Sách cũ
Cứ tưởng đã thoát rồi chuyện đi mượn sách đọc, bởi bây giờ ưng thì ra nhà sách mua về để cả đống trên bàn; nhưng không ngờ đã và đang lâm nguy vì phải gào lên với bạn bè, thầy cũ, mượn photo cho con học.
Cô giáo liệt ra một mớ phải tìm đọc. Hoảng, vì toàn giáo trình đại học, con nít biết chi mà rớ tới, nhưng lệnh con là lệnh trời, nên mình phải đi tìm. Những thứ đó mình đã ngó qua rồi ở thư viện, tư liệu khoa văn, mua về cất đó, ba lần dời nhà, rồi bạn bè mượn không trả, làm mất, chừ mới rã rời ra, sách xuất bản những năm 80-90 của thế kỷ trước, không tái bản, biết tìm ở đâu. Có mượn sách mới bấm điện thoại cho người quen, thấy mình bần bần, rằng nếu không có nhu cầu, chắc mình trượt dài vô cảm, quên béng những gương mặt một thời gắn bó, nên vừa nói vừa ngập ngừng, thiệt dị. Cuốn có, cuốn không, đành an ủi con là ráng vô thư viện, rồi nói nhỏ với cô là cho con mượn photo… Vài bữa, con lại kê ra, có những cái tên lạ hoắc trong giới lý luận, phê bình. Kìm được, nếu không thì đã văng ra, là nhà văn lẫn nhà phê bình xứ này, đáng đọc, chẳng nhiều lắm đâu, nhưng đành, lệnh con là lệnh trời. Cầm được cuốn cũ, lòng bâng khuâng như sương khói tháng năm. Lại nhớ người bạn cũ giờ đã mất, có cho cuốn sách - cuốn này bị ai đó mượn rồi không trả, nhưng vẫn nhớ đầu sách bạn thả mấy câu: “bao năm rồi đọc lại sách xưa/ bụi phủ gáy nhớ một thời đã mất/ bao năm ta đi xuôi về ngược/ thân gầy còm, chữ nghĩa vẫn trinh nguyên”…
Thời buổi mạng như bão, muốn tìm thì dò ra có thiếu chi, nhưng cầm cuốn sách mà cúi xuống, hình như tạp nham không bén mảng được. Sách cũ càng quý, bởi lớp người viết thời đó, sự tử tế của họ được cân đếm vững vàng và khả tín, họ viết chẳng phải vì nhu cầu thời đại hay đánh bóng tên tuổi, không như cái chuyện ra sách rồi ôm chân các vị có máu mặt để chạy vô hội nhà văn nhà vèo lâu nay, mà họ viết từ lòng họ, từ “Cổ kim hận sự thiên nan vấn/ Phong vận kỳ oan ngã tự cư” (Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi/ Cái án phong lưu khách tự mang - Nguyễn Du). Đọc sách cổ, mới thấy trên mạng cũng tùm lum, nhưng như “bát môn đại độn” của Khổng Minh, cứ phóng ra, mù trời không biết đâu là “sanh, thương, đổ, kiển…”. Một bữa có chuyện, hơi nghi nghi, vừa ngó sách, vừa mở mạng mà tra, thấy mỗi người nói một phách, bèn điện thoại cho thầy. Giọng thầy buồn bã: “Chữ nghĩa là thứ giết người không gươm dao. Trên mạng nó sai thì rút xuống được, chứ sách sai thì răng sửa. Em hãy tin rằng người soạn sách đó đã cân nhắc kỹ mới chép ra, bởi họ hiểu lẽ trời, mình sai mà khiến người khác sai theo, rước họa mấy đời không xóa được”. Nghe vậy, bèn nghĩ, mình mới đây đã trách oan cô giáo của con, khi cô bắt phải tìm ra sách, đừng đọc mạng.
Kẻ đọc sách cũ, không hẳn đã hoài cổ, nhưng họ thích giở, lau bụi quá khứ, và hình như họ cô đơn, thích cô đơn. Khi đối diện với chuyện của ngày hôm qua, những trầm tư không sẻ chia được của thì hiện tại sẽ được kết nối và khoảnh khắc có giá trị được đối thoại thực sự ập đến. Một bữa lạc vô một tiệm sách cũ, thấy người bán ngồi một mình, la liệt bao vây những gương mặt thiên cổ. Ông nói trầm tư như sách, bán cũng được, có ngày không bán được quyển nào, cũng không sao, chơi mà. Thầm hiểu, ông giàu có biết bao bởi hàng ngàn bạn bè đang âm thầm hoặc vang lên cùng ông. Tâm trạng khác biệt khi bước vô nhà sách máy lạnh. Những con mắt người xưa đang phán xét mình, còn chỗ kia chỉ có tiếng máy rào rào hối thúc, có thêm nhân viên bán hàng qua lại ngó nghiêng. Sách mới, giấy trắng, bìa đẹp, nhưng như thức ăn nhanh, như sẵn sàng bội tình. Bước ra cửa, ngó lại lần nữa, bèn mạnh miệng: “Bác như đang canh tù hè? Tù nhân toàn những kẻ có lòng thiên lương”. Một cái bắt tay làm mình sướng rân…
TRUNG VIỆT