"Con dù lớn vẫn là con của mẹ"
(QNO) - Có những lúc tôi thật hạnh phúc khi nghĩ rằng, ngoài 80 mẹ vẫn còn sống, đó là phúc phần của cháu con. Nhưng rồi lại không tưởng tượng nỗi một ngày rất gần mẹ lìa xa, thì tôi sẽ thế nào. Chắc là khủng khiếp lắm, vì không chịu đựng nỗi cú sốc mồ côi, sẽ cảm nhận một sự thật bẽ bàng, đau đớn. Bởi xưa nay dù xa mẹ nhưng yên tâm mẹ vẫn khỏe, và mẹ con tôi luôn nghĩ về nhau, yêu thương nhau, nhớ nhau như những ngày tôi còn thơ dại.
Cho đến khi làm mẹ, tôi mới thấm thía tình mẫu tử. Một bà mẹ hai con mà lắm lúc xoay như chong chóng, mệt đứt hơi tai, trong khi mẹ tôi một nách chín con, mà đứa nào “ra” đứa đó, thì quả mẹ là “siêu nhân”. Càng thêm tuổi, tôi càng thần tượng mẹ, thần tượng về cách vén khéo, cách dạy con và lòng nhân từ của một bà mẹ quê nghèo khó.
Tầm tuổi của tôi và bạn bè cùng trang lứa, đều có mẹ lớn tuổi. Ai cũng kiêu hãnh, cho rằng đó là niềm hạnh phúc. Nhất là phụ nữ, còn mẹ là còn thấy mình được chở che. Mẹ sẽ chẳng bao giờ trách móc con cái rằng, khi con vui thì “lặn” mất tăm, khi gặp chuyện buồn là về nhà gục đầu vào vai mẹ khóc than như một đứa trẻ. Yêu thương con cái vô điều kiện, chỉ có thể là mẹ. Tuy vậy, không phải lúc nào mẹ cũng đồng tình với quan điểm giận chồng của đám con gái. Chúng tôi lớn lên không chỉ bằng sự nuôi nấng, mà là sự dạy dỗ với lời lẽ chân quê, mộc mạc mà thấm thía của mẹ. Ví như “Nhẫn nhịn chồng, sẽ không bao giờ lỗ”, hay “Đàn bà là phải khéo nấu nướng, đừng bao giờ để bếp núc lạnh lẽo”.
Tôi có hai con gái song sinh tuổi 15. Tự nhủ sẽ không bao giờ khiến con bất hạnh, mà làm con hạnh phúc theo kiểu mẹ đã làm tôi hạnh phúc, chẳng có gì to tát ngoài sự thấu hiểu và chở che. Cuộc đời tôi, lúc vui hay buồn, đều có mẹ. Ngày cưới tôi, mẹ khóc, như thể tôi thuộc về người khác. Lúc tôi vượt cạn, mẹ đứng bên ngoài run rẩy, chắp tay cầu trời cho tôi mẹ tròn con vuông. Dường như những thời khắc quan trọng của bầy con, mẹ đều có mặt, để chứng kiến và chia sẻ.
Mẹ tôi là nông dân, tần tảo cả một đời, nhưng tuổi già vẫn không thôi lo lắng về con cháu. Tôi là con út, đã ngoài 40, các anh chị tôi đều đã “già”, nhưng với mẹ, chúng tôi vẫn là những đứa trẻ. Còn chúng tôi thì mãi nghĩ rằng: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ”. Để những khi chuếnh choáng vì sóng gió gia đình, hay áp lực công việc, vẫn chọn mẹ làm nơi quay về, dù mẹ con tôi cách xa cả nghìn cây số. Về với mẹ, chỉ cần một tối ngủ chung, là như vừa trút nhọc nhằn, chẳng còn ý niệm về hố sâu vực thẳm, hay bao khó khăn đang chờ chực ngoài kia.
Mẹ tôi bây giờ sự sống tính bằng ngày, bằng giờ, mong manh như đèn treo trước gió. Mẹ không còn ăn uống được nữa, nhưng lý trí vẫn còn, vẫn có thể đảo mắt khắp một lượt con cháu để trao gửi yêu thương. Con gái lấy chồng xa, hay tin mẹ ốm chỉ biết tranh thủ thời gian đi đi về về, và lặng người không kịp xách gói khi hay tin mẹ trở nặng. Chắc mẹ hiểu, vì mẹ cũng là đàn bà, nên mắt mẹ cứ ánh lên sự cảm thông lẫn biết ơn. Lúc ấy, tôi chỉ biết đứng nhìn mẹ, hai đôi mắt chạm vào nhau, cố ngăn dòng lệ. Và ước gì thở giúp mẹ vài hơi, hay nói giúp mẹ vài câu cho bõ cơn bệnh hoạn.
Điều tôi lo sợ nhất bây giờ, là những cuộc điện thoại, từ quê nhà...
KHÁNH THI