Người tình Tam Kỳ

MẠNH QUÂN 06/11/2016 08:41

Một buổi sáng ở Sài Gòn, khi mở báo Quảng Nam ra đọc, tôi lại bắt gặp nỗi nhớ của mình về Tam Kỳ. Bất giác, tôi mỉm cười.

Tôi mỉm cười với chính mình khi đây không phải là lần đầu tiên tôi nhớ Phố. Tôi mỉm cười bởi tôi đã từng tuyên bố hùng hồn với bạn thân: “Sau ni, nếu không ở Tam Kỳ nữa, chắc tao chẳng nhớ nổi nó mô!”; lúc đó tụi tôi đang đèo nhau lang thang giữa những con đường tím ngắt bằng lăng ở khu hành chính tỉnh lỵ.

Mùa hoa bằng lăng trên đường phố Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Mùa hoa bằng lăng trên đường phố Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Ấy vậy mà, khi đã thực sự rời xa Tam Kỳ rồi, tôi nhớ. Những nỗi nhớ nhẹ nhàng, thỉnh thoảng len lỏi vào tim giữa Sài thành ồn ào, náo nhiệt.

Tôi nhớ như in, tháng 3.2005, đứa sinh viên mới ra trường là tôi được nhận vào làm ở một cơ quan tại Tam Kỳ. Buổi chiều, sau giờ làm việc, chú Tú - sếp của tôi - dẫn tôi xuống một căn phòng và giới thiệu tôi với hai chị trong cơ quan, rằng tôi sẽ ở cùng các chị trong phòng tập thể này. Chào hỏi và cất đồ đạc xong, tôi lên chiếc xe đạp mang theo từ Duy Xuyên vào, rảo một vòng gọi là khám phá nơi ở mới. Tôi bắt đầu đạp từ đường Nguyễn Chí Thanh, ra Trưng Nữ Vương, lên ngã tư “sung sướng” Hùng Vương, đi về phía nam, qua trường Cao đẳng Sư phạm (nay đã là Đại học), qua cây xăng... Tôi cứ đạp chầm chậm, thong dong như thế để quan sát, ngắm nhìn phố xá. Rẽ Trần Cao Vân về hướng đông, tôi ra Phan Châu Trinh, rồi về lại cơ quan. Về kể lại, các chị bảo như vậy là em đã đi hết Tam Kỳ rồi đó. Buổi chiều tiếp theo, tôi “hành phương bắc” để ra quảng trường, gió thổi mát rượi, vòng về Phan Bội Châu, tới ngã tư Trưng Nữ Vương, tôi tấp vô ăn tô cháo lươn bên lề đường. Cháo nóng, vị ngọt thơm của lươn um, vị cay nồng của cải cây làm tôi thấy ấm bụng. Tối, quấn mền ngang người, tôi nằm dài viết thư cho bạn: “Thị xã Tam Kỳ nhỏ xíu như lòng bàn tay, tao đi một vòng xe đạp là hết. Phố buồn và tẻ nhạt quá!”.

Vì buồn và tẻ nhạt, nên những buổi chiều tôi không bao giờ ở yên trong phòng trọ mà hay lang thang, tìm hiểu Phố bằng con đường ẩm thực theo cách của một đứa con gái chúa “ăn hàng”. Đã là “ăn hàng” thì phải nói là khắp hang cùng ngõ hẻm và sự khám phá cũng nhiều khi rất tình cờ, thú vị. Khi thì tôi ghé thưởng thức chè Linh trên đường Huỳnh Thúc Kháng, vài loại chè thôi nhưng tôi ấn tượng những chén chè khoai môn với nếp, chè thưng nấu thập cẩm nào đậu phụng, cà rốt, khoai tây thái hạt lựu… Cái chén nhỏ xíu như chén bánh bèo, xếp ngay ngắn từng tầng trong tủ mát, khách tới gom ra một mớ đủ loại, ăn xong xếp chồng lên báo cáo “thành tích” một cách thích thú và trả tiền một cách vui vẻ. Mỗi chén hai ngàn, một chồng cộng lại chẳng bao nhiêu tiền. Những tối lười ăn cơm, ghé quán bún chả cá gần đó ăn xong rồi bước qua sinh tố Hồng, xong rề rà lại tiệm đồ bành xóc tìm vài thứ đẹp lạ, thế là hết buổi tối. Nhiều lúc tôi ghé quán mít hông và gỏi bò khô trong con hẻm nhỏ bên hông khách sạn Lộc Tài, quán của bác lớn tuổi, người đẫy đà nhưng món ăn bình dị, hấp dẫn. Mỗi lần đến đó, tôi thích cảm giác chạy xe qua chiếc cầu nhỏ, nhìn xuống ngôi nhà ngói lọt thỏm phía dưới, bước từng bậc tam cấp từ trên đường để xuống cái sân nhỏ có những bàn, ghế nhựa chờ sẵn thực khách, mỗi lần gọi bao giờ cũng một lần hai món (mà quán bán có hai món này thôi). Tối, rong chơi quanh Phố lại đói, tôi lại góc chợ Tam Kỳ (cũ), nơi có chị gái bán trứng vịt lộn ăn kèm với gỏi dưa chua ăn hoài mà không ngán, xong làm liền mấy ly nước đậu rang, chè atiso. Khách đông đúc ngồi bệt xung quanh, vừa ăn vừa thủ thỉ rù rì chuyện về đêm, chẳng ai vội vàng. Góc chị ngồi đặc biệt dưới gốc cây trứng cá, bóng cây hắt xuống theo bóng đèn đường, ngọn đèn dầu leo lắt, tĩnh mịch, cả con đường vắng lặng làm tôi liên tưởng cảnh trong truyện Thạch Lam. Có những lúc chị vui theo câu chuyện của tụi tôi, có lúc mắt chị sưng húp kể về chuyện chị bị chồng bạo hành. Thương cho số phận người phụ nữ.

