Thời gian như lắng đọng

PHI KHANH 23/01/2017 09:00

Tôi quyết định kéo chiếc valy trên đoạn đường khoảng hơn một kilomet. Có mấy khi được đi bộ, được ngắm nhìn quê nhà đang tràn ngập sắc xuân, nên tôi chẳng muốn kêu taxi hay xe ôm, cứ thế mà bước. Bên phải tôi là cánh đồng lúa xuân thì, nõn nà một màu xanh biếc. Phía trái là nghĩa trang gia tộc. Những ngôi mộ đã được khoác “áo mới”, mấy nấm mồ vô danh cũng được giẫy cỏ, “thế giới” ấy sáng ấm áp màu tết. Từ xa, tôi nhìn rất rõ mộ ba, quen thuộc đến nỗi, tôi có thể tả từng chi tiết nhỏ mà khi xây mộ, người thợ xây tỉ mẩn tô tô, vẽ vẽ. Tôi vào “nhà” ba. Lần nào về ngang cũng vậy, trên tay không nhang, không bánh trái, biết ba không trách, nên lòng tôi thấy ấm, dù giữa cánh đồng, gió xuân lồng lộng.

Con đường vẫn vậy, quanh co nhưng bừng sáng nhờ cây cối được tỉa bớt cành nhánh. Ánh sáng xuân lọt qua kẽ lá, vừa đủ rực rỡ để người ta biết năm cũ sắp hết. Những đôi chân bước vội mang mùa xuân về nhà. Riêng tôi thả bước thật chậm, để ngắm nghía, mơ màng, cảm nhận với nhiều cảm xúc đan xen. Nhớ con đường làng ngày tết rực rỡ với sắc áo quần thời tem phiếu. Chúng tôi gọi đó là đồng phục, vì trẻ em nhà nào cũng được cấp phát một loại vải hoa giống nhau. Nhớ những ngày cuối năm, trẻ con hay ngồi nơi đầu làng đợi mẹ đi chợ về, rất khác với cảm giác đợi mẹ ngày thường, là vì biết trong giỏ mẹ có cả mùa xuân. Con đường làng ấy cũng tưng bừng với những lò rang nổ tí tách, chỗ này từng đám trẻ tụ tập chơi bầu cua tôm cá, chỗ kia người làng đứng ngồi đợi chia thịt heo tết… Có cảm giác con đường làng những ngày cuối năm là nơi khơi gợi ký ức ngọt ngào nhất, ngọt ngào như hương vị bánh ngày xuân, như “cái hậu” của chén rượu hồng đào.

Con đường làng nay đã được bê tông hóa, mấy bóng đèn đường chảnh chọe đầu ngõ, chắc đêm về lũ trẻ không còn sợ ma. Không thấy cảnh mổ heo chia thịt, nhưng mớ thịt đựng trong cái rổ tre lót lá chuối mẹ khệ nệ mang vào nhà, như mang bao yêu thương, no đủ, vẫn đong đầy trong niềm nhớ. Mấy lò rang nổ cũng chẳng thấy đâu, nhưng tiếng tí tích giòn giã và vị thơm của nếp mới cứ dậy vang ký ức... Những ngày cuối năm, thời gian như ngừng lại, để những kẻ tha hương khi trở về đất mẹ được sống lại ký ức xa xưa. Có lẽ, chẳng ai vô tình với ký ức, bởi ký ức là một phần cuộc sống, mà trái tim luôn dành một góc nhỏ để nâng niu. Về đón tết, ai cũng mong thời gian trôi thật chậm, để ăn thêm với mẹ bữa cơm ngày xuân, nhổ cho mẹ vài sợi tóc sâu, hay quay ngược thời gian kể chuyện ngày thơ cùng mẹ. Ai cũng muốn thời gian trôi qua thật chậm để không bị đánh thức bởi những tất bật, bận rộn, đôi khi là tiếng thở dài của chính mình.

Những bóng đèn đường, con đường bê tông, dập dìu các hãng taxi ra vào, cả những chiếc xe hơi bóng lộn len lỏi trên con đường làng, là những tín hiệu quê nhà đổi mới. Người đi xa về, vui với đổi thay ấy, mừng trước sự đi lên từng chút, từng chút một. Nhưng điều vui hơn cả, vui đến phát sướng, là dù quê nhà có đổi thay thế nào, nhưng nếp sinh hoạt ngày cũ vẫn giữ, tình làng nghĩa xóm vẫn vẹn nguyên. Người xa quê trở về, đi đến đâu cũng được chào đón, như thể tha hương là một thiệt thòi. Người xa quê trở về, đi đến đâu cũng được mời ăn uống, như thể chẳng đâu được ăn ngon như quê nhà. Mà phải. Thức ăn tha hương theo người, bày biện khắp mọi nơi, cũng chẳng thể tươi ngon, cho cảm giác thú vị như khi thưởng thức tại quê nhà. Quả thật, cái gì thuộc về quê hương, ngay trên mảnh đất quê hương, đều khiến người ta ưu ái, trao gửi nhiều tình cảm.

Những ngày năm hết tết đến, thời gian như ngừng lại để ai muốn nắm níu năm cũ, thì tranh thủ. Đã có những vội vàng thật đáng yêu. Năm nào cũng thế, ba ngắt vội cho mẹ nắm lá ngoài vườn, để đêm cuối năm, mùi hương lá nồng nàn quanh góc giếng. Chị chở em ra chợ, mang hoa về nhà trong đêm ba mươi lấm tấm mưa xuân. Em quét vội nhà cửa, sân vườn, để sáng mùng một tuân thủ “lệnh” kiêng kỵ của mẹ... Và có những bày tỏ khiến người ta nghẹn ngào không nói nên lời. Như đã có lần ba nói với mẹ “sang năm, bà làm việc ít lại, chuyện nặng nhọc, đừng ham làm, cứ để đó tui”. Khi ấy mẹ chẳng nói được gì, vì xúc động. Mẹ đánh trống lảng bằng cách chạy ra vườn hái vội mớ rau cải, rau ngò.

Những vội vàng ấy, bày tỏ ấy, tôi nhớ mãi. Để hôm nay, khi thời khắc đón năm mới chỉ tính bằng giờ, tôi chợt nhận ra thời gian như dừng lại, bởi yêu thương, nồng nàn vẫn lan tỏa không thôi.

PHI KHANH

PHI KHANH