Cam ơi!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 18/12/2016 06:10

Cuối năm, dọn lại đống sách cũ, tôi tình cờ mở tạp chí Đất Quảng in vào tháng 7.1984 và lại cũng tình cờ thấy bài thơ “Cam ơi!” của tôi in ở trang 38. Bài thơ tôi viết năm 1978 về một người bạn thời nhỏ bị lính dân vệ từ đồn Ngũ Giáp bắt trói và bắn chết ở chợ Vải khoảng năm 1964. Sau cái chết đó tôi theo gia đình tản cư ra Đà Nẵng và tiếp tục đi học. Làng tôi chìm trong chiến tranh bom đạn kéo dài 10 năm ròng với những mất mát không lường…

Sông quê.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Sông quê.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

“Cam ơi
Khi về qua chợ Vải
Dòng sông soi bóng tre hiền hòa giữa vòng tay biền bãi
Như ánh mắt thời gian suốt đời độ lượng…”.

Năm ấy chúng tôi 12 - 14 tuổi, học năm cuối tiểu học. Nhưng buổi nghỉ học tôi thường cùng Cam và đám bạn tắm sông, trèo cây đa bắt sáo, đi giữ bò… Không biết Cam nhận lệnh từ mấy anh du kích ra sao, những nó hay rủ chúng tôi lang thang xuống chợ Vải, theo con đường ven bờ sông xuống đường cái và ngó chừng vào đồn Ngũ Giáp. Mỗi đứa đi cách xa nhau  năm bảy chục mét. Hễ thấy lính ra khỏi đồn thì dùng hai bàn tay nắm lại để thổi, làm tín hiệu chuyền cho nhau. Tín hiệu đó lên đến xóm thì mấy anh du kích kịp tránh đi hoặc tổ chức phục kích. Một lần, toán lính dân vệ phát hiện và đuổi theo, Cam bị bắt còn chúng tôi chạy tán loạn. Tối đó, bạn bị bắn trọng thương ở chợ. Cam than khóc nhưng không ai dám ra ngoài  vì sợ lính, và sau đó bạn qua đời vì máu ra nhiều quá…

“Cam ơi
Cây đa đầu làng đã mất dấu sau trận bom
Không ai biết bầy sáo xưa đã về đâu lót ổ
Không ai biết suốt mười năm đổ vỡ
Đâu đàn bò mình đã chăn chung…”.

Sau chiến tranh tôi giã từ giảng đường đại học ở Sài Gòn và nhiều lần về lại làng, lục lọi hết những xó xỉnh mình đã cùng bạn bè chơi đùa hồi nhỏ. Và hình ảnh Cam cứ mãi lởn vởn cùng những kỷ niệm thơ ngây ngày cũ, như hôm tôi và Cam đi bắt cua trên suối, ngoài đồng rồi mang lên các lò gạch đang đỏ lửa để nướng. Xong lại xuống bến sông ngụp lặn…

“Cam ơi
Bây giờ mày đã ngủ yên
Và mãi mãi quên cả mùi cua nướng
Quên giấc mơ làm Yết Kiêu
Những trưa nồng bến chợ
Tiếng cu gáy vang mùa gặt hái
Một mình tao chẳng muốn nghe…”.

Cứ thế bài thơ cũ kết thúc trong một tiếc thương tình bạn và những kỷ niệm quê nhà của những đứa vừa học xong tiểu học…

Tôi còn nhớ năm 1984, khi bài thơ in ra, một anh bạn làm tổng phát hành báo Đại Đoàn Kết đã đọc và khóc suốt đêm. Sáng hôm sau gặp tôi anh đã kể lại, bởi anh cũng có những kỷ niệm tương tự: Một đứa bạn học bị bắn và gia đình anh đi tản cư.

Chuyện của tôi và của anh bạn phát hành báo Đại Đoàn Kết lúc đó là riêng tư, nhưng trải nghiệm ấu thơ ấy đã tình cờ gặp nhau nhờ thế giới chữ nghĩa. Và tôi lại nhớ vào lúc đọc lại bài thơ cũ trên tạp chí Đất Quảng đã cũ đến hơn 30 năm. Tất cả tưởng như đã cũ ấy, giờ lại sống động trong tôi.

Nhưng chuyện đó cũng không còn gì là riêng tư nữa khi trải nghiệm của một người đã đi vào tác phẩm và được công bố rộng rãi. Nhưng còn hơn thế nữa. Ngồi mở những chồng sách báo cũ trên kệ, đọc lại bài mình viết, tôi chợt hiểu ra: Ta yêu làng cũ, yêu quê hương nhiều khi chỉ là yêu những kỷ niệm như vậy với những bạn, với những con người và cảnh vật từ một thời trong trắng hồn nhiên của đời mình.

Rồi tình yêu đó thăng hoa trong mỗi chúng ta khi lớn lên bằng chính cuộc sống, công việc của mỗi người. Thế hệ này truyền lại cho thế hệ sau những tình yêu đó, cộng hưởng với những ngày về lại quê từ trách nhiệm với tổ tiên, chạp giỗ, đình chùa, ma chay, cưới hỏi của người thân. Nhờ đó, chúng ta nối tiếp nhau mọc rễ bền chặt với đất làng như một rừng cây thẳng thớm…

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG