Hương quê
Khi mùa xuân về, cà chua chín mọng màu đỏ tươi, đung đưa dưới cái giàn cao chừng một mét rưỡi trong những khu vườn. Lũ trẻ con quanh xóm chúng tôi lấm lét thèm thuồng, khi đi học ngang qua… Nhưng ấn tượng nhất vẫn là vườn cải mọc lên tươi tốt, xanh ngắt. Người trồng nhổ mang đến chợ Hội An bán. Cây cải là thức ăn chính: cải ăn sống, cải luộc, dưa cải, canh cải, dưa cải kho thịt, kho cá… trong mỗi gia đình, không những trong mùa cải, người ta còn muối trong chum, trong vại, thành món dưa cải để ăn và bán trong những mùa sau. Nhất là, khi ngày đông tháng lạnh, mưa gió, bão lụt tràn về. Với những vạt cải để lại lấy giống cho mùa sau, khi đã lên ngồng trổ hoa, sẽ cho ta một màu vàng mênh mang vời vợi. Dưới cái nắng rạng rỡ sáng tươi mà dịu dàng mùa xuân, sau mùa đông u ám và lạnh lẽo, từng đàn ong lấy mật, đàn bướm đủ màu sắc lượn lờ, tạo nên bức tranh quê êm đềm, mộc mạc, khiến lòng người xao xuyến bâng khuâng…
Chiều làng quê nắng hanh vàng, những cánh gió xuân hây hẩy gọi mời, thổi vào từ bến sông Thu Bồn. Mảnh đất đầy sương gió, dãi dầu mưa nắng, bão lụt. Tôi chạnh lòng… Đã bao lâu rồi không nhìn thấy màu hoa cải vàng rộm trải dài tràn ra tận bến sông quê, tôi cũng không nhớ rõ. Dù đã lâu lắm rồi xa quê, cái màu tóc đen nhánh ngày xưa đã nhuộm màu sương khói... Nhưng khi mắt nhìn về phía khoảng trời mênh mang vàng hoa cải lòng lại bồi hồi. Ngoài kia, bông cải đã trổ vàng rộm cả một góc trời, điểm xuyết những luống hoa thì là trắng. Gió thoang thoảng đưa cái mùi hương hăng hắc, nồng nàn, ngập ngừng, quấn quýt bước chân ai. Hít một hơi thật sâu mùi hương quê nhà bình dị và thở nhẹ nhàng, sảng khoái: Tôi đã về Cẩm Nam!
Ngày xưa, từ làng quê thanh bình này đã nuôi thế hệ chúng tôi lớn lên giữa cánh đồng hoa cải rạng rỡ, bao người con gái Cẩm Nam có vẻ đẹp mặn mà được hương đồng gió nội tắm gội và mùi bồ kết vườn thoang thoảng hương quê. Các cô có suối tóc dài, đen nhánh, mượt mà, là niềm ao ước mang tên “con gái”. Với đôi môi mọng đỏ, đôi má hây hây, bước vào tuổi tròn trăng. Và các cô thôn nữ - nữ sinh Cẩm Nam, trong tà áo dài trắng trinh nguyên được nhận bao ánh mắt đắm đuối đến cuồng si của những chàng trai. Khi ngồi trên chiếc đò ngang sang sông. Tròng trành. Sóng và gió. Tóc và những cánh áo dài như đám mây bềnh bồng phất phơ bay, chưa kịp sà xuống dòng Thu Bồn đã tung ngược lên không gian mênh mang sương khói sớm mai. Cứ như là bức tranh đầy mê hoặc! Các cô sang sông, bước vào cổ tích phố! Bởi Hội An, thời gian không còn đủ quyền năng để nhào nặn thành những nhăn nheo hư cũ như đời người mà chỉ làm sóng sánh cho lớp rêu dày cộm hơn và xanh hơn, dẫu nơi đó, nhiều thế kỷ đã ngưng tụ, đặc quánh, trong từng ngôi nhà, từng góc phố, từng con đường, từng con hẻm. Và thật tuyệt vời, trong từng con người cổ phố.
