Mùa xuân đẹp nhất ghé qua đời mình
(Xuân Đinh Dậu) - Những ngày cuối năm, thỉnh thoảng vài người quen cũ tạt ngang thăm nhà. Trước là thắp nhang cho cha tôi, sau vài câu thăm hỏi, họ hay nhắc nhớ thời vàng son của nghề nhiếp ảnh. Nghề mà mùa tết là “hái tiền”.
Tết - trong suốt tuổi thơ trổ bông trổ nắng tôi nhớ về - gắn liền với nghề chụp ảnh của cha khi ông còn sống. Chúng tôi đã bận rộn suốt mùa tết chỉ để phục vụ những tấm ảnh đẹp nhất trong mùa đẹp nhất cho mọi người. Những năm 80, 90 hẳn là ít thú vui hoặc ai cũng muốn giữ lại khoảnh khắc đời mình khi mùa xuân đến, cùng gia đình, người thân, bè bạn. Những khoảnh khắc mà khi lục lại kho hình trắng đen cũ cha để lại, bắt gặp bức ảnh đại gia đình sum vầy (dù không phải gia đình mình), bức ảnh nam thanh nữ tú thời quần ống loe, áo hippi miệng cười tươi dạo phố… lại thấy rưng rưng xúc động.
Cha học nghề lúc 15, 16 tuổi. Tính đến lúc mất cũng gần 40 năm mưu sinh, nuôi con cái trưởng thành bằng nghề này. Mười năm ở đoạn giữa (1987 - 1997) là khoảng thời gian tôi nhớ nhiều nhất, cũng vàng son nhất.
Hồi đó ai cũng thích chụp ảnh. Chừng cận tết là có người đạp xe tới nhà đặt lịch sáng mùng một chụp ảnh đầu năm. Mỗi lần cha đi là đến trưa mới về, có khi qua cả chiều. Vì từ từng nhà, lần lượt ra cả xóm, rồi sang xóm lân cận. Bố cục chính là chụp trước bàn thờ tổ tiên, và tấm ảnh có background cây mai trước sân. Nhà nào cũng có mai nở. Họ muốn năm nào cũng có ảnh ghi lại cây mai vàng năm mới. Cứ như một phong tục ăn tết của người quê xứ. “Chụp ảnh tết khá cầu kỳ. Chụp cả gia đình càng không cẩu thả. Mỗi khi rọi ảnh ra thấy thằng cu ngó xuống, con bé ngó qua hoặc người đằng trước che mất cằm người đứng sau là biết khi giao hình nghe họ càm ràm liền”. Tôi vẫn nhớ cánh thợ ảnh họp tổng kết cuối ngày với nhau thường nói vậy. Bởi những bức ảnh như thế thường được phóng to, trang trọng treo ở một chỗ trong nhà nên người chụp phải hết sức chi tiết mà hướng tập trung của mọi người vào giây bấm máy. Nên mới có câu đếm: “1,2… Cười!” Có tay thợ, bất cứ hoàn cảnh nào cũng: “1,2,3… Cười lên đi emmm ơiiii”. Vậy là ra hình có người cười rộng tới... mang tai.
Tiệm ảnh những năm 80 thế kỷ trước ra lò không đếm xuể, nhưng dịp tết vẫn “cháy” thợ. Chủ yếu tiệm nào có buồng tối tráng phim rọi ảnh thường đông hơn. Tiệm của cha trước có gần chục tay thợ, phân bổ khắp huyện Duy Xuyên thời đó không đủ. Riêng chỉ mình cha tôi một tay rọi phim tráng ảnh. Tôi vẫn hay trốn ngủ, nấp sẵn ở buồng tối xem rọi ảnh. Tờ giấy trắng được ngâm vào thau thuốc đen, rồi chờ một hai phút tự nhiên hình hiện lên rõ dần như có phép thuật. Hỏi đứa trẻ nào không mê. Ảnh đậm màu hay không là do lúc pha thuốc và thời gian ngâm ảnh. Tôi mê lắm nhiệm vụ chuyển ảnh từ thau nước thuốc sang nước lạnh cho sạch rồi vớt ảnh kẹp lên dây cho ráo nước, sau mang ra ngoài sấy khô. Tỉ mẩn rất nhiều công đoạn.
máy ảnh chụp phim, đồ nghề cũ của cha tôi để lại. |
Ông cụ Nghĩa, tiệm Nghĩa Ảnh nổi tiếng Hội An một thuở nay gần 80 tuổi, cũng đã từ giã nghề chụp ảnh rất lâu nhưng khi nhắc về vẫn nhớ. Hội An ngoài Vĩnh Tân thì Nghĩa Ảnh là một trong những tiệm ảnh đầu tiên. Nghĩa Ảnh chuyên chụp chân dung. Cụ Nghĩa nói: “Trước tôi còn chụp ảnh di động, tức là cầm theo một cái hộp đen làm buồng tối tráng phim rọi ảnh ngay, giao cho khách ngay”. Thời Hội An trước 1975 đã sầm uất. Ít khách tây như bây giờ nhưng ai đến Hội An đều ăn vận rất thanh nhã, đẹp. Ngày tết càng đẹp hơn. Phụ nữ đều mặc áo dài, mang nón lá. Ngay cả người gánh tàu phớ, hàng rong cũng mặc áo dài. Vào ảnh là đẹp”. Về sau, cụ Nghĩa không làm nghề chụp ảnh nữa nhưng vẫn giữ lại cái tên Nghĩa Ảnh cho tiệm bánh cũng nổi tiếng ở Hội An bây giờ. Những bức hình chân dung trắng đen về phụ nữ Hội An ngày xưa được các con cụ lưu giữ, trang trí ở các quán bar, cà phê thành thứ trang sức có giá trị. |
Một cuộn phim 36 tấm ảnh. Mỗi đêm có khi tráng gần cả 100 cuộn phim treo đầy nhà như dây leo gặp nước.
