Thương cả đường đi
Tôi với anh quen nhau qua những lần tụ bạ bạn bè, sau đó thì nhận ra cả hai đều yêu văn nghệ và từng là thầy giáo nên tôi hay đùa, mối thân tình kia là “tình nghĩa giáo khoa thư”. Anh hơn tôi đến năm, sáu tuổi nhưng chẳng bao giờ anh tỏ ra, tỏ vẻ “làm lớn, làm láo” chi cả, cứ xưng hô “mi, tau” thân tình, nhiều khi anh còn giận hờn kiểu “bé con” với tôi, thiệt chán. Được một cái, buồn hay vui chi cũng í ới nhau cụng vài ve để xả xì-trét. Ba mươi năm trước, anh thôi dạy học về làm nghề mộc, thể lực tốt, “uống” tốt. Cũng ba mươi năm trước, anh ly dị vợ để chị “làm vợ người ta”, anh gà trống nuôi con, rồi “dựng vợ” cho cả hai đứa con trai, đến tận bây giờ. Anh rất sợ ai đó nhắc về chị. Mỗi lần như thế, đang cơn vui anh tắt hẳn tiếng cười, rồi nếu có người nhắc dai, anh lẳng lặng “chuồn”. Những năm gần đây do nhà cha mẹ để lại ở mặt phố, anh cho người khác thuê bán hàng lưu niệm, thôi nghề mộc, ở nhà giữ cháu, do đó cũng thôi tụ bạ bạn bè và cũng “yếu uống” theo kiểu nói dân Quảng.
Tôi biết anh còn thương chị xiết bao. Ba mươi năm trước, khi rời tòa, tôi là người chở anh về bằng chiếc xe đạp cà tàng và lưng áo tôi ướt đầm nước mắt. Anh khóc không thành tiếng dọc con đường về biển. Thà anh nói cho tròn một tiếng, tiếng chi đó cũng được hay là chửi, đôi khi bực quá chửi bậy một cái cũng sẽ nhẹ người. Rồi anh sực nhớ việc đi đón con, và rồi, cứ rứa, sống lỳ, sống tới, sống như người “mồ côi vợ”. Ba mươi năm, chắc chỉ tôi và vài người bạn thân, “mỗi năm đến hè” là đem lòng xa xót thương cả anh và chị, cả hai đứa con anh chị - rằng anh năm nào cũng đưa hai con vô Sài Gòn thăm chị. Anh cứ thuê một chỗ trọ rẻ tiền rồi nhắn cho chị biết. Chị những ngày đó cứ “thu xếp” đến, “ba mẹ con” đi chơi với nhau. Anh nói khổ nhất là đoạn chia tay, hai đứa cứ quấn lấy mẹ, mình cứ ngồi trên xe như “người chứng”, như người “thọ nạn” cực chẳng đã rứa. Còn nhớ năm ngoái chị từ Mỹ về dự đám cưới con trai út. Lúc hai họ lên sân khấu chào quan khách, chị đưa tay cho anh nắm mà anh vội rụt tay lại làm bàn tay chị chưng hửng giữa chừng rồi vội nắm tay con. Nhiều người trách anh răng mà “thù dai nhớ lâu rứa”, anh phân bua là “già rồi” vả lại, lỡ ai đưa hình nắm tay lên facebook, ảnh hưởng đến hạnh phúc “người ta”…
Ngày chị đi, anh không tiễn. Anh nói anh quá sợ tiễn đưa, anh đọc thơ Thế Lữ “nhưng trong khoảnh khắc ơ thờ ấy - thấy hận muôn đời những biệt ly”, rồi anh ngồi ru cháu “thương nhau cau sáu bửa ba - ghét nhau cau sáu bửa ra làm mười…”.
Tôi biết anh còn thương chị xiết bao. Nghe đâu mấy năm sau khi chị lấy chồng - qua một cô bạn thân - anh biết chị “bỏ” anh vì hồi đó anh “nghèo quá”, nghèo đến nỗi - như chị tâm sự với cô bạn - “lấy anh có hai đứa con mà anh chưa dẫn chị vô quán ăn một bữa chè ngọt cho đã đời”. Hồi đám cưới thằng con đầu chị không dự được, khi hai vợ chồng nó vô “lại mặt” mẹ, anh gởi “kỉnh” chị nguyên một thùng hai mươi chén chè “đậu xanh đánh” (chè đậu xanh xay bột). Chị nhận quà, giở ra, hai đứa con thấy mẹ ngồi khóc khan, khóc như anh ba mươi năm, khóc không thành tiếng, khóc “khô khan lệ”…
Ngày chị đi anh hỏi tôi rằng nếu mở lời nói với chị một câu, anh nên nói câu chi? Tôi lắc đầu nói, nói câu chi là việc của anh, còn tôi, tôi thấy ai cũng làm tôi “đau” hết, rằng “thương nhau thương cả đường đi…”.
PHÙNG TẤN ĐÔNG