Khi con người đã qua bên kia dốc cuộc đời, có lúc ngoái đầu nhìn lại, cái lưu dấu là những kỷ niệm ấu thơ nơi quê kiểng còn ôm ấp, cất giữ khư khư, chôn chặt trong lòng, cứ như là bảo vật, chẳng cần phải bùng cháy, để rồi, cứ âm thầm và âm ỉ cháy. Chỉ còn lại một nỗi nhớ quay quắt, chỉ chờ một cú hích nhè nhẹ là bùng lên. Không kìm nén được nữa, tìm về… Dẫu nuối tiếc yêu thương và nỗi nhớ có lúc tan trong quên lãng vì thời gian, vì sự khắc nghiệt mang tên “cuộc đời”. Ngày mai không chỉ những nỗi buồn, như câu chuyện về cây chuối ở vườn quê nhà, hy sinh thầm lặng cho đời. Cây chuối mang một buồng quả chín, lá héo rũ xác xơ, thân oằn xuống như sắp gãy, mà có lúc, nếu không có con người dùng cây chống đỡ, nó cũng gãy đổ sớm, vì phải mang trên mình một buồng trĩu quả. Khi buồng chuối chín hoàn toàn, cây chuối mẹ sẽ gục hẳn xuống. Dẫu hoài niệm rơi trong nỗi buồn hay trong khắc khoải lỡ làng, thì cây chuối mẹ đã dành những phần tinh túy nhất, dồn cho những quả chuối được chín, để dâng tặng cuộc đời vị ngon ngọt mùi thơm! Đó là hình ảnh đẹp về sự hy sinh của người mẹ tảo tần một nắng hai sương... Và không dừng lại, dưới gốc cây chuối mẹ sắp chết đi, ta nhìn thấy chồi non. Dẫu mạnh mẽ như một mũi tên, như một mụt măng non bắt đầu nhú mầm từ lòng đất, cây mẹ vẫn ấp ủ, bao bọc và chở che suốt trong hành trình lớn lên. Càng lớn, thân mẹ phải căng mình, dồn sức, dẫu sức mẹ bây chừ cũng đã cùng kiệt, rạn nứt, nhói đau… Cây mẹ vắt kiệt mình rồi héo úa, tàn lụi chính nơi mình sinh ra. Bấy giờ, những mầm cây đang ngồn ngộn sức vươn lên. Một cuộc sống mới, một sự hy sinh mới lại bắt đầu…
Tôi chợt hiểu và tự trả lời cho câu hỏi lòng tôi, ta có thể xa quê hương tuổi thơ, nhưng quê hương tuổi thơ đã bám rễ trong lòng ta, đố ai mà dứt ra được? Cuộc đời con người như con nước cuốn trôi dạt về phương nào thì cũng đừng để những ký ức đau buồn, tiếc nuối, những yêu thương xa khuất tầm tay, tan biến trong con sóng buốt giá cô đơn giữa muôn trùng quên lãng…
Quê nhà ơi! Nơi ta khát khao tìm về khi xa xứ. Nhớ, cứ mỗi mờ sáng tinh mơ, tôi vùng dậy, bước ra ngoài vườn, bên sau nhà, những bụi chuối, chìm trong tán lá xanh rờn, lao xao những đợt sóng nhẹ, những giọt nước đọng lại qua đêm, lung linh tinh cầu những hồng, xanh, tím biếc… khi ánh mặt trời còn ở phía đằng đông. Dòng sông Thu Bồn phía trước, mùa thu cứ lặng thầm một cách dễ thương, bỗng khua động, vang lên những tiếng gõ chiếc ghe lưới bắn đánh cá trên sông và những con đường quê, nhỏ và ngoằn ngoèo dẫn dụ tôi về làng quê cổ tích… Bất chợt, tự hỏi, có bao nhiêu người khi xa quê đã đi qua hết một bụi chuối, một vườn chuối quê mùa mộc mạc phía sau vườn nhà mình. Đất mẹ đã sinh ra những mạch nguồn chứa chan từ cội rễ để không ngừng tuôn chảy muôn phương...
Tôi lại đi về phía sân trước, để ngắm cái màu vàng rạng rỡ ấy, bỗng thấy đời thêm mến yêu! Không hiểu vì sao, tôi mê mẩn cái màu vàng hoa cải. Cái màu vàng ma mị, ẩn chứa bao ước mơ thầm kín cô gái tròn trăng, lần đầu tiên biết e lệ trước ánh mắt da diết dịu dàng. Cứ chân trần chạy ùa ra, hòa mình vào những luống vàng hoa miên man, dịu vợi… Nâng niu trên tay những cánh hoa mềm, rồi bỗng ngẫu hứng bứt lấy, hất tung lên trời ngắm nhìn và ngửa cổ hít sâu vào trong lồng ngực hương vị tinh khiết sớm mai se lạnh, hít thật sâu cái mùi nồng nàn hương hoa cải. Mùi quê nhà trăm mến ngàn thương…
HUỲNH VIẾT TƯ