Nhớ vụ mùa tháng Ba

LÊ THÍ 05/11/2016 11:38

Vùng phía nam Quảng Nam, trước đây việc trồng lúa hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời. Mỗi năm thường có hai vụ lúa, vụ tháng Ba và vụ tháng Mười. Đó là cách gọi theo âm lịch. Vụ tháng Ba thường bắt đầu từ cuối tháng 10 và thu hoạch vào tháng 4 dương lịch. Đây là vụ lúa cấy vì bắt đầu vào mùa mưa. Vụ tháng Mười bắt đầu vào tháng 5 và thu hoạch vào tháng 10. Đây là vụ lúa gieo vì trùng vào mùa nắng, ruộng không có nước.

Gánh lúa về nhà. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Gánh lúa về nhà. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Vụ lúa tháng Mười trùng vào mùa mưa, ruộng đầy nước nên phải gặt bằng hái có vằng (có nơi gọi cái giằng). Dùng vằng quơ một túm gồm 4-5 cây lúa rồi trở một góc 180 độ, dùng lưỡi hái cắt ngang. Việc gặt lúa như vậy nên phần cây lúa thu hoạch thường ngắn, phần thân cây lúa để lại ruộng nhiều. Phần cây lúa thu hoạch sau khi tuốt hết hạt, phơi khô sẽ thành rơm, còn phần cây lúa để lại ruộng gọi là rạ.

Do lượng rơm ít, lại gặp mùa mưa không phơi được vì vậy rơm rạ của vụ tháng Mười thường một phần để lại đồng, phần đem về nhà cũng chỉ thường chất thành đống cho mục để làm nấm rơm hoặc bón cho cây. Việc lấy rơm để dự trữ cho cả năm thường là do vụ tháng Ba đảm trách.

Vụ lúa tháng Ba gặp thời tiết tốt lại gắn với việc đạp lúa, phơi rơm, chất rơm nên mới thực sự có cái không khí của vụ mùa nên tạo nhiều ấn tượng nhất là với lũ trẻ chúng tôi.

Ấn tượng đầu tiên là việc “cắt” lúa. Vụ tháng Ba người ta không gọi là “gặt” mà là “cắt” vì cây lúa được cắt sát gốc, phần “rạ” bỏ lại ruộng rất ít. Gặt bằng “hái” nhưng cắt lại bằng “liềm”. Cắt lúa là công việc của phụ nữ, họ dàn hàng ngang trên ruộng đứng khom lưng hoặc có thể ngồi chồm hổm cùng tiến về phía trước, tay thoăn thoắt đưa liềm vào gốc lúa. Từ xa, chỉ nhìn thấy những chiếc nón lá nhấp nhô trên biển lúa vàng óng. Khi cắt được một “tay lúa” người ta lại xếp lại thành đống phía sau.

Các lực điền dồn các đống lúa và dùng “lạt” bó lại thành từng bó. Sợi lạt được chẻ từ những thân cây tre mới “dầy” và còn tươi để cho chắc và dẻo dễ siết cho bó lúa được chặt. Lúc thợ gặt cắt xong thửa ruộng thì lực điền cũng hoàn tất việc bó lúa.  Người ta dùng “đòn xóc” xóc mỗi đầu một bó lúa để gánh về nhà. Không gì đẹp và vui bằng cảnh từng đoàn người với gánh lúa trĩu hạt trên vai vừa đi vừa trò chuyện râm ran trên đường làng. Có lẽ đây là hình ảnh biểu trưng của mùa gặt.

Trước khi cho trâu bò đạp lúa, người ta chất lúa thành “nhả” trên các sân gạch đã được quét dọn sạch sẽ. Các bó lúa được xếp thành vòng tròn. Vòng lớn nhỏ tùy thuộc vào lượng lúa gặt trong ngày. Người ta xếp các bó lúa từ ngoài vào trong, đầu bông lúa ra ngoài, đầu gốc rạ bên trong. Hết lớp này đến lớp khác. Một nhả lúa có một bên thấp một bên cao. Phía thấp là phía có hạt, phía cao là phía gốc lúa.

