Mùa ô ma ngày cũ
Cơn gió thổi hây hẩy đủ làm vườn nhà xao động, thỉnh thoảng có tiếng rụng lọt đọt của trái ô ma chín toác xen lẫn tiếng chim ríu rít làm tôi bồi hồi về một thời thơ ấu.
Trái ô ma (hay gọi là lê ki ma hoặc trứng gà) là loại quả có phần cơm rất dày, vị béo bùi, trước đây được trồng khắp mọi nơi bởi đất nào nó cũng sống được chẳng cần chăm, tưới gì và đặc biệt rất sai quả. Cách đây chừng 15 - 20 năm, nó là một loại trái cây đặc sản ở các vùng quê nghèo, nhất là đối với trẻ con chúng tôi bởi ngày đó chưa tràn ngập các loại thực phẩm màu mè, hấp dẫn. Thậm chí, trong câu chuyện trà dư tửu hậu của các cụ có tuổi trong xóm, tôi còn nghe loáng thoáng rằng trái ô ma từng góp phần đắc lực dìu người dân qua cơn đói những năm chiến tranh hay thời bao cấp, bởi có những thời điểm đến bắp, sắn để độn với cơm cũng không còn để nấu.
Tôi vẫn còn nhớ mùa lụt năm 1999, rất nhiều làng quê xứ Quảng hoang tàn bởi cơn đại hồng thủy. Xóm nghèo của tôi cũng vậy, nước dâng như vũ bão ngập lút cửa sổ, nhấn chìm hết mấy bồ thóc gia đình chẳng kịp di chuyển lên cao. Suốt mấy ngày sau nước rút, cả xóm ai cũng phải ăn mì tôm cầm hơi. Mấy đứa trẻ con bụng đói cồn cào chụm lại nơi gốc cây tìm cách trèo lên hái những trái ô ma còn sót lại trên cao. Không trèo được, cả bọn ở dưới lấy dép, đá quăng, trái rớt lộp độp dập tơi tả nhưng đứa nào đứa nấy tranh ăn ngon lành.
Cây ô ma có tán xòe mát rượi nên bọn trẻ chúng tôi vẫn hay tụ tập ở đó chơi các trò trẻ con đồng quê vào những trưa hè nắng rát bỏng. Ô ma thường ra trái quanh năm nên sau này, khi cơm áo đã dần đủ đầy, bọn trẻ chúng tôi lại cầm những quả rụng ném nhau làm mặt mũi, quần áo đứa nào đứa nấy xộc xệch, vàng ệch bởi bột ô ma. Vẫn nhớ có những mùa ô ma rụng thoảng hương vào tận nhà, bà tôi phải gánh hàng gánh đi đổ trong sự cằn nhằn nhưng cũng không chặt, có lẽ vì tiếc những kỷ niệm xưa cũ.
Bây giờ, chẳng ai đoái hoài đến trái ô ma nữa, cây ô ma cũng chỉ còn xuất hiện lác đác ở các vùng quê bởi chẳng mang lại giá trị kinh tế cho người trồng. Cây ô ma góc hè nhà tôi vẫn đứng đó trơ trọi qua năm tháng, vẫn những mùa trái trĩu quả, vẫn những tiếng rụng lọt đọt buồn tênh nhưng bầy trẻ năm đó không còn tụ họp nơi này nữa. Đám trẻ ấy, vài người cặm cụi lo việc mưu sinh còn một đứa đã đi xa thật xa không bao giờ trở về…
QUỐC TUẤN