Ngang qua xứ ấy

HOÀNG MY 02/08/2017 09:30

Quán dạng cà phê võng ngay mặt tiền một ngả rẽ sắp tới khu du lịch sinh thái. Nhưng khách vãng lai thì có vẻ thưa vắng lắm, thi thoảng mới gặp một hai chiếc xe máy ngang qua, tần ngần ngó cái bảng đề cơm sườn, giải khát, ngả lưng bình dân ấy. Họ là người địa phương, không phải vì sợ bị chặt chém, mà chắc e dè tốn kém, nên có khi chậm lại, hỏi giá xong xuôi mới dám ghé vào.

Ngỡ ngàng, giá cả ở đây quá rẻ. Chủ quán niềm nở bảo, ở đây mức nó vậy, bán mắc sẽ không ai mua đâu. Mặt bằng nhà, để không cũng chẳng làm gì… Tôi bỗng nghĩ tới thu nhập của quán, của nhân viên làm thuê, tới cụm từ quen thuộc là “đồng tiền ở quê khó kiếm lắm”.

Quán sân vườn rộng mênh mông nhưng đồ đạc thô sơ tạm bợ. Vài cái võng ngả màu bám bụi, quạt điện quay chậm rãi. Ở cái chốn thanh bình nhưng nhuốm màu tẻ nhạt ấy, tôi gặp em, cô gái nhỏ chỉ chừng mười lăm mười sáu tuổi. Áo khoác có phần sờn cũ, nhưng nét mặt tươi mới, nhỏ nhẹ. Hôm đó chưa phải mùa hè, nên tôi ngạc nhiên hỏi thăm, em không đi học sao? Câu trả lời chẳng chút ngại ngần: “Dạ em học không vô nên vừa nghỉ năm rồi. Mới làm ở đây tuần trước thôi”. Cái nguyên do hợp lý, đơn giản và chẳng thể nào bắt bẻ đổ lỗi cho ai được. Kiểu như vì nghèo, vì ba mẹ cấm đoán, vì không ai hướng dẫn chỉ dạy, thì còn có thể trách móc muộn phiền số phận. Còn như khi em đã “học không vô”, thì lấy gì để nắm níu một cô bé mới lớn miền quê tiếp tục đến trường?

Vắng khách, nên em mải miết chúi mắt vào cái điện thoại thông minh rẻ tiền của mình. “Khi nào lãnh lương em sẽ để dành mua điện thoại mới, lướt nhanh hơn. Mua nhẫn với bông tai nữa”. Cô bé hồ hởi thổ lộ. Ừ thì, tôi thấu hiểu nỗi thiếu thốn lẫn khát khao thèm muốn của một đứa con gái nhỏ sinh ra và lớn lên ở vùng quê. Hiểu mà thương…

Nghỉ học rồi, em bắt đầu “khởi nghiệp” từ việc bưng bê phục vụ cho một hàng quán ế ẩm. Buổi tối chắc quán sẽ lai rai thêm khách, là dăm ba anh trai làng đến lân la ly cà phê nước ngọt, buông vài câu chọc ghẹo tán tỉnh. Mối tình quê vụng dại có khi gây nên hậu quả nghiêm trọng, là bầu bì mâm chén cưới hỏi vội vàng. Rồi em sẽ lập cập làm vợ làm mẹ, cấy lúa nhổ cỏ, phơi nắng trên đồng hoặc buôn bán lặt vặt nuôi đám trẻ con lần lượt hồn nhiên ra đời. Hoặc có một cái kết khác, hiện đại hơn chứ không “phổ thông” như vậy nữa. Là tan cuộc tình nhạt, em sẽ bỏ xứ đi làm. Công nhân hoặc giúp việc nhà, đã tốt. Lắm khi, em diện chiếc áo hai dây xanh đỏ trễ nãi hớ hênh, trải thanh xuân trong những quán nước thị thành, cũng không phải chuyện lạ lẫm gì…

Suốt đoạn đường xe ngang qua xứ ấy, trước khi hòa vào quốc lộ, tôi bắt gặp rất nhiều chòi lá be bé dựng dã chiến bên đường. Phía trước bày bán đặc sản vùng miền, bánh trái, hoa quả. Chủ quầy hàng thường là một người phụ nữ áo quần lẫn mặt mũi vóc dáng đều toát lên sự lam lũ, già trước tuổi. Có khi quẩn quanh gần đấy là một hai đứa trẻ lê la lem luốc. Tôi dưng không chạnh nghĩ về cô bé phụ bán quán. Tương lai gần và đương nhiên của em đây ư?

Con lộ nhỏ đẹp và mát vô cùng, có đoạn cây cối hai bên ngả đầu vào nhau, rợp bóng. Bây giờ người thành phố rộ lên phong trào rủ nhau về quê tham quan, chụp hình khoe mạng. Í ới. Lại hỉ hả khen rằng, xứ đó hiền lắm, thương lắm, thiệt tình lắm. Đồ đồng ăn ngon, rau dại ê hề, người dân chân chất. Cứ đi thử một chuyến, rồi sẽ mê ngay!

Vậy mà đôi lúc, chẳng hiểu vì đâu khách ngang qua lại cảm thấy vương mang khi rời khỏi…

HOÀNG MY

HOÀNG MY