Một góc nhớ mênh mông
Trời cứ rét dài, đến độ thèm quá một chút nắng “non” của tiết xuân trong những ngày cuối tháng Chạp. Những tất bật càng nhiều hơn, khi cuộc mưu sinh còn chộn rộn mà lòng thì đã quay quắt nghĩ về quê nhà. Như những cánh chim mải vui mà bay xa, tết, là lúc để họ trở về.
Nụ cười trên vườn hoa tết. |
1. Tôi bỗng nhớ chuyện của Võ Nguyễn Đức Phước - Giảng viên trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Vào hăm chín tháng Chạp năm ngoái, Phước nằm một mình trong căn phòng vỏn vẹn 8 mét vuông, không cửa sổ ở thành phố Melbourne, Australia. Qua facetime (một ứng dụng gọi thoại), Phước gọi về cho gia đình ở xã Cẩm Kim (TP.Hội An), nơi bố mẹ, em trai, và vợ con anh đang tất bật đón giao thừa. Ở Úc lúc đó là 12 giờ đêm, sớm hơn 4 tiếng so với giờ Việt Nam. Anh nói, khoảnh khắc đó, anh thèm kinh khủng cảm giác ngồi trên sân thượng coi pháo hoa, là những buổi bắn pháo hoa tầm thấp đợt giao thừa mà TP.Hội An thường tổ chức. Năm đó, anh sang Úc, theo học thạc sĩ bằng một học bổng toàn phần của Chính phủ. Cái tết xa nhà đầu tiên của Phước.
Phước kể với tôi về cảm giác chòng chành của mình, khi lần đầu tiên ăn tết xa nhà, mà khoảng cách lại là một đại dương và quãng đường hàng nghìn cây số. Thèm cảm giác sum họp của gia đình, thèm bánh tét, dưa món, những món ăn rất đỗi bình dân của người Quảng. Và “thèm” quê. Không khí ấm nồng vị tết ở Cẩm Kim, vùng quê yên bình bên kia dòng sông Thu của Phước như định vị nỗi nhớ, để cảm xúc cứ lần tìm theo mà quay quắt. Tôi mở tấm ảnh anh gửi xem, một đòn bánh tét ngắn ngủn, một hũ dưa món nhỏ, chút nem chua, và nửa chai rượu vang. Đó là món quà quê của một phụ nữ Việt gốc Bắc, đã ở Melbourne hơn 20 năm, mang tặng Phước. Nhiều du học sinh như anh cũng nhận được quà, từ người đàn bà ấy. Cái bánh tét ấy, anh để dành đến tận mùng hai tết, để một mình tận hưởng chút tết, trong nỗi rưng rức nhớ quê Quảng.
Và giờ thì tôi ngồi nói chuyện với anh, khi tết đã gần đến ngõ. Tranh thủ thời gian nghỉ hè, anh về Việt Nam ăn tết, trước khi sang lại Úc để bảo vệ luận văn. Phước nói, điều để anh nghĩ về tết, là gia đình. Tết đoàn viên. Người Việt mới qua, hay người ở lâu, hễ nhắc tới tết, đều hào hứng kể cho nhau đủ chuyện. “Pháo hoa bên đó hoành tráng lắm, nhưng chen giữa dòng người mừng năm mới của họ, vẫn không thấy cái cảm giác thiêng liêng như thời khắc đón giao thừa leo lên sân thượng nhìn về phía phố cổ để xem pháo hoa. Giao thừa, năm nào gia đình mình cũng nhóm bếp, vẫn giữ tục đó lâu lắm rồi. Ở bên đó, chỉ có được ngày mùng hai tết trùng ngày nghỉ, mấy anh em cùng sang Úc theo diện học bổng Chính phủ ở gần một chỗ, thăm chúc tết nhau, rồi chia nhau chút bánh tét, nem chua để cho có không khí tết. Bây giờ về đến nhà, sắp ăn tết quê rồi, mà kể lại vẫn nhớ cảm giác buồn năm ngoái. May mắn là có một phiên chợ tết của người Việt, mình đạp xe tới, rồi lang thang trong chợ, hỏi thăm, chúc tết với nhau cho đỡ nhớ nhà” - Phước kể. Thèm quá cái cảm giác tết quê, anh quyết định trở về, dù phải mất một khoản tiền lớn để mua vé máy bay khứ hồi.
