Trời còn làm mưa...
(QNO) - Khi những cơn mưa tháng mười bắt đầu dày hạt thì khung cảnh mờ ảo buồn lòng của đất trời thường khiến tâm trạng con người bỗng nhiên se sắt.
Ảnh minh họa. |
Ca khúc của Phú Quang trong một sáng thức dậy ngày mưa “Tháng mười anh vụng về hốt những cơn mưa, nhốt vào trái tim khô hạn, để từng đêm nghe mưa lũ quanh hồn...” chợt làm tôi da diết nhớ quê. Mà quê nào có bao xa, chỉ quãng đường 30km và gần như cuối tuần nào cũng tranh thủ đưa con về chơi thì có gì phải nhớ. Vậy mà nỗi nhớ thường hằng chẳng kém gì Giả Đảo mỗi lúc giảng Đường thi “Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương/ Quy tâm nhật dạ ức Hàm Dương”. Thường tôi vẫn dịch nghĩa vui cho sinh viên dễ nhớ là “Ở trọ Tam Kỳ đã mười mùa sương/ Trong lòng ngày đêm đều nhớ về Tiên Phước”. Nói vui mà là nói thật, tâm trạng hoài cố hương dù xa dù gần, dù cổ hay kim, dù thi nhân hay người quê kệch... theo chủ quan tôi nghĩ với mọi người đều tương tợ nhau. Vì hình như con người lớn lên gắn bó với một cái gì thì giá trị đó sẽ trở nên viên mãn ở trong lòng.
Tháng mười trong ký ức của năm tháng tuổi thơ tôi là những ngày cơ cực của tiết trời. Trên con đường làng đổ sệt của đất sét, từ sớm tinh mơ chúng tôi phải xách dép lội bộ trên quãng xa để ra đường cái quan mới hòng đi được xe đạp tới trường. Khi áo mưa là một tên gọi còn xa xỉ thì cái hình ảnh “mang tân đội nón” thật trở thành một ký ức bất tận ở trong tôi. Tân là một tấm ni lông chữ nhật được cột lại bởi sợi chun mỏng manh mà khi khoác vào nếu khô đằng trước thì ướt đằng sau! Nhưng có hề gì với đám nhất quỷ nhì ma chúng tôi ngày ấy, khi mà cái nghèo không phải là nỗi ám ảnh đáng sợ như những nỗi ám ảnh về một môi trường sống bất an như bây giờ. Thậm chí những ngày mưa nước trắng ngập đồng đã trở thành niềm vui sướng khôn nguôi khi mà bè chuối được chèo tới lui trên đám ruộng trước nhà, thỏa cái ước mơ tí teo được nhìn thấy biển của đám trẻ con miền núi. Những ngày mưa đó được khao khát đợi chờ để được đào giếng mạch, để đi câu cá thả nơm hay chỉ đơn giản được chực chờ ăn món bún sắn cua đồng thơm lừng mẹ nấu. Bây giờ, khi ngồi miên man nhớ, tôi bâng khuâng tự hỏi có phải ngày mưa đó thi vị hơn ngày mưa bây giờ khi mà người lớn đã tự tiện đoạt hết niềm vui thơ ngây của trẻ nhỏ để cố sức nhét vào đó những cảm xúc vô vị, khô khan? Lỗi này, bản thân tôi có dự phần vào đó mà không thể xoay xở rời ra được, than ôi!
Trên con sông Tiên ngày nay quanh năm gần như trơ trọi những đá sỏi thì tháng mười của những năm cuối thế kỷ trước là những chuyến đò ơi nguy hiểm đến rợn người. Đám học trò chen lấn cùng với người buôn chuối, kẻ buôn thơm trên con đò gỗ vừa chèo vừa tát nước và không hề gợi một chút khái niệm bảo hộ, cứu hộ. Trên những chuyến đò may rủi ấy chúng tôi đã có những phút giây vô tư lự qua sông, có thoáng chút nỗi sợ chăng thì cũng chỉ là sợ... trễ đò. Mà đò trễ là lý do thầy tôi thường đặc biệt lượng thứ cho học trò Tiên Cảnh thì còn gì vui sướng hơn.
Có lẽ sau tiết trời rất đẹp của mùa thu thì tháng mười với những cơn mưa giống như một phiên trở gió. Cái trở mình đột ngột của tiết trời khiến con người giữa chốn "thiên nhân tương dữ" không tránh khỏi tê lưng mỏi gối mà buộc sống chậm lại, chững lại. Ngày xưa có lẽ mưa cũng tự trên trời rơi xuống, và mưa ấy ngày nay cũng không nỡ vô tình...
NGUYỄN THỊ THANH THẢO