Ngày về
(QNO) - Cậu tôi về hưu, liền được mời tham gia vào một tổ chức xã hội ở địa phương. Mợ giận, vì cậu hứa cậu mà nghỉ hưu, sẽ giúp mợ luôn cả việc bếp núc. Thật ra, mợ chờ cậu “về” mấy chục năm nay, không phải chỉ vì lời hứa bếp núc, mà còn muốn cậu giành nhiều thời gian để bù đắp những ngày cậu miệt mài bàn giấy, hay những chuyến công tác xa nhà, bỏ mặc mợ “bơi” với đám con thơ và cha mẹ chồng.
Thế nên, việc cậu đồng ý tham gia công tác xã hội, mợ giận lắm, bảo cậu vô tâm, chẳng để ý đến cảm xúc của một người vợ héo mòn vì “chờ” chồng. Rồi mợ kể đợt cậu lên thành phố học tập trung hai năm ròng, đợt đó con bệnh nặng, mẹ chồng cũng bệnh, vất vả chẳng biết để đâu cho hết. Nhưng mọi việc rồi cũng ổn thỏa, nhờ cậu dẻo miệng, khéo làm mợ bằng lòng chấp nhận, khéo làm mọi việc trở nên có lý. Ngày ấy mợ tự an ủi mình: chồng là trụ cột gia đình, vợ đã không thể san sẻ áp lực công việc, thì cũng phải chịu khó cáng đáng vai trò người vợ. Bây giờ về hưu, tưởng được hủ hỉ bên chồng, ngờ đâu cậu lại đi “vác tù và” trên vai. Mợ bảo mợ không có quyền can thiệp quá sâu chuyện cậu tham gia công tác xã hội hay không, chỉ mong cậu biết “nghĩ lại”.
Với cậu, làm công tác xã hội giống như làm từ thiện, không màng bổng lộc, chỉ bỏ chút thời gian giúp bà con thôi. Mợ thì muốn cậu “làm từ thiện” cho mợ, chứ đi làm đâu xa! Cậu đi suốt. Cái nắp cống bị vỡ, người ta cũng kêu cậu. Mùa mưa, đoạn nào ngập úng, người ta rần rần gọi điện thoại hoặc tới nhà. Những ngày lễ, quà cáp cho các hộ khó khăn mà theo người dân là chưa thỏa đáng, họ cũng tìm cậu mắng vốn… Có khi cậu vơ cái áo đi suốt cả buổi, làm mợ ở nhà ngóng dài cả cổ; khi thì cậu ngồi nhà tiếp chuyện suốt vài giờ đồng hồ, báo mợ phải liên tục châm nước, pha trà. Rồi thì còn khoản nhậu nhẹt nữa! Mợ bảo, ngày chưa già, nhậu còn dễ thông cảm. Nay thấy mặt cậu mà đo đỏ lên, mợ ngứa mắt lắm, cậu mà có chuyện gì, mợ lo hay ai lo? Dường như những việc cậu làm dính dáng đến lợi ích người ngoài, mợ không thích. Cậu thì bảo mợ già rồi, ích kỷ, con cháu nó cười cho. Ngày già của cậu mợ, bỗng dưng “xa nhau” một cách uổng phí, khó hiểu.
Cậu thích tuổi già có ích với cộng đồng. Việc gia đình, cậu nghĩ chỉ cần xớ rớ, phụ họa, chắc mợ cũng vui, bởi mợ quá hoàn hảo chuyện bếp núc, cậu đụng vào có khi rách việc. Ngày xưa cậu hứa về hưu bù đắp cho mợ là “hứa dần”, để mợ có động lực mà làm “hậu phương”, chứ thật ra về hưu hay chưa về hưu thì vẫn vậy, cậu chẳng bỏ bê việc nhà, nhưng cũng chẳng thực hiện nổi lời hứa làm người đàn ông đảm đang. Dù sao đi nữa, cậu cũng là đàn ông, khó mà chu toàn việc của đàn bà.
Làm công tác xã hội, cũng rất phù hợp với người già. Đi làm còn để vận động cơ thể, luyện tập trí óc minh mẫn, gặp người này người kia để không quá buồn tẻ. Vừa nghỉ hưu, có ngay việc làm phù hợp, cũng giống như cậu được đi trên cây cầu vừa nối đôi bờ, không cảm thấy ngày về chông chênh hay thất vọng. Tôi nghĩ, nếu mợ hiểu cậu, chắc mợ không giận cậu. Tôi cũng nghĩ, những gì cậu thích, hay mợ muốn, đều không quá nan giải. Chịu khó bàn bạc đi đến thống nhất, đâu có gì là khó. Ngày trẻ vất vả bao nhiêu mà còn san sẻ nhau được, huống gì tuổi già làm việc chỉ để thấy không buồn tẻ, thấy mình có ích. Tại sao cậu mợ không tìm tiếng nói chung để tận hưởng những ngày cuối đời êm thấm bên nhau?
PHI KHANH