Tôi đi chợ...
Gì chứ nói tới chợ búa cơm nước thì, với nhiều đấng mày râu, hẳn đó là chuyện “thiên hạ đệ nhất… hãi!”. Tôi có ông bạn vong niên sức khỏe tốt, lại cũng cực kỳ tháo vát, tức có thể làm đủ mọi chuyện trên đời trừ chuyện… đi chợ nấu cơm! Kết quả: Hễ vợ có việc đi khỏi nhà vài hôm là kể như ông “trường kỳ kháng chiến”… mì tôm, tức ăn mì tôm trừ bữa, tận đến lúc vợ về! Khuyên nhủ, động viên kiểu nào ông cũng bỏ ngoài tai: Đi chợ, nấu cơm ư? Thà… chết còn hơn!!!
Chợ búa cứ như cuộc đời thu nhỏ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Tôi thì đỡ hơn bạn: Vợ đi biết cắm nồi cơm điện, kho trứng và… luộc rau. Nhưng nói đến chuyện chợ búa thì cũng “bó tay”, mới nghĩ thôi đà mệt! Ngày chưa vợ thì có mẹ lo. Có vợ rồi thì vợ lo, và tôi cứ yên chí rằng về già sẽ có… con lo, như câu thành ngữ hài hước nơi cửa miệng dân gian. Vậy nhưng, số xui, chưa đến lúc “con lo” đã rơi vào cảnh một mình “muốn ăn tự lo”. Đói đầu gối phải bò, chứ không lẽ học sách ông bạn mà mì tôm… suốt đời sao chịu thấu?
Vậy là học nấu ăn, đi chợ.
Nấu ăn không quá khó. Tôi vốn ăn uống đơn giản: chỉ cần học vài món canh, kho, chiên xào dân dã là xong. Mỗi khâu đi chợ là “thiên nan vạn nan”. Hai phần đời, tôi có biết chợ búa là cái khỉ gì đâu, có chở vợ đi cũng chỉ… đứng xa xa mà dòm. Giờ đàn ông đàn ang như tôi biểu “xâm mình” chui vô chợ, lặn lội cùng các bà các cô giữa hàng thịt, hàng cá, hàng rau mà bán bán mua mua chắc tôi … chết giấc! Hơn nữa, giá cả bán mua tôi cũng mù tịt, có biết đắt rẻ thế nào. Thôi thì muối mặt đi… gửi nhờ hàng xóm. Cũng khổ, lâu lâu gửi một bữa thì được, không lẽ gửi hoài, chưa kể cái nạn không hiểu ý nhau, biểu một đàng mua… quàng một nẻo! Năm lần bảy lượt bị “sự cố”, thu xếp mãi vẫn không thông, tôi quyết định “một liều ba bảy cũng liều”: tự mình đi chợ!
Ngày đầu tiên bước chân vô chợ đúng… mắc cỡ. Cứ tưởng mọi cặp mắt sẽ đổ dồn vô cái “kỳ quan” đàn ông đi chợ là mình. Lo xa thôi, có ai để ý đâu. Vài người quen đụng mặt còn nở cười thân thiện, khen “động viên”: đi chợ ư, giỏi dữ…. Vượt qua được cái cảm giác bị “chiếu tướng” rồi thì đến lóng ngóng vì không thông thuộc địa hình chợ quán: Đi một hồi lộn ra… chỗ cũ vẫn chưa mua được món nào. Mà quái: Hoa mắt với đủ thứ hàng, nhưng sao món mình cần mua tìm hoài không ra? Sực nhớ lời mẹ dạy khi xưa: “Không biết thì hỏi”. Phải rồi, vậy mà quên, mọi thứ nơi… miệng mình chớ đâu. Hỏi, và lập tức được chỉ ngay, chu đáo, nhiệt tình. Lắm chuyện mắc cười: Hóa ra món đồ cần mua bày bán ngay bên cạnh mà tôi đi qua đến… hơn chục lần vẫn không tìm thấy!
“Cửa ải” cuối cùng là giá cả. Lo, nên trước khi đi tôi đã tìm hiểu “giá cả đại cương” từ những người quen. Gạo, thịt, trứng v.v. thì dễ mua, đau đầu nhất là những món hàng khó biết dở ngon hoặc giá cả “trời ơi” như cá tôm, rau quả! Đành phải động não nghĩ cách. Nghĩ mãi rồi cũng vỡ: Tôi cứ đứng rình, chờ coi người thạo việc chợ búa mua trước, sau đó bắt chước mua theo. Tự khen mình không đến nỗi “tối tăm”, nhưng bài ấy có hay cũng chỉ đối phó được cùng chuyện giá cả mà thôi, chất lượng hàng hóa thì đành phải “cầu trời”, ráng tin vô mắt mình và ráng tin vào… lương tâm người bán!
Vậy mà cũng xong, hay thật! Tôi ra về, trên tay lỉnh kỉnh đủ thứ gói bì thịt tôm, rau củ, bụng vẫn không tin rằng mình vừa… đi chợ. Hóa ra không có việc gì khó, chỉ cần ta dám nghĩ, dám làm (chớ đừng như ông bạn tôi, chưa chi đã thà chết còn hơn!), có sai lần đầu thì lần sau ta sửa, gì nghiêm trọng đâu(?). Có điều, nói khó tin, khi đã vượt qua “nỗi sợ” ban đầu, giờ đây tôi lại lại đâm ưa… đi chợ. Chợ búa cứ như cuộc đời thu nhỏ, nơi tôi có thể nhìn nghe, chiêm nghiệm ra lắm thứ mà nơi khác không phải dễ tìm.
Y NGUYÊN