Tết những năm sau hết trào lưu chụp ảnh ở các tụ điểm. Các tiệm ảnh dựng cảnh nhân tạo tại nhà cho người đến chơi và chụp ảnh. Tết nào chúng tôi cũng bận rộn. Sắp xếp xe đạp, viết biên nhận, trang điểm… Bận rộn trong suốt những mùa tết tuổi thơ nhưng đó lại là tháng năm sum vầy đúng nghĩa.
Nghề chụp ảnh cứ mỗi năm lại vắng. Dần dần người ta quên hẳn trào lưu chụp ảnh ngày tết. Những người cùng thời với cha tôi như bác Linh (Đà Nẵng), Huỳnh Châu, Thuận (Điện Bàn), Đình Tâm, Đặng Kế Đông (Hội An)... thi thoảng vẫn ghé nhà. Nhắc nhớ câu chuyện về một thời đã qua. Họ vẫn tiếp tục cầm máy ảnh, nhưng chuyển sang một loại hình khác, có người làm dịch vụ, có người đeo đuổi hình nghệ thuật. Và ai cũng từng trải qua thời vàng son của nhiếp ảnh đen trắng.
Bây giờ muốn chụp ảnh rất dễ, tự cầm điện thoại bấm cái “lẻm” là xong, lại còn biết bao nhiêu phần mềm chỉnh sửa, nghệ thuật cỡ nào cũng có. Nhưng cái cảm giác dành một bộ đồ mới nhất, chọn nhành mai tươi nhất và khi gia đình đủ đầy thành viên nhất để chụp cùng nhau tấm ảnh không phải thời nào cũng có. Để rồi bây giờ nhìn lại, tết sum vầy hình như là cái tết khi gia đình còn nhau, còn đủ đầy.
Năm tôi 5 tuổi, anh trai 7 tuổi, theo cha chụp ảnh dạo ở nhà thờ Trà Kiệu. Người đi lễ, người đi chơi xuân dập dìu. Ai ai cũng vận quần áo đẹp, nên họ đều muốn chụp một pô ảnh lưu dấu tết. Vậy là cha quần quật với phim, ảnh, ghi tên, xếp hàng. Người đông nên anh em tôi lạc cha. Cha cũng bỏ bữa chụp tìm khắp nơi, tìm cả trong các vách núi, dưới giếng cạn trên đỉnh nhà thờ. Đâu biết 2 đứa con dắt nhau đi bộ về Duy An gần… 20 cây số. |
Những năm cha tôi còn sống, sau này tết không còn rộn ràng với cảnh chụp ảnh ngày xuân như xưa nhưng vẫn giữ thói quen trang trí lại mảnh vườn cũ, vẽ hình con vật của năm… Và dù đã chuyển sang máy kỹ thuật số, ông vẫn cứ mua vài cuộn phim đúng 3 loại Kodak, Konica và Fuji, vẫn cái máy Pentax đời rất cũ, ông rảo xe quanh một vài xóm, chụp cảnh xuân, chụp cho những người già chỉ đón tết ở nhà chứ không đi đâu được. Chỉ thế thôi.
Năm cha mất cũng vừa hết xuân. Những công việc quen thuộc mỗi mùa sang tết từ đó cũng không còn ai thay thế chăm chút. Tết từ năm đó đi đến mọi nơi nhưng không còn ghé nhà tôi nữa. Chỉ ghé về trong nhang khói những người bạn cũ, đồng nghiệp cùng thời mỗi lần gần tết đến thăm, nhắc nhớ câu chuyện năm cũ của thợ chụp hình.
Tôi tìm thấy bức ảnh đen trắng phai màu, cũ kỹ - chụp bị rung tay, gọi là “bô rê”, “lu nét” - trong kho hình cũ, cha cùng đồng nghiệp nghỉ tay ở nhà thờ Trà Kiệu. Nhân vật trong ảnh năm đó mới 7 tuổi - là tôi, được máy ảnh cài sẵn chế độ chụp, chỉ cần nhắm và bấm máy. Bất giác thấy mùa xuân về khắc khoải. Bất giác thấy tết nếu không có quá khứ, không có kỷ niệm về cha, về mẹ sẽ rất vô vị. Bất giác nghĩ thầm, khi còn được ăn tết trong ngôi nhà của mẹ, nơi chôn nhau cắt rốn, còn lục tay tìm kỷ vật những mùa năm cũ thì còn đó mùa xuân đẹp nhất ghé qua đời mình.
Tùy bút TRẦN THỊ MỸ TRÂM