Xúc cảm Trung thu

KHÁNH THI 15/09/2016 15:36

(QNO) - Đối với thế hệ 7X, 8X, Trung thu thật sự là một cái tết đặc biệt dành cho thiếu nhi. Có lẽ do thời buổi đói ăn, đói văn hóa, nên mỗi mùa Trung thu về, trẻ con luôn hồi hộp, mong đợi. Khác với bây giờ, sự đủ đầy cả vật chất lẫn tinh thần nên Trung thu với trẻ con đã thiếu sự háo hức. Những điều khó chối cãi ấy khiến tôi suy nghĩ phải làm sao để các con tôi có cái Tết Trung thu đáng nhớ, để dù cho xã hội phát triển tới mức độ nào, thì Trung thu vẫn mãi là một phần ký ức khó phai.

Trẻ em thích thú với múa lân dịp tết Trung thu. ảnh: Duyên Nguyễn.
Trẻ em thích thú với múa lân dịp tết Trung thu. Ảnh: DUYÊN NGUYỄN

Tôi tự làm cho con chiếc lồng đèn, năm thì làm lồng đèn ngôi sao, năm thì làm lồng đèn trái ấu, vì hai kiểu lồng đèn ấy dễ làm, trẻ con cũng có thể tham gia phụ họa. Chỉ cần tìm nan tre và giấy kiếng, thì một chiếc lồng đèn xinh xắn ra đời. Trước Trung thu vài hôm, tôi vận động phụ huynh lối xóm cho các con rồng rắn đi rước đèn quanh các con hẻm. Lời đề nghị của tôi được mọi người hưởng ứng. Cũng có người tự làm lồng đèn cho con, có người đi mua. Lồng đèn giấy kiếng thì đốt đèn cầy, lồng đèn nhựa thì chạy bằng pin với đủ kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ lung linh dưới ánh trăng rằm. Người lớn nhìn khung cảnh cũng mê mẩn, thì trong bộ nhớ non nớt của trẻ con, tôi tin chắc chắc trẻ sẽ lưu giữ nhiều khoảnh khắc đẹp.

Ở TP.Hồ Chí Minh, người ta không múa lân dịp Trung thu, mà múa vào dịp đầu năm mới nên những ai từng chứng kiến Trung thu ở quê, sẽ thấy Trung thu thành phố có phần nhạt nhẽo. Tôi kể cho con những cái Tết Trung thu của tôi ở một miền quê nghèo Quảng Nam, nơi mà mỗi mùa Trung thu về, chúng tôi được lãnh bánh kẹo, được mẹ cha cho đi theo đội lân suốt đêm, vừa đi vừa hát những bài hát về Trung thu gắn với hình ảnh chú Cuội, chị Hằng, được sờ mặt nắm tay ông địa…

Ở TP.Hồ Chí Minh, người ta thường tổ chức Trung thu cho trẻ con ở tại trụ sở của phường, nơi có các anh chị đoàn thanh niên, hay các mạnh thường quân phối hợp thực hiện. Đấy là môi trường sinh hoạt lành mạnh, có nhiều trò chơi hấp dẫn, nhiều bài hát hay. Tuy quà tặng không có gì đặc biệt, nhưng tinh thần người lớn dành cho trẻ con ở những nơi ấy rất thắm tình. Tôi không bỏ sót địa chỉ thú vị ấy của con. Hoặc nếu chịu khó, có thể cho con tham gia các lớp học làm bánh Trung thu miễn phí ở các nhà văn hóa, các hội quán dành cho bà mẹ và trẻ em…

Những trải nghiệm quý giá ấy cũng sẽ là hồi ức đẹp, để mỗi mùa Trung thu về, gợi nhớ kỷ niệm, nhớ tình thâm. Mới cuối tháng sáu âm lịch, bánh Trung thu đã tràn mặt phố. Trẻ con xem ra đã chẳng còn hứng thú với bánh, vì chúng có quá nhiều sự lựa chọn, có nhiều thứ để vui, và cũng một phần người thân đã không còn nhiệt tình chia sẻ về một cái tết ấm áp tình thâm cho trẻ.

Các con tôi đã lớn, Trung thu chỉ còn đọng lại qua miền ký ức ngọt ngào. Dù vậy, tôi cũng chọn mua một hộp bánh có thương hiệu, để đêm rằm tháng Tám, cả nhà quây quần bên nhau, nhâm nhi vị ngọt của bánh, vị đắng chát của trà, mừng cái tết trẻ con, vui với mùa thu đang giữa mùa lá rụng. Chợt cười một mình khi chiều nay, thằng bé ba tuổi nhà bên cạnh thấy người bán băng đĩa ngang nhà mở bài hát về Trung thu có đoạn “tùng dinh dinh” lặp đi lặp lại, nó hí ha hí hửng nhảy theo. Chừng như thằng bé biết đó là bài hát về ngày Tết Trung thu dành cho trẻ con. Rồi nó mân mê chiếc lồng đèn chạy bằng pin, hình con cá chép, miệng thì ngọng líu “trung hu, trung hu” (trung thu, trung thu) thật quá dễ thương. Tôi mong mỗi mùa trung thu về, dù là trẻ con thành thị hay trẻ nông thôn, đứa nào cũng háo hức, mong đợi, mơ những giấc mơ Trung thu ngọt ngào.

KHÁNH THI

KHÁNH THI