Sửa mình ở chốn đông người
Hồi cuối tháng 6.2017, Hạ viện Philippines đã thông qua dự luật khá đặc biệt: buộc người dân phải “thể hiện nhiệt huyết” khi hát quốc ca. Ai có hành động thiếu nghiêm túc khi quốc ca được cử lên tại nơi công cộng sẽ bị phạt 50.000 - 100.000 peso (khoảng 1.000 - 2.000USD). Tái phạm sẽ bị phạt tiền và ngồi tù, ngoài ra còn bị bêu tên lên mặt báo.
Một số người trẻ vẫn có thói quen xả rác nơi công cộng. (Ảnh minh họa). |
Đến cuối tháng 11 vừa qua, vẫn tin tức từ Philippines, vẫn chủ đề hát quốc ca gây chú ý khi có người đầu tiên đối diện án phạt. Báo chí đưa tin Bayle Einstein Gonzales, 20 tuổi, ở thành phố Angeles (Philippines) có “hành vi sai phạm trong lúc quốc ca nước này vang lên tại một rạp phim”. Kênh ABS - CBN News cho biết trong lúc mọi khán giả đều đứng lên, Bayle Einstein Gonzales vẫn… ngồi lỳ, dù bị nhắc nhở 2 lần. Hành vi của chàng thanh niên được cho là đã vi phạm các quy tắc ứng xử, bởi Philippines yêu cầu mọi công dân đứng thẳng và mặt hướng về quốc kỳ khi quốc ca được cử hành nơi công cộng. Với hành vi này, Bayle Einstein Gonzales đối mặt với án tù giam 1 năm, hoặc nộp phạt 5.000 - 20.000 peso.
Đó là chuyện xứ người. Còn ở ta, một số hành vi tương tự vẫn đang nằm ở mức độ “khuyến cáo”. Tôi từng chứng kiến tại sân vận động Tam Kỳ mùa giải trước, khi ban tổ chức mời khán giả ở tất cả khán đài đứng lên làm lễ chào cờ thì ngay dãy ghế phía trước mặt trên khán đài A vẫn có khán giả trung niên điềm nhiên ngồi, mũ nón sùm sụp, nói chuyện oang oang.
Điều gì đã khiến vị khán giả trung niên kia trở nên “lập dị” trước cộng đồng? Một sự vô tâm đáng thương, hay thiếu ý thức một cách đáng trách?
...
Nhưng không có câu chuyện nào vừa đáng thương lẫn đáng trách như vụ “chuyển” rác đi nơi khác bằng đường tàu hỏa. Chuyện xảy ra ở Hương Khê, Hà Tĩnh hồi tháng 11, được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội qua clip dài hơn 2 phút với dòng trạng thái ngắn: Rác Hương Khê đi Sài Gòn. Báo mạng vào cuộc sau đó đã gọi tình huống này bằng “khái niệm” lạ: “ship” rác.
Chuyện rằng, một số người dân địa phương lợi dụng lúc tàu hỏa đang dừng ở ga Hương Phố đã vác từng túi rác đến treo lên thành tàu, mượn sức tàu để “đưa” rác đi nơi khác. Nói là đáng thương, bởi khu vực này ứ đọng rác từ đầu tháng 6 do không còn chỗ để xử lý, và “sáng kiến” chuyển rác đi nơi khác là chuyện chẳng đặng đừng. Nhưng phần đáng trách nhiều hơn. Đồ xú uế nơi này lại tìm cách lén lút tống khứ đi nơi khác, não trạng kiểu đó chỉ có thể phù hợp với những kẻ quen thói lợi mình hại người. Từ “ship” vẫn thường dành cho lĩnh vực giao nhận, vận chuyển hàng, giờ được ghép thành “ship rác”, thật không có gì chua chát hơn. Ngay chính cộng đồng người dân Hương Khê cũng phê phán thói khôn vặt này, còn cơ quan chức năng của địa phương cũng vào cuộc tìm hiểu.
Tại sao không để cả hai nơi, đi và đến, đều thơm tho? Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Bàn tay người tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”. Lẽ dĩ nhiên, những bàn tay xách vội bao rác treo lên thành tàu sẽ không bao giờ “gột rửa” cho hết mùi xú uế.
...
Người xưa từng soạn ra nhiều lời răn dành cho con cháu trong gia đình hay cho cả cộng đồng, tưởng không cần nói thêm. Riêng ở Quảng Nam, chuyện sửa mình khá thú vị có thể bắt gặp ở những tư liệu cũ của dòng họ hay hội quán. Trong bản hương ước Việt lần đầu được tìm thấy tại Hội An - bản “Hương ước thập điều” do tú tài Nguyễn Tường Tiếp soạn hồi cuối thế kỷ 19, các điều ước nêu ra đều hướng đến việc củng cố giềng mối chung. Riêng điều thứ 8 nhắc kỹ đến vấn đề “mất thể diện” của chức sắc lý dịch. Bản hương ước quý giá này lưu giữ ở nhà thờ tộc Nguyễn Tường.
Ở hội quán Ngũ Bang (đường Trần Phú), 10 điều nghị được khắc trên tường đã trở thành kim chỉ nam cho thương nhân, thuyền trưởng. Người Hoa xa xứ muốn cộng đồng của họ “dọn mình” trước khi ra giao lưu với xã hội bên ngoài.
...
Người đàn ông trung niên ngồi bệt dưới đất khi người ở các khán đài sân vận động đều đứng dậy làm lễ chào cờ liệu sẽ “dạy dỗ” con cái mình những gì về quê hương đất nước? Hãy so sánh hành vi cuỗm bia trong vụ tai nạn xe chở hàng ở xứ ta với cảnh trật tự xếp hàng trong yên lặng sau thảm họa thiên tai ở xứ người, để thấy có một sự khác biệt không nhỏ và bắt nguồn từ ý thức công dân.
Bên trong gia đình là nơi rèn tính cách đầu tiên cho mỗi thành viên, chốn công cộng sẽ là chỗ để thực hành sinh động nhất. Nếu chốn riêng tư con người ta tự do nhất, thì công cộng sẽ là chỗ tốt nhất để hoàn thiện mình. Đừng tự biến mình thành hình mẫu “lập dị”.
HỨA XUYÊN HUỲNH