Trâu bò đạp lúa thường bị khóa mõm bằng một chiếc “bịt” để chúng khỏi vừa đi đạp lúa vừa ăn, mất tập trung lại hao lúa.  “Bịt” là cái rọ đan bằng tre có dây để móc vào sừng. Một người cầm roi tre đi phía sau điều khiển cho  trâu bò đi vòng vòng quanh nhả lúa để đạp cho hạt lúa rơi ra. Mỗi lần đạp lúa lũ trẻ chúng tôi được phân công một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cũng rất tế nhị, đó là ngồi canh chừng, hễ thấy chú trâu bò nào sắp “ị” thì phải tức tốc bưng sọt kê vào đít trâu bò để hứng. Nhiều lần lũ chúng tôi bị “gõ trốt” vì ham chơi, thiếu cảnh giác để trâu bò ị ra trên lúa. Sau khi trâu bò đạp được khoảng vài tiếng đồng hồ, người ta cho trâu bò giải lao, mở bịt cho ăn rơm mới để “trở” lúa. Người ta dùng “mỏ xảy”, lật tung lớp rơm ở dưới lên để lúa hạt chui xuống sân, lớp rơm ở dưới chưa rụng hết hạt được đưa lên trên để trâu bò tiếp tục đạp cho sạch hết lúa và cho rơm được mềm đều. Trâu bò lại tiếp tục đưa vào sân đạp tiếp. Khoảng một giờ sau khi kiểm tra không còn lúa hạt trên rơm, việc đạp lúa mới hoàn tất. Người ta sảy đều để hạt lúa tách khỏi rơm. Hạt lúa nằm lại sân, rơm được đưa ra khỏi sân chất thành đống chờ phơi.

Để tránh nắng và đỡ mệt, việc đạp lúa thường được thực hiện vào ban đêm. Ngày trước chưa có điện, nhằm đỡ tốn dầu thắp đèn, việc đạp lúa thường diễn ra vào các đêm có trăng sáng. Vụ lúa tháng Ba vì vậy cũng thường gắn với mùa trăng để làm nên bao bài ca Gánh lúa đêm trăng. Đạp lúa đêm trăng… nổi tiếng một thời.

Lúa hạt sau khi dọn sạch rơm được dồn đống lại trên sân bằng chiếc “trang” để ngày mai phơi khô. Sáng hôm sau người ta trải lúa mỏng ra sân, cứ vài tiếng đồng hồ lại “trở” lúa cho khô đều bằng cách dùng hai bàn chân “cày” thành từng đường trên lúa giống như những luống cày. Phải phơi được hai ba nắng, lúa mới thực sự khô. Lựa một chiều có gió, người ta đem lúa ra giê. Người giê lúa xúc từng mủng (gọi là mủng giê, chứa được độ một ang), đứng trước gió, đưa lên cao và nghiêng mủng cho lúa từ từ rơi xuống. Đống lúa giê xong sẽ gồm ba phần, trong cùng là lúa chắc,  được để “lại hơi” (nguội đi) rồi mới đổ vào “ví” hay” bồ” để cất; tiếp theo là lúa “lừng” được dùng cho chăn nuôi và ngoài cùng là lúa lép. Cuối mùa gặt, đống lúa lép được đốt để lấy tro bón ruộng hoặc đem về nhóm bếp. Với bọn trẻ  chúng tôi không gì thú vị hơn khi thưởng thức những củ khoai được nướng chín bằng cách vùi vào đống lúa lép đang đốt. Khoai chín đều, không cháy sém, thơm lựng. Chỉ cần vừa sang từ tay này sang tay kia, vừa lột vỏ cho đỡ nóng là bỏ ngay vào miệng, không có loại khoai nào có thể thơm, bùi và ngọt hơn.

Sáng hôm sau, rơm cũng được trải ra khắp sân, khắp vườn cho khô trước khi chất lại thành cây để dự trữ. Trong cái nắng đầu mùa, khắp làng, trên sân, vườn, đường đi nhà nào cũng chỉ toàn một màu vàng rực, một mùi hương ngây ngất của lúa hạt, của rơm rạ.

Ngày nay, việc nhà nông phần lớn được cơ giới hóa. Máy liên hợp đã làm thay con người nhiều công đoạn nhọc nhằn nhưng cũng xóa mờ đi những hình ảnh của kỷ niệm đẹp. Còn đâu những chiếc nón nhấp nhô trên biển lúa, những đoàn người gánh lúa vừa đi vừa hát trên đường làng. Hết rồi những tiếng hò trong đêm trăng đạp lúa… Có chăng là kỷ niệm một thời, về những mùa vàng đã xa trong quá khứ.

LÊ THÍ

LÊ THÍ