Chảy đi sông ơi...

PHẠM PHÚ PHONG 18/03/2017 10:07

Trong những ngày này, khi khoa Ngữ văn Trường Đại học Khoa học Huế (trước đây là Đại học Tổng hợp) chuẩn bị kỷ niệm 60 năm xây dựng và trưởng thành (lấy mốc để tiếp nối truyền thống từ thời Đại học Văn khoa Huế thành lập năm 1957), tôi lại nhớ về những thầy cô đã đi xa nhưng không hề khuất bóng mà vẫn hiện diện đâu đó trong đời sống, trong tâm hồn những ai đã từng học ở đây - theo đúng nghĩa văn hóa của hai chữ học trò.

Một thoáng sông Hương (Thừa Thiên Huế). Ảnh: Internet
Một thoáng sông Hương (Thừa Thiên Huế). Ảnh: Internet

Đó là mái tóc bạc mênh mông trí tuệ của thầy Hồ Tấn Trai, giọng nói sang sảng, rắn rỏi và ấm áp của thầy Nguyễn Đình Thảng, dáng đi nghiêng nghiêng, tấm lòng tận tụy và mẫn cán của thầy Nguyễn Xuân Hòa, nụ cười chân thành mà hóm hỉnh của thầy Trần Như Uyên, cái vuốt tóc điệu nghệ và nụ cười nửa miệng của thầy Lê Xuân Việt, cái dáng cao dong dỏng và khuôn nhăn mặt cay đắng nhưng lấp lánh niềm vui của thầy Đào Văn Khải, giọng đọc những bài thơ do chính mình sáng tác một cách say sưa, miên man khó dứt của thầy Tạ Đình Nam, ánh mắt bao dung đầm ấm của cô Phan Thị Hồng Minh.

GS.Hồ Tấn Trai quê ở Thủy Thanh, Hương Thủy (Huế). Sau ngày đất nước thống nhất (1975), khi Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thành lập trường Đại học Tổng hợp Huế, trên cơ sở giải thể và sáp nhập các đại học Văn khoa và Khoa học, nghe nói chính thầy là người tác động để lãnh đạo bộ cho thành lập khoa Văn - Sử và nhận lãnh trách nhiệm biệt phái vào làm chủ nhiệm khoa. Bốn năm sau, khi việc dạy và học đã đi vào ổn định, thầy quay về Hà Nội. Không chỉ là người có công khai sáng cho sự nghiệp đào tạo nhân tài cho miền Trung và Tây Nguyên, mà thầy còn là người đầu tiên có công trình nghiên cứu đầy đủ về “Văn học giải phóng miền Nam” (1973), tác giả của bộ sách nhiều tập “Về tư tưởng và văn học phương Tây hiện đại” (1987) và nhiều công trình nghiên cứu khác, trong đó có bộ giáo trình về “Lý luận văn học”.

Thế hệ những người mở đường đã đi xa còn có thầy Thảng, thầy Hòa, thầy Uyên. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Thảng (quê Quảng Ngãi) đúng là người “hối nhân bất quyện” (chữ của Khổng Tử, nghĩa là dạy người không biết mệt mỏi), thầy là một trong những người vào tổ chức tuyển sinh khóa đầu tiên, là Bí thư chi bộ, Phó chủ nhiệm khoa và xây dựng ngành Hán - Nôm cho trường. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Xuân Hòa (quê Quảng Trị), làm công tác Công đoàn, khi tách khoa Văn - Sử (1981), thầy làm chủ nhiệm khoa Ngữ văn, rồi Bí thư chi bộ cho đến lúc nghỉ hưu. Thầy Trần Như Uyên là giáo sư của Đại học Văn khoa Huế trước 1975, dạy bộ môn văn học Việt Nam cận đại, là người không chỉ có đức tính mẫu mực, khiêm tốn của một nhà giáo, tác phong mẫn cán của một công chức, mà còn có sự cẩn trọng, kín đáo ẩn giấu trong cốt cách lặng lẽ, nhẹ nhàng của một người Huế.

Những người trẻ hơn, dường như chỉ ngang qua cuộc đời và dừng lại ở độ tuổi năm mươi. Thầy Lê Xuân Việt, giảng dạy và tham gia hoạt động phê bình văn học, là một trong những diễn giả có uy tín về những vấn đề thời sự nóng hổi của đời sống văn học. Thầy chỉ kịp để lại cuốn tiểu luận phê bình “Thức cùng trang văn” (1993, viết chung với Hồ Thế Hà). Thầy Đào Văn Khải cũng là người viết phê bình, người có ít nhiều tham gia đời sống văn học với bút danh Khải Phong. Thầy Tạ Đình Nam, quê ở Quảng Bình, giảng dạy môn Văn học Việt Nam hiện đại, làm trợ lý tổ chức, rồi phó chủ nhiệm khoa. Cô Phan Thị Hồng Minh, người Huế chính gốc, giảng dạy môn Văn học Việt Nam cận đại. Có cả những người, sự nghiệp giáo dục còn ngắn ngủi hơn. Đó là thầy giáo trẻ Trần Văn Thiện, sinh viên khóa 10 giữ lại “đầu tư” cho ngành báo chí truyền thông và cô Phạm Thị Luận, làm công tác văn thư.

Tôi cũng từng là học trò, và trong ý thức của mình suốt đời tôi vẫn là học trò, cuộc sống đưa đẩy tôi vào nghề giáo, ở lại trường giảng dạy, tôi nghĩ người thầy như một giọt nước hòa tan trôi theo dòng chảy của cuộc đời. Nhưng sông muôn đời vẫn chảy. Cuộc sống trôi đi không thể nào ngừng. Cũng có những dòng sông người ta không thể về thăm nữa. Có những con đường không còn ai đi nữa. Có những con người không còn ai nhớ nữa. Nhưng là học trò phải nhớ đến thầy. Trong cuộc sống có người tốt, người xấu. Trong nghề giáo cũng có thầy tốt, thầy xấu. Cái xấu có thể nằm trong con người của thầy nhưng nằm bên ngoài nghề giáo. Thầy muôn đời vẫn là thầy. Bởi lẽ, trước khi làm vĩ nhân phải biết làm người, mà trước khi làm người phải biết làm học trò, xét về một phương nào đó có ý nghĩa tinh thần, đúng với bản chất nội hàm một cách rốt ráo của hai chữ thầy trò.

PHẠM PHÚ PHONG

PHẠM PHÚ PHONG