2. Tết Quảng. Lời gọi từ quê, đến với những đứa con đã “bay” muôn phương theo dặm dài cuộc đi, như Phước. Vào Nam, ra Bắc, vượt đại dương ra nước ngoài, tết trở thành thời khắc lạ kỳ để rưng rức nhớ quê. Bạn tôi, nhiều đứa ở làng, cuối năm nằm ngồi chen chúc trong những chuyến xe đường dài ngạt thở, chỉ để kịp về nhà ba ngày tết, gói gém chút bánh trái lên đường, rồi lại chen chúc nằm ngồi vạ vật. Quê nào cũng thế. Xuân nào cũng thế. Người Quảng hòa cùng đoàn người dằng dặc thiên di vì miếng cơm manh áo, nhưng quê kiểng thì vẫn luôn nằm đâu đó trong trái tim, một miền nhớ lạ lùng không bao giờ tắt. Họ đi tìm một giấc mơ riêng mình. Hành trình ấy không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Tết, là lúc gác lại những dông bão, để tìm về dưới chốn bình yên của riêng họ, một nơi neo trú luôn bao dung và vững chãi, là quê.
Những ngày cận tết, trong mỗi cuộc tất niên, lại nghe một lời chào tạm biệt của bạn bè, lên đường về quê ăn tết. Tự dưng thấy mình may mắn, vì còn được bảo bọc, chở che bởi quê nhà, hay giản đơn hơn, là bớt được hành trình “khổ nạn” theo các chuyến xe đường dài về quê như bạn. Quê nhà gần hơn, chỉ nửa ngày chạy xe máy. Vậy mà cứ đi mê mải suốt một năm dài, để mỗi lần về, gió sương lại hiện hữu rõ hơn trên mặt mẹ cha. Muốn níu, mà đâu có được. Mấy ngày tết, những vồn vã sum họp ngắn lắm so với cả một năm dài mưu sinh, thành ra, qua trong chớp mắt. Lại theo dòng người, từ làng ra đi. Năm ngoái, tiễn bạn ra Bắc, má tôi dúi theo hai đòn bánh tét. Nó cười trừ, chỉ balo, bảo đến quần áo mang theo còn lười, má còn bỏ vô chi cho nặng. Bà vẫn mở balo, nhét vội cho nó kịp đi. Cả năm, chỉ thấy mặt nó được vài ba ngày tết, già hơn với tuổi. Mà nhắc, nó cười, chỉ ba mẹ mình, nói ông bà còn mau già hơn tau đó, mi coi đó mà liệu hồn. Tự dưng giật mình!
3. Nhưng, có nhiều người không thể trở về.
Nỗi buồn của họ, đủ để tha thứ cho mọi lý do. Tết, ai chẳng muốn đoàn viên. Quê, là ba mẹ, họ hàng, là những người dưng đã ẵm bồng mình từ lúc còn bé xíu, là quãng tuổi thơ đã may mắn có vô số bạn quê đồng hành. Ai chẳng muốn về. Ở lại, có lẽ là một lựa chọn mệt nhoài của họ. Một đứa em ở Hội An, giờ sống ở tỉnh Aichi, Nagoya của Nhật nhắn, năm thứ năm phải ăn tết xa nhà. Nó bảo, em không buồn lắm, vì tết này em gái sang thăm, được “hưởng ké” quà quê. Tôi không hỏi thêm nhiều, vì biết, em có thể quen với nỗi buồn xa nhà ngày tết hơn là không cảm thấy buồn. Bên kia không có tết. Đúng hơn, là không có ngày Tết Âm lịch như người Việt. Em vẫn phải đi làm, vẫn phải bươn chải với đủ áp lực. Cuộc gọi về lúc nửa đêm, chỉ kịp vui vài khoảnh khắc ngắn ngủi với gia đình, rồi lại đắp bồi thêm nỗi nhớ vốn đã mênh mông lắm từ ngày xa quê. Vài lời chúc, vài câu động viên, hỏi thăm từ người thân, bạn bè cho nguôi ngoai những nhớ thương của đứa con xa xứ. Em không về, nhưng tết vẫn sống trong em, bằng những cuộc gọi ngắn ngủi ấy, và bằng ký ức…
Tết cận kề. Trên đường phố, hoa tươi chật kín vỉa hè. Chợ đông hơn bởi dòng người ùn ùn mua sắm tết. Nhiều người nói, tết giờ không vui bằng tết xưa. Cuộc sống đủ đầy, thành ra, tết không còn là nỗi thèm khát bánh trái, quần áo mới của tụi nhỏ, cũng không còn những chắt chiu khốn khó dành lại sau một năm dài. Ừ thì, những đủ đầy có thể làm người ta không còn thèm thuồng những thứ của tết xưa, nhưng chắc chắn, vẫn là thời khắc mong đợi của rất nhiều người. Tết, là đoàn viên. Và quê nhà, vẫn luôn là “một góc nhớ mênh mông” đón đợi.
Những ai luôn có một con đường để trở về quê ngày tết, đã là người may mắn…
THÀNH CÔNG