Góc khuất của trái tim

HOÀNG VĂN MINH 08/04/2018 10:20

Đã thành thói quen, cứ chạm chân đến thành phố quê nhà là cứ “Vườn Thiên Đàng” thẳng tiến, gọi một ly đen để được ngồi ngó nghiêng bờ sông Hương, ngó nghiêng người, ngó nghiêng mình, ngó nghiêng năm tháng, ngó nghiêng những tiếng “dạ” rồi để đó đã thành đặc sản…

Nhớ năm nào đó mới ra nghề tập viết, còn rảnh đến mức viết hẳn một bài báo để nói chuyện người Việt mình là chúa dùng sai tiếng Việt khi đã “thiên đàng” rộng lớn lại còn “vườn” bé teo. Ông chủ vườn còn rảnh hơn, tổ chức hẳn một bữa rượu dạ, cám ơn đã có lời góp ý. Nhưng rồi bao nhiêu năm, Vườn Thiên Đàng vẫn là Vườn Thiên Đàng, không hề thay đổi.

Đêm nay tìm đến, Vườn Thiên Đàng năm nào chỉ còn là một đống gạch đá đổ nát với tường che công trường, bốn bề rợn người vắng lặng. Gọi điện một hồi mới biết người ta đang tân trang để tới đây đưa bảo tàng Điềm Phùng Thị về bởi bao năm nay “nhét” bà ấy trong một góc khuất của đường Phan Bội Châu nên chưa nhiều người biết đến.

Bên phải là tượng Phan Bội Châu bán thân, cũng nghe đâu sắp quay về chốn cũ trên dốc Bến Ngự sau hơn mấy năm đưa ông ấy về đây hưởng chút gió sông và không khí sôi động của đô thành. Nghĩ sự lộn tới lộn lui khi Điềm Phùng Thị về đây, qua khỏi công viên sẽ rất gần với bảo tàng Lê Bá Đảng và cụ Phan Bội Châu quay về cũng chỉ là khoe với người ta Huế mình đang có thứ gì đó. Còn để hiểu thứ gì đó mình đang có, thì cũng là “như lá vàng rơi, tình lỡ rồi”…

Nhớ có lần khuya lắc như thế này, một mình vừa xuống xe, cũng ở chốn này, chợt phát hiện hình như từ phía ấy nước thoảng lên một mùi gì đấy không phải đâu thạch xương bồ trong truyền thuyết. Nghe như mùi của nhớ nhung, tủi hờn, ngúng nguẩy của ai đó dành cho người xa lâu lắm không chịu quay về.

“Dạ thưa chú, sắp đến giờ quán em đóng cửa…”. Con bé đồng phục đen như nữ tu thõng tay đứng bên từ lúc nào đang ngáp dài đuổi khéo khách. Bỗng dưng nghe cáu, lẩm bẩm bảo “xưng hô gì mà lộn tùng phèo em em chú chú, sao không gọi luôn là ông – em như nàng Mecghi xinh đẹp và cha xứ Ranfơ trong tiểu thuyết á”.

Con bé bé cười toáng lên, bảo “ừ thì ông. Mà ông cũng biết đọc cả Tiếng chim hót trong bụi mận gai à?”. Cười mỉm bảo “thì ông may mắn ngày xưa cũng có đi học”. Xong thầm nghĩ “em Mecghi và ông Ranfơ năm ấy cách nhau đúng 19 tuổi. Ông và em nữ tu trước mặt chắc cũng cách nhau tầm ấy”, thế là miệng cứ tủm tỉm, mấp máy như thằng ngố.

Lại nhớ năm nào đó khi còn là sinh viên Văn khoa chuyên đọc sách thư viện. Ngày ấy sách giấy đôi khi còn quý hiếm hơn vàng ngọc chứ không đổ đống cân ký như bây giờ. Đọc Tiếng chim hót trong bụi mận gai, không hiểu sao đọc xong trang em Mecghi làm tình với ông Ranfơ – trang hay nhất của cuốn sách đó, mình lại tiện tay xé đi để giữ làm của riêng.

Lâu lâu trong lòng lại dấy lên cảm giác có lỗi khi tự hỏi có bao sinh viên Văn khoa ngày đó, họ đã không đọc được trang em Mecghi và ông Ranfơ làm tình? Đôi khi là sự xấu hổ không biết giấu mặt đi đâu với thực tế rằng cuốn sách ấy của Mc Cullough dày mấy trăm trang, nhưng ai hỏi, mình chỉ nhớ như in mỗi cái trang ông và em làm tình.

À, thật ra thì mình có nhớ thêm chi tiết có người hỏi cha Ranfơ đại ý rằng tình yêu của cha chỉ được phép dành cho Chúa Trời – đấng vô hình thiêng liêng chứ sao lại còn chỗ cho cô bé nhỏ hơn mình đến 19 tuổi? Cha Ranfơ trả lời cũng đại ý rằng: Trong trái tim của cha có những góc khuất mà Chúa Trời không thể nào chạm đến…

HOÀNG VĂN MINH

HOÀNG VĂN MINH