Giữa mênh mông nước...

PHI KHANH 14/11/2017 15:02

(QNO) - Mưa bão về, tôi thẩn thờ, lo lắng cho người thân đang sinh sống ở quê. Thấy vậy, con gái ngây thơ hỏi: “Ở ngoải (ngoài ấy - NV) sống rủi ro, sao người ta không dọn vào Nam cho an toàn hả mẹ?”. Thú thật, tôi chỉ biết trả lời là, người ta sống đời ở đó, đâu có dễ dọn đi nơi khác.

Rồi con hỏi: “Sao ở ngoải, năm nào cũng lụt?”. Tôi trả lời đại khái là, các tỉnh miền Trung nằm ven biển, lụt lội là chuyện bình thường. “Sao nhà ngoại lại ngập nặng hơn các nơi khác?”. “Vì nhà ngoại là nơi rốn rũ, cạnh hai nhánh sông Thu Bồn và Vu Gia…”. Mấy hôm nay, nhìn cảnh nước lụt ngập mái nhà, mọi vật dụng của người dân bị ngâm trong nước, người người ngồi trên nóc nhà chờ cầu cứu, cảnh hoa màu mất trắng, nguy cơ thiếu ăn, bệnh tật…, con gái tôi buông một câu: “May mà mình sống ở Sài Gòn!”.

Rồi thấy cảnh có người ngồi trên nóc nhà mà vẫn nhoẻn miệng cười, con lại bảo: “Khổ trăm bề, sao người ta có thể cười tươi rói vậy!”. Ôi cái con nhỏ… nhiều chuyện. Tôi nói với con, cười rồi khóc, là những trạng thái hết sức bình thường của người dân vùng lũ. Khóc vì phải sống cảnh màn trời chiếu đất, vì mất mát, hư hao tài sản, hoa màu, thậm chí mất cả người thân. Cười vì nghĩ rằng, họ là người dân vùng lũ, từng có thâm niên trong phòng chống, cười vì hiểu tận cùng những khắc nghiệt của thiên nhiên, hiểu tận cùng sự chịu đựng của con người, của thiếu thốn, vất vả, nhưng họ vẫn cố gắng vượt qua.

Thử hỏi, nếu bi quan, khổ sở, liệu có đủ sức để chống chọi với thiên tai? Hay nếu không cười, không lạc quan, làm sao đủ mạnh mẽ để bám đất, bám làng? Và cười vì tin rằng “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”… Đúng là bão lũ có cướp đi nhiều thứ, nhưng chẳng thể cướp đi ý chí con người, mà còn rèn giũa con người biết vượt khó, biết nâng niu thành quả, biết phấn đấu học hành. Người ta cười vì yên tâm bão lũ về bồi đắp phù sa, tiêu diệt chuột bọ, như là cách… đền bù thiệt hại.

Đối với những ai chưa từng sống chung với lũ, thấy cảnh người dân miền Trung chống chọi lũ lụt những ngay qua, đều cám cảnh. Nhưng có thể nói, người miền Trung đã quá quen với câu chuyện chống bão lụt. Kinh nghiệm đối phó đã có từ thời cha ông. Từ chút dầu lửa, cái tim đèn, cái đèn pin, tới hũ gạo hũ dưa, rồi nước sinh hoạt cũng phải dự trữ; hay các loại thuốc đau bụng, đau đầu, bông băng… nhất thiết phải có trong nhà.

Giữa bộn bề lo toan, người ta vẫn lắng tai, để mắt nhà hàng xóm. Có thể nói, những ngày bão lũ, tình làng nghĩa xóm trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhà này nhà kia có thể chia nhau một ít thứ, ví như chén mắm cái, mấy con cá khô, hay chén nước chè xanh hiếm hoi mùa lũ. Trong hiểm nguy, người này í ới gọi hỏi thăm nhà kia có an toàn không, có cần trợ giúp gì không. Thực tế đã có không ít người đứng trước lằn ranh sinh tử, được cứu sống từ chính người hàng xóm láng giềng.

Tôi từng sống vùng bão lũ, thường giật mình bởi những tiếng í ới giữa mênh mông biển nước, sợ rủi ro cho người này, sợ mất mát cho người kia… Giữa cơ man lo toan, hàng xóm láng giềng tựa vào nhau mà đi qua gian khó, tiếp tục bám đất bám làng, gầy dựng lại những gì thiên tai đã lấy. Làm sao có thể bỏ làng ra đi, khi mỗi tấc đất là của chính ông cha gầy dựng, khi mỗi dấu chân của họ đã hằn lên con đường như những đôi bạn thân?

Tôi cũng từng là những người trẻ ra đi tìm cơ hội lập nghiệp, để rồi giữa mưu sinh xứ người, biết bao lần tôi dừng lại để hình dung làng quê mình vào vụ, rơm rạ trải vàng đường, hay mùa lũ về nước vây khắp chốn… Những khắc khoải ấy như tiếp thêm sức mạnh, để tự an ủi mình: ra đi rồi sẽ trở về, bởi hồn mình, làng quê đã nắm níu.

PHI KHANH

PHI KHANH