lịch sử Trung Quốc thời viễn cổ.
Ngu Thế Nam (558 - 638), một nhà thơ nổi tiếng đời Đường, có bài Thiền (con ve) với hai câu : “Cư cao thanh tự viễn, Phi thị tạ thu phong”. Ý nói con ve ở trên cao nên tiếng ngâm của nó tự nhiên vang xa, chứ không phải là nương nhờ vào gió thu.
Có một bài thơ của một thi sĩ Nhật Bản làm theo thể haiku để tả tiếng ve. Tôi xin tạm dịch theo bản Anh ngữ:
Ầm ĩ,
Vang rền trên sườn đá,
Tiếng ve kêu.
Bài thơ chỉ có ba câu những cũng tạo được cho người đọc một ấn tượng về tiếng ve. Nhưng cực tả tiếng ve vang rền thì có lẽ không có gì hay bằng câu thứ hai trong bài thơ mở đầu chương 28 của cuốn Ngụy Yêm toàn truyện:
Thiên cổ hưng vong chuyển nhãn qua/ Loạn thiền ngâm phá cựu sơn hà.
(Chuyện hưng vong của ngàn năm chuyển qua trước mắt/ Những con ve kêu hỗn loạn, như phá sập cả cõi núi sông ngày cũ).
Âm thanh của tiếng ve kêu chấn động đến mức tưởng chừng như tạo ra một một cơn địa chấn. Thật ấn tượng. Đây chưa hẳn là lời thơ cường điệu, nếu ta biết rằng đã có lần gần 30 tỷ con ve bò ra khỏi lòng đất sau 17 năm ngủ yên để kiếm bạn tình, chúng cùng cất tiếng làm chấn động cả bờ Đông nước Mỹ. Sự kiện thiên nhiên hy hữu và lý thú này làm ta không khỏi nhớ đến câu “Loạn thiền ngâm phá cựu sơn hà”.
Mùa hè đang đến. Nghĩa là không thể thiếu tiếng ve. Thiếu tiếng ve thì mùa hè sẽ vô cùng tẻ nhạt. Tiếng ve ngâm dĩ nhiên không thể đến mức “Loạn thiền ngâm phá cựu sơn hà” nhưng đối với chúng ta, tiếng ve đó chắc hẳn thừa sức để khơi dậy cả một bầu trời kỷ niệm rất đỗi bình yên thời thơ ấu.
LIÊU HÂN