Ba tôi là thương binh!
(QNO) - Ba kể lại rằng, cưới mẹ tôi chưa lâu thì ba nhập ngũ chiến trường Campuchia. Ngày ba lên đường, mẹ mang thai tôi mới hai tháng. Chiến trường K ngày ấy vô cùng ác liệt, ba tôi cứ sợ một đi không trở về, nên lòng thầm mong ơn trên phù hộ để ba được vẹn nguyên khi gặp lại vợ con.
Mỗi cuộc hành quân, ba không thôi nghĩ về đứa con trọng bụng mẹ. Ba tưởng tượng nếu là con trai, hẳn sẽ cao ráo như ba, hay là con gái, sẽ có khuôn mặt tròn trịa giống mẹ, và tự nhủ ngày về sẽ bù đắp tình thương cho đứa con vốn chịu nhiều thiệt thòi. Ngày nhận được thư ông nội, ba mới biết mẹ tôi sinh con gái. Ông nội bảo cháu mới ra đời, “cữ” chụp hình, nên chỉ viết mấy dòng thư tóm tắt, rằng mẹ tròn con vuông, con bé trắng trẻo, “khéo” lắm!
Giữa cuộc hành quân, ba tôi cứ mở thư ông nội gửi, đọc đi đọc lại, mừng đến phát khóc. Tối hôm nhận thư, ba viết cho mẹ một bức thư dài, dài hơn cả lá thư tình mẹ cho là dài nhất mà ba từng gửi cho mẹ. Dường như mẹ cảm nhận được niềm hạnh phúc bất tận của một người mới được làm cha. Ba hỏi con giống ai, giống chỗ nào, khuôn mặt có tròn như mẹ không?... Ba dặn mẹ thay ba chăm sóc con, kết thúc năm năm làm nhiệm vu, ba hứa sẽ trở về bù đắp tình thương và trách nhiệm cho vợ con.
Gần năm năm ở chiến trường, ba mang trong mình “bộ sưu tập” là năm tấm ảnh của tôi. Rảnh lúc nào là ba mang ảnh tôi ra xem. Đồng đội của ba cùng chia sẻ những cảm xúc dạt dào ấy. Ngày ba trở về, dù chưa từng gặp mặt và chưa quen gọi tên ba, nhưng mẹ kể là tôi đã được mẹ “huấn luyện” trước, biết gọi “ba Khánh” một cách rất tình cảm, và ôm chầm lấy ba từ ngoài ngõ, như thể người thân đã lâu lắm rồi mới được gặp lại nhau.
Kể từ đó, tôi mới được lớn lên trong vòng tay của ba. Ngày ấy, gia đình tôi còn nhiều khó khăn, nhưng ba không giúp được gì nhiều cho mẹ, vì ba là thương binh. Dù vậy, ba vẫn hay đèo tôi trên chiếc xe đạp sườn dong. Bàn chân trái bị thương ở chiến trường, nên ba đạp xe có phần khó khăn, (ba còn bị bỏng nặng trong một cuộc hành quân), nhưng ba vẫn cố gắng chở tôi ghé công viên, nhà sách, hay đi câu cá. Ba và tôi như hình với bóng.
Sau này, tôi có thêm đứa em nữa. Nhưng tình thương của ba dành cho tôi hoàn toàn khác với em. Không phải ba thương tôi nhiều hơn, mà là ba muốn bù đắp cho cuộc sống của một đứa trẻ thiếu cha vào thập niên 80 đã hết sức khốn khổ. Tình thương đi kèm với những ray rứt, bởi tôi hay ốm đau, sức khỏe kém. Ba cứ mải nghĩ: Nếu ngày ấy ba không trở về, thì tôi đã là đứa trẻ mồ côi rồi!
Dù ba không giúp sức nhiều cho mẹ chuyện đồng áng, nhưng mẹ không phiền lòng. Với mẹ, ba trở về là điều kỳ diệu, bởi chiến trường K ngày ấy vô cùng ác liệt, biết bao người hy sinh nơi chiến trường. Sau này chị em tôi đi học, đều được miễn giảm học phí vì có ba là thương binh. Mẹ tôi nói thật, mà xót: Ráng học đi các con, không có chế độ thương binh của ba, mẹ chẳng biết xoay xở ra làm sao! Thương ba, thương mẹ, tôi tự nhủ với đứa em rằng, cố gắng học để không uổng phí máu xương ba.
Bây giờ, cứ trái gió trở trời là cơ thể ba đau nhức. Dù vậy, mọi chuyện trong nhà ba vẫn làm hết sức có thể. Dường như là để bù đắp cho vợ con được chừng nào hay chừng ấy. Mẹ không cản, vì biết có cản, ba vẫn muốn chứng tỏ ba là người tàn nhưng không phế.
Ba là tấm gương sáng của chị em tôi.
SONG NGUYÊN