Liêu xiêu cầu tre

HÀ SẤU 09/10/2016 07:04

Ở các làng quê sông nước xứ Quảng, những cây cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ. Nơi đó chứa đựng cả bầu trời ký ức của một thời xa vắng.

1. Ngày trước ở Quảng Nam đi đâu cũng thấy cầu tre. Nếu con lạch nhỏ nông nước thì người dân trong làng hè nhau đốn dăm ba chục cây tre già, đặc ruột kết lại làm cầu đi tạm. Còn như khúc sông dài hơn thì phải mất cả trăm cây tre làm cầu mới đủ độ bền chắc để lưu thông qua lại. Tầm vóc hơn, có cây cầu tre dài hơn 300 mét làm từ 2.000 cây tre bắc qua sông Trường Giang nối hai xã Bình Dương và Bình Giang (huyện Thăng Bình) làm từ năm 1996.

Thời đất nước mới thống nhất, cũng như các mẹ các chị khác, bà Tám cũng phải chân đất gồng gánh hàng chục cây số từ miệt sông lên chợ thị trấn Vĩnh Điện để bán khoai, củi thông, gom góp được mấy đồng bạc mua bắp xay về trộn với gạo bo bo chạy ăn từng bữa cho đàn con thơ ngây. Tới cuối cầu tre sắp rẽ vào xóm, mệt quá bà lại cởi nón cời ra ngồi thở dốc đón gió xào xạc từ mấy rặng tre. Thi thoảng, có hôm mới đi tới đầu chân cầu thì bà đã thấy thấp thoáng bên kia bóng tụi nhỏ ngồi chống cằm ngóng mẹ đem mớ bánh đúc mua về từ chợ xa. Giờ mỗi khi nhớ lại bà vẫn còn cám cảnh mình.

Cầu tre cũng là gạch nối cho những ký ức đứt quãng, ngô nghê của lũ học trò trường làng một thời mơ về nơi phố thị. Ngay từ cấp một, ba đứa con bà Tám đã dắt díu nhau qua cây cầu tre nhỏ chòng chành phía sau hè đi học, bởi xóm Gò Nông của chúng cách trường làng một con lạch. Hết cấp hai, thằng Hạc con đầu của bà phải nghỉ học bởi nhà nghèo rớt mồng tơi. Đều đặn mỗi chớm trưa, thằng Hạc bỏ lửng đàn trâu nhà đang thủng thẳng đằm mình dưới ao lầy, tựa lưng vào gốc dừa ngoái ra phía xa xa chờ cái Trúc hì hụi đạp xe từ trường huyện qua cầu tre về nhà. Mà nó cũng chỉ thương thầm trộm nhớ thôi, để rồi sau đó cô gái ấy đỗ đại học thì đi mãi về nơi xa xứ.

2. Thời gian thấm thoắt qua mấy chục năm, nhiều cây cầu tre dần nhường chỗ cho hàng loạt cây cầu bê tông cốt thép kiên cố hiện đại. Thi thoảng, có dịp con cháu đưa bà Tám về giỗ kỵ đằng ngoại, băng qua cây cầu tre hiếm hoi còn lại ở vùng nông thôn mới đã khang trang đường sá. Con bé cháu nội út từ nhỏ đã sống ở thành phố, lần đầu đi cùng bà qua cầu tre ra chiều thích thú lắm, nó cứ nấn ná không muốn chạy hết cây cầu. Còn bà Tám chỉ bình thản lẩm bẩm câu gì đó rồi thở dài, tiếng thở dài của một người từng trải mấy chục năm mưa nắng chênh chao với cầu tre. Quay lại thành phố, con bé kháo lại với đám bạn về cây cầu “nên thơ” rồi hẹn hò nhau cuối tuần về chụp ảnh ngoại cảnh.

Mà nào có phải chỉ một vài đứa chúng nó “thèm” cầu tre đâu. Dạo quanh các quán cà phê vườn trong thành phố, quán nhỏ thì chẻ vài thanh tre lát thành cái cầu nhỏ dăm nhịp đi qua khe nước, quán lớn thì đầu tư hẳn một cây cầu tre mấy chục mét qua lạch nước để phục vụ các “thượng đế” cái thú “hương đồng gió nội”. Nhiều nhà hàng, quán nhậu nơi miệt vườn cũng cặm cụi bắc cây cầu tre liêu xiêu, cho khách gửi xe ngoài xa thả bộ vào nhằm tạo dấu ấn. Ở một số khu vui chơi sinh thái như Hội An Eco Discovery, người ta cũng dựng nên hai cây cầu tre cao lênh khênh để làm điểm nhấn cho du khách chơi những trò chơi vận động cực kỳ chộn rộn, tựa như được quay về cái thời nhảy cầu tắm sông của thằng Hạc, cái Trúc năm nào…

Có lẽ, hệt như cây đa, bến nước, sân đình, cầu tre cũng là một “đặc sản” của bao làng quê xứ Quảng thanh bình, yên ả. Ở đó, còn hằn bao dấu nhọc nhằn một thời xưa cũ. Ở đó, còn ghi khắc tiếng lòng của những chàng trai, cô gái ngậm ngùi đánh rơi mối tình chôn kín một thuở. Cũng ở đó, những đứa trẻ thời nay lân la, mò mẫm đi tìm những xúc cảm trân quý mà thế hệ của họ không được (hay nói đúng hơn là may mắn không phải) trải qua. Cầu tre dù đã khan hiếm dần trên những dòng sông, con suối nhưng chẳng hề phôi phai trong tiềm thức các thế hệ. Hình như ở đó có quê hương!

HÀ SẤU

HÀ SẤU