Tiếng vọng quê xưa

LIÊU HÂN 16/12/2017 10:54

Nhà thơ Bùi Giáng có hai câu thơ rất hay, khi nhớ về quê hương: “Chiều hôm đếm lá cây rơi/ Bên đèn phố thị thương đồi núi xa”.

Tâm tình của một người con xứ quê phiêu bạt về thành phố, ngồi nhìn những chiếc cây ven đường phố thị rơi trong ánh đèn rực rỡ mà thương nhớ cố hương. Nghe sao ngậm ngùi và buồn man mác. Thành phố với cảnh huyên náo ngựa xe, dòng người nhộn nhịp, đối với những người dân quê, vẫn luôn mang dáng vẻ hấp dẫn của chốn phồn hoa. Như một cô gái lộng lẫy kiêu kỳ đang đưa tay vẫy gọi những chàng trai chân đất. Đồng lúa xanh, dòng sông tuổi thơ không sao níu giữ được bàn chân của những đứa con khát khao đời sống mới ở bên ngoài lũy tre làng. Biết bao người chân quê lớn lên rồi phải lìa bỏ quê hương, bỏ con đường nhỏ, bỏ lũy tre xanh để đi tìm tương lai nơi thành phố, để lại sau lưng bao nhiêu là kỷ niệm.

Cuộc đời vẫn trôi đi như thế. Biết sao! Nhưng những ai không trải qua thời tuổi thơ nơi thôn dã, với tôi, hình như là đã chịu một ít thiệt thòi trong đời. Ánh sáng nơi đô thành phồn hoa lộng lẫy lắm, ngựa xe xô bồ nhộn nhịp đấy, nhưng sao chúng vẫn mang chút gì đó lạnh lùng, có lẽ vì chúng không mang hơi thở nồng ấm của thiên nhiên. Như nơi thôn dã.

Mùi khói rơm trong làn gió hiu hiu nơi đồng nội, hương thơm ngạt ngào của những đồng lúa chín, tiếng sấm rền giữa những tia chớp lóe sáng trên bầu trời đông u ám, tiếng mưa rơi trên những tàu chuối sau vườn, tiếng bụi tre kẽo kẹt bên bờ ao trong cơn gió trưa hè. Tóc khét nắng hôi trâu khi cùng nhau đùa giỡn trên những cánh đồng trơ chân rạ, chân trần lấm bùn khi cùng nhau bì bõm trên bờ ruộng để tìm bắt cá lia thia, cánh mũi phập phồng khi dò tìm mùi hương của một nụ hoa dủ dẻ ẩn mình trong những đám bụi gai trên cồn đất. Những kỷ niệm đó dường như không bao giờ chết hẳn trong tâm hồn những người con xa xứ. Nó ẩn giấu trong lòng, để rồi sống lại trong những phút giây họ sống tĩnh lặng một mình, xa lánh không khí náo nhiệt của cuộc sống xô bồ. Hay những lúc ngọn roi đời khắc nghiệt quất mạnh xuống, để lại những dấu hằn trên lưng vì nợ áo cơm chốn quê người.

Những lúc đó, hình ảnh quê hương sẽ trở nên vô cùng mênh mông, man mác. Nó hiện ra qua hình ảnh bụi chuối sau hè, qua tiếng ếch kêu râm ran bên bờ ruộng. Tiếng mưa rơi trên tàu lá chuối ngày xưa nghe sao mà mênh mông thế. Tiếng gió chiều trên đồng lúa chín có xua tan đi được những cơn gió đầy bụi bặm chốn thành đô? Mùa xuân đang tới, có ai để cùng nghe tiếng chim ríu ríu trên những lũy tre xanh, trên những hàng cây ven con đường đất? Tiếng chim ríu rít về làm tổ trên những đọt cây sau nhà. Những con chào mào ở vùng đất Tây Giang luôn là đối tượng săn lùng của những tay đam mê chơi chim ở Sài Gòn. Hóa ra thanh âm mộc mạc từ chốn bản làng cao ngất ở miền Trung kia đã trỗi lên như một giai điệu vô cùng quyến rũ giữa rừng âm thanh chốn phồn hoa, để mang về cho con người nơi đây một chút âm hưởng núi rừng. Thay cho tiếng suối róc rách, tiếng gió rì rào.

Rồi những ngày mưa dầm, mưa dai dẳng, có khi kéo dài suốt tháng. Chốn quê vào những đêm mưa lại càng buồn. Tiếng mưa rơi trên tàu chuối cùng tiếng côn trùng rả rích hằng đêm sao nghe buồn thế. Như một điệu nhạc sầu riêng biệt chốn quê xưa, khiến không gian như trở nên bao la hơn và lòng người thêm man mác. Tiếng dế rả rích ban đêm nghe như một điệu ru đều đều, đưa chúng tôi vào những giấc mơ hồn nhiên của thời theo ấu. Rồi tiếng gió hú trong những ngày mưa bão, tiếng sấm rền trong những ngày đông u ám. Tất cả những âm thanh đó đã hòa quyện trong tâm hồn chúng tôi để dệt nên một tấm vải nền cho những đường chỉ thêu thùa nơi phố thị...

LIÊU HÂN

LIÊU HÂN