Thương câu hò bên sông

NGUYỄN HẢI TRIỀU 17/02/2018 00:39

Tết. Ngồi nghĩ ngợi, luận đàm về những câu hát cũ lại càng kính phục trí tuệ của người xưa, lại càng thấm thía cái tình, cái bác học trong đời sống tinh thần của cha ông.

Bến sông quê. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Bến sông quê. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Trong vô vàn câu hò khoan mênh mang như nước sông quê tôi mà mỗi câu hát đều mang một huyền tích, một chuyện tình của những đôi trai gái, của những cuộc hò hẹn biển nguồn; ẩn chứa biết bao tình cảm thắm đượm thủy chung; đọc lại mới thấy ý vị làm sao!

Cái nơm khô

Là người Quảng Nam, ai ít nhiều cũng từng một lần nghe các mẹ, các chị thường hay hát ru câu: “Gió nam thổi xuống lò vôi/ Ai đem tin cho bạn ta có đôi bạn buồn/ Dời chưn bước xuống ghe buôn/ Sóng bao nhiêu dợn dạ chàng buồn bấy nhiêu/ Cánh buồm gió thổi hiu hiu/ Nước mắt ra chàng chặm bốn múi dây lưng điều không khô…”.

Nghe câu hát trên, ta có thể hình dung ra một chuyện tình khá ư là thắm thiết và thương cho chàng trai. Đôi nam nữ ấy trước đây đã từng yêu nhau, từng thề non hẹn biển. Có những ngày đằm thắm bên nhau với biết bao lời hứa hẹn “Anh về cuốc đất trồng cau/ Cho em trồng ké dây trầu một bên”; đã từng “Bạn ơi sao vội dứt dây dưa/ Một ngày cũng nghĩa lát trưa cũng tình/ Chim bay về núi Tứ Linh/ Ai biểu xa cũng mượt hai đứa mình đừng xa…”. Rồi vì công việc bán buôn, chàng trai phải ra đi một thời gian, hôm nay lần về bến cũ. Cảnh cũ còn đó mà người xưa đâu thấy? Chỉ ngọn gió nam nóng nồng thổi ngược về phía lò vôi làng Khánh Vân nơi anh ta từng hò hẹn với người yêu. Hỏi ra mới biết ai đó đã đưa tin mình có bạn nên nàng buồn lòng bỏ đi biệt xứ!... Cả một đoạn hát biểu đạt bằng ngôn ngữ dân dã nhưng óng mượt như tơ vàng con tằm vừa nhả; da diết, thống thiết trong sự đau khổ, nuối tiếc, đi ở không đành lòng, cả dây thắt lưng điều bốn múi đều ướt đầm nước mắt… “Dời chưn bước xuống ghe buôn/ Sóng bao nhiêu dợn dạ chàng buồn bấy nhiêu/ Cánh buồm gió thổi hiu hiu/ Nước mắt ra chàng chặm bốn múi dây lưng điều không khô…”. Nhưng ta tiếp tục nghe đoạn sau: “Nghĩ sự tình thảm biết chừng mô/ Con cá lui về biển bỏ chiếc nơm khô lại một mình…” thì ngữ cảnh lại thay đổi hoàn toàn. Xưa nay, người ta ví von người mình yêu thường bằng những hình ảnh đẹp đẽ, thi vị: “Thân em như tấm lụa đào…”, “thân em như hạt mưa sa…”, em phải là tay ngà, gót ngọc chứ? Ở quê tôi, nơm là một nông cụ đan bằng tre, hình thù không mấy đẹp đẽ cho lắm. Người ta dùng nơm để bắt cá bộng, bắt cá trong mùa lụt trên đồng. Xong mùa đem treo đầu giàn bếp, lấm lem bồ hóng, củi than, lọ nghẹ... Chưa nói đến nơm là loại nông cụ chỉ để bắt cá trên đồng, cá đã thênh thang ra sông về biển thì cả trăm cái nơm cũng đành chịu! Đem ví hình ảnh người mình yêu như chiếc nơm khô quả là quá đáng và khó hiểu? Thiết nghĩ, đây có phải là một câu hát “xạo” chăng?

Trái dưa trên giàn

Một câu hò khoan khác người ta hay hát cũng không kém phần ví von, ngọt xớt như mía mưng, dìu dặt như gió chiều: “Hai tay em cầm bốn trái dưa/ Trái ăn trái để trái đưa cho chàng…”. Mới nghe, ta hiểu câu hát biểu lộ tình cảm, sự sẻ chia của người con gái với người mình yêu bằng tình cảm như thật. Nàng chỉ với hai bàn tay thôi mà cầm đến những bốn trái dưa, một trái ăn, một trái để dành, còn một trái chia cho người mình thương… cộng lại là ba trái. Vậy còn trái nữa cô để đâu, không lẽ khi hát kiến tại, cô bí từ nên chưa kịp vận dụng ngôn ngữ để lý giải? Còn hai câu sau: “…Còn một trái thiếp để trên giàn/ Lâu lâu lấy xuống cho đỡ nhớ chàng, chàng ơi!”. Mới nghe qua thì quả là lâm ly bi đát thật. Ta có thể hiểu, chuyện yêu đương của họ chắc có lắm điều trắc trở. Nhưng dù cách mặt vẫn không cách lòng. Nếu vắng chàng thiếp lấy trái dưa xuống ngó cho đỡ nhớ! Nhưng rồi ngẫm lại mới nhận ra sự “đáo để” của người hát, quả là tài! Dưa, vừa là tên của một loại nông sản gần gũi với đời sống của người nông dân: Dưa gang, dưa hấu… Dưa cũng là loại thực phẩm bình dị được chế biến từ nông sản luôn có mặt trong mỗi bữa cơm: Dưa muối, dưa môn, dưa chua, dưa cà, dưa bắp… Quê tôi có câu cửa miệng: “Vọc bủn như dưa” để nói về một sự vật nào đó tồn tại không bền vững, dễ tan nát. Trong câu hát trên nếu lấy dưa làm thứ kỷ vật để lâu lâu nhớ đem ra nhìn thì quả là chuyện đùa cợt “trái khoáy”, không thể tin được! Câu hát trên là câu hát “xạo” đùa chút cho vui của cô gái mà thôi. Ngẫm lại, quả thật tài tình…

 Đà trăm năm rồi sông quê tôi vẫn chảy. Những câu hát hò khoan còn âm âm trong ngóc ngách tâm hồn của người dân quê tôi như mạch nguồn bất tận làm nên tình yêu quê kiểng. Lâu lâu về thăm quê, chợt đâu đó thoảng trong gió chiều, giọng ru con văng vẳng bên xóm:

À ơi! Một mai trống lủng khó hàn

Dây dùn khó dứt người ngoan khó tìm…

Nghe mà đã ruột!

NGUYỄN HẢI TRIỀU

NGUYỄN HẢI TRIỀU