Xác pháo và những chuyện ngày tết

HOÀNG VĂN MINH 21/01/2017 07:51

Hồi nhỏ ở quê, buồn nhất là những mùa năm hết tết đến. Ngoài quần áo mới thì thứ mà anh em tôi ngóng nhất sau mỗi buổi chợ của mạ những ngày cận tết là một phong pháo. Nhưng ngóng trông cũng chỉ là ngóng trông, sự háo hức và thất vọng cứ lặp đi lặp lại từ tết này sang tết khác bởi những năm tháng đó nhà tôi nghèo đến mức có lúc bánh trái cúng ông bà còn không có thì lấy đâu ra món nổ đì đoàng xa xỉ ấy.

Ám ảnh nhất là những đêm giao thừa mưa lạnh, bao giờ tôi cũng thức giấc trùm kín trong chăn khi tiếng pháo của hàng xóm ba bên bốn bề dồn dập vọng đến với những giọt nước mắt tủi hờn, xấu hổ. Tôi tưởng tượng và căm ghét những ánh mắt hãnh diện của thằng Toàn, thằng Long… khi sáng mai thức dậy, nhà “chúng nó” xác pháo đỏ rực từ ngõ vào sân. Còn nhà tôi, cả một cái ngõ sâu hún hút chỉ toàn là cát trắng không tì vết. Tôi quay ra oán trách ba mạ vì răng nhà mình chưa năm nào có pháo đốt trong ngày tết? Vì răng nhà mình lại nghèo đến mức tết đến một phong pháo cũng không mua nổi trong khi hàng xóm thì đốt hết phong này đến phong khác, có khi nhiều đến mức còn để dành đốt vào sáng mùng Một, mùng Hai? Thậm chí có những mùa giao thừa chẳng có gì mới ngoài cát trắng rải ngoài ngõ để cầu mong sự may mắn cho năm mới? Có đêm không chịu nổi buồn tủi, tôi và đứa em kế vùng dậy, ôm đàn đến ngôi nhà hoang phía trước mừng năm mới kiểu “tiếng hát át tiếng pháo”. Nhưng cũng chỉ được một lúc là thân xác rã rời bởi sức người làm sao mà át được… Tôi thề với lòng mình sau này lớn lên đi làm có tiền, tháng lương đầu tiên tôi sẽ dành mua hết pháo để tết mang về quê đốt cho đã thèm. Nhưng trớ trêu là đến ngày tôi lớn lên làm ra tiền, sực nhớ đến pháo thì lệnh cấm pháo đã có hiệu lực từ trước đó cả chục năm!   

Cảm giác này cũng chẳng khác mấy thời bao cấp, cứ đến sáng 30 tết là anh em tôi cầm cái rổ lên sân hợp tác xã chờ chia thịt heo. Ngày đó khốn khó tới mức, mỗi năm nhà tôi chỉ được ăn thịt heo một lần vào dịp tết. Trong năm họa hoằn, may mắn lắm mới có thêm được một, hai bữa nữa, chủ yếu là hàng xóm ai đó có heo chết do dịch bệnh mang “chia nợ” cho hàng xóm mỗi nhà một hai ký rồi đến mùa đong lúa thay trả tiền. Vậy nên anh em tôi năm nào nước dãi cũng lòng thòng đến rốn khi bê rổ thịt heo từ sân hợp tác xã về nhà. Thèm ăn đến thế, nhưng năm nào cũng như năm nào, buổi trưa mạ chỉ luộc một ít lòng chấm với nước mắm ruốc pha ớt bột cho cả nhà ăn tạm. Phần thịt còn lại phải chia nhỏ đến cúng ông bà những ngày sau đó, rồi mới đến lượt người sống. Tuy nhiên do nhà ít người, phần thịt được chia có hạn định nên cũng như phần lòng trước đó, tôi chỉ gắp được mấy miếng, ăn vội quá chưa kịp cảm nhận ngon hay dở thì trong đĩa đã hết. Thế là cảm giác thèm thịt cứ ám ảnh đến cả trong giấc ngủ suốt cả năm sau đó cho đến mùa tết mới. Lại thề - lại nhớ tết đầu tiên mình có tiền, từ thành phố về quê khệ nệ ôm theo không biết bao nhiêu là mứt bánh, đã thế còn lẩn thẩn thế nào lại ghé chợ dọc đường mua một lúc 5kg thịt heo. Hôm ấy mạ nhìn tôi từ đầu đến chân, từ chân lên đầu, bảo “thèm thì năm nay mạ làm cho cả con mà ăn, mắc chi mua thịt ôi ngoài đường vừa tốn tiền vừa chẳng ăn được”.
Thật ra, những cái tết vui, ấm áp, đáng nhớ nhất lại rơi vào những năm tháng gia đình tôi vô cùng khốn khó. Những mùa xa xưa ấy, dù chưa có năm nào chiều 30 tết nhà tôi không có người đến đòi nợ, nhưng năm nào mạ cũng chạy ngược chạy xuôi, bằng cách nào đó để cả nhà quây quần trắng đêm tỉ mẩn gói cho được nồi bánh chưng, đổ ít bánh thuẩn và đôi ký mứt gừng… Sau này những chiều 30, nhà chẳng còn ai đến đòi nợ nữa, nhưng tết lại cứ trơ trơ, gượng gạo kiểu như thiếu vắng hay bỏ lỡ một điều gì đó không cắt nghĩa được khi hỏi năm nay nhà mình có làm món này, món kia không, thì mạ cười cười: “Cũng ưa bày biện lắm nhưng bữa ni ba mạ già rồi, không còn sức…”. Đứa em ngày xưa cùng tôi “tiếng hát át tiếng pháo” lúc ước “giá mà mình biết làm món chi đó”, lúc bảo “mà thôi ra chợ mua cho khỏe, giờ ngoài chợ chi chẳng có!”. Mới biết hóa ra thức ăn cho mấy ngày tết không phải là bánh mứt hay xác pháo!…

HOÀNG VĂN MINH

HOÀNG VĂN MINH