Rồi có ai đi trên đường Nguyễn Thái Học, dừng xe ghé lại cái “lều  tre” bên lề bán nào khoai luộc, sắn luộc, đậu phụng, bánh ít và mía, ít bánh quà vặt trên cái mẹt. Mỗi lần đi ngang qua, tôi chưa thấy ai ghé mua, chắc là tôi vô duyên, nhưng cái quán vẫn ở góc ấy, lẻ loi và mộc mạc cho tới ngày tôi đi rồi về thăm.

Nhớ những buổi sáng, tôi hết lót dạ bằng chén bánh bèo ở Nguyễn Thái Học, tô bún bò “rẻ rề” của hai chị em lớn tuổi ngoài Phan Bội Châu thì quay sang mì Quảng cá lóc ở ngã ba Nguyễn Du gần công an tỉnh. Khi mì trộn, bún trộn, bánh mì..., lúc không biết ăn gì nữa thì nhảy vô quán cháo bò bằm bí đỏ cà rốt, ngồi giữa đám con nít vừa thổi vừa xì xụp.

Một thời gian, những buổi vi hành của tôi không còn một mình nữa mà là nhiều mình, bạn học cấp 3 có, anh chị em đồng nghiệp có, và phải kể đến Hội - độc - thân - vui - tính - 8x của tôi. Cứ sau mỗi chiều, là chiếc điện thoại be bé rung lên, tít tít những hò hẹn. Cuộc sống của tôi không đơn điệu mà luôn đầy sắc màu, đầy nghĩa tình, niềm vui sẻ chia từ lúc nào không hay. Nhớ những đêm mùa mưa, mấy chị em chung phòng trọ rủ nhau chơi “tiến lên năm mo” rồi đèo nhau đi chung độ chè “no” nổi tiếng ở Tân Thạnh. Ăn xong, mặt tím tái, tay run, miệng phà khói mà mắt môi vẫn cười khì khì. Tôi hiểu rằng, cuộc sống tẻ nhạt hay vui tươi là do mình lựa chọn, do chính mình tạo ra, không phải do hoàn cảnh sống tác động lên, nên cứ hãy sống hết lòng, chân thành với nơi ấy.

Còn bao nhiêu hàng quán nữa mà tôi lê la mỗi ngày ở Tam Kỳ, ở nơi mà tôi được thoải mái uống ly nước đậu rang hay nước lá thơm tho mà không phải trả thêm tiền. Tôi đã đi qua nhiều thành phố nhưng không nơi nào cho tôi ly nước uống miễn phí thơm ngon đến thế. Cho đến một ngày tôi chia tay Tam Kỳ đến một nơi khác, một con đường mới.

Ngày ấy, tôi quyết tâm lắm. Tôi bỏ mặc Phố với những lời khuyên nhủ chân thành, những giúp đỡ hết lòng và cả những tình cảm, mối quan hệ mình đã có được, để đi tìm một sự đổi thay.

Và bạn tôi - cô ấy thật đúng khi nói rằng: “Phố chỉ thật sự làm người ta nhớ, khi có những ký ức đời thường như thế”. Tôi đã yêu và nhớ Tam Kỳ như một tình nhân với những món ăn bình dị của Phố, mà phải đến khi xa tôi mới nhận ra, theo cái cách mà ông bà ta nói “con đường ngắn nhất đi đến trái tim là đi qua… chiếc dạ dày”. Để sau này, mỗi khi về quê, dù nhà ba má có xa xôi hay thời tiết mưa gió cỡ nào, tôi vẫn nhất định dành khoảng thời gian ít ỏi của mình để lên xe buýt về Phố - người tình một thuở, ngắm nhìn sự đổi thay từ “nàng” ấy, gặp bạn bè và nhâm nhi những món ruột rà một thời.

MẠNH QUÂN

MẠNH